Liên kết nuôi cá rô phi VietGAP: Người nuôi lợi, người tiêu dùng an tâm

Trần Phượng Thứ hai, ngày 17/10/2016 06:45 AM (GMT+7)
Đó là đánh giá chung được đưa ra tại Hội thảo sơ kết dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Cùng với hội thảo, trong 2 ngày 14 và 15.10, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức tham quan mô hình nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.
Bình luận 0

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lãnh đạo trung tâm khuyến nông các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng  - nơi thực hiện nuôi cá rô phi theo  tiêu chuẩn VietGAP, các hộ nông dân tiêu biểu của các địa phương nêu trên, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm...

Người nuôi lợi, người tiêu dùng an tâm

img

Các cán bộ khuyến nông và nông dân tham quan ao nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.  Ảnh: T.P

Tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay, hiện nay việc nuôi cá rô phi còn tồn tại rất nhiều hạn chế như: Tỷ lệ cá sống thấp, tốn thức ăn, nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất lớn nên sức cạnh tranh yếu. Sở dĩ như vậy là do người dân nước ta áp dụng nuôi theo phương pháp truyền thống, tự phát và nhỏ lẻ, chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật. Ví dụ ở Bắc Giang, theo đúng quy trình thì ao nuôi sau thu hoạch phải phơi 30 ngày mới tiếp tục thả, nhưng nhiều hộ sau 4 ngày thu hoạch đã lại thả loạt mới nên hậu quả cá bị nhiễm bệnh và sản phẩm nuôi không an toàn. Ngoài ra, người nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm cho hệ thống cấp nước; chưa kiểm soát được dư lượng thuốc kháng sinh có trong cá nuôi, sản phẩm chưa đảm bảo an toàn; chưa có sự liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ và chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu...

Theo kết quả của dự án “Đánh giá hiệu quả hoạt động khuyến nông giai đoạn 2010-2011 và nhu cầu khuyến nông đến năm 2015”, có tới 44% số hộ nuôi tự tiêu thụ sản phẩm, 42% số hộ hợp đồng miệng với thương lái thường bị ép giá hoặc bẻ kèo, số còn lại hợp đồng  tiêu thụ với doanh nghiệp. Phần lớn các hộ nuôi không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên việc lựa chọn các đối tượng sản xuất trọng tâm, chủ lực trong nông nghiệp vẫn chưa đạt kết quả. Vì vậy, việc liên kết giữa người sản xuất và đơn vị thu mua sản phẩm để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu là rất quan trọng trong dự án.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định với 4 nội dung cơ bản gồm: An toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Qua triển khai các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP theo chủ trương của Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã chỉ đạo và xây dựng 349ha nuôi ứng với 246 hộ thuộc 35 tỉnh, thành phố. Theo đó, có 6ha bị dịch bệnh, 4 hộ bị thiệt hại. Riêng mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được triển khai tại 5 tỉnh thành phố là Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hải Phòng (năm 2016) với diện tích 15ha và 19 hộ dân tham gia xây dựng mô hình, không có hộ nào bị dịch bệnh, trong khi nhiều hộ xung quanh  mô hình có cá bị dịch bệnh và chết. Tổng số cá trong mô hình thu được sau khi nuôi  5-6 tháng là 243 tấn, bình quân 16,2 tấn/ha/vụ. Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực như: Tỷ lệ cá sống cao, dịch bệnh ít, thời gian nuôi ngắn và hệ số tiêu tốn thức ăn cũng ít, tỷ lệ thành công của người nuôi cũng cao vì sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng sẽ dễ bán hơn.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Theo bà Đặng Thị Thanh – Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật thủy sản Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng: Nghề nuôi cá rô phi ở Hải Phòng đã có truyền thống từ lâu nhưng cũng theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh, được mùa mất giá, mất mùa được giá... Năm 2016, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, địa phương được thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã tạo được những bước đi và giải pháp phù hợp, phát triển ổn định và bền vững nghề thủy sản. Để thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, đơn vị mong muốn Trung tâm Khuyến nông quốc gia quan tâm, hỗ trợ việc xây dựng chứng nhận nhãn mác sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là sản phẩm an toàn theo quy trình VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - tổ trưởng tổ chăn nuôi ở thôn Để Xuyên, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho rằng: Việc nhân rộng mô hình có thuận lợi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó là vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay và đầu ra của sản phẩm. Nếu người sản xuất được tạo điều kiện về vốn thì việc nhân rộng mô hình mới khả thi.

Để giải tỏa mối lo về đầu ra, bà Nguyễn Thị Hằng Vân – Giám đốc Công ty Phúc Hà chuyên cung cấp giống thủy sản  ở huyện An Lão (Hải Phòng) cũng hứa tạo điều kiện cho người nuôi cá rô phi tiêu thụ sản phẩm nếu như cá đạt chất lượng tốt, an toàn...  Còn hướng của Công ty TNHH Nam Thanh (Sầm Sơn, Thanh Hóa), theo ông Nguyễn Văn Thành - chủ cơ sở là tận dụng diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp để nuôi trồng thủy sản, tìm kiếm hộ, trang trại phối hợp đầu tư vốn, thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem