Liều lĩnh bắt bệnh cho con bằng...internet

Thứ ba, ngày 20/05/2014 07:45 AM (GMT+7)
"Anh Gúc" (Google) dường như đã trở thành bác sĩ, chuyên gia chăm sóc con của nhiều bà mẹ. Thế nhưng, các mẹ cần tỉnh táo và luôn ghi nhớ rằng, những thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo.
Bình luận 0
Trong thời đại Internet, chẳng xa lạ gì việc các bà mẹ lên mạng chia sẻ cách chăm sóc con. Nhiều mẹ mặc nhiên coi đây là cuốn "bí kíp" thần thông, có thể giải quyết mọi vấn đề của con mà quên mất sự tồn tại của các bác sĩ chuyên khoa. Phải khẳng định một điều rằng, thông tin trên mạng chỉ có tính chất tham khảo.

Mặc dù những tư vấn về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh trên Internet hiện nay nhiều vô kể, và chúng ta dễ dàng có được những thông tin cho mọi vấn đề mình băn khoăn, nhưng thực tế là không phải tất cả các thông tin đó đều có độ tin cậy và chính xác. Thậm chí, nhiều thông tin chỉ mang tính chất kinh nghiệm và truyền miệng, không được kiểm chứng khoa học, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người được tư vấn. Đặc biệt là với trẻ em, sức đề kháng còn kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau. Nếu cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu... lướt mạng như vậy thì sẽ không đảm bảo trẻ được điều trị đúng bệnh, hơn nữa còn có thể khiến trẻ mắc thêm bệnh nguy hiểm khác.

img
Ảnh minh họa

Chị Thu, mẹ của một bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi – BV Bạch Mai kể về kinh nghiệm tìm kiếm thông tin chăm sóc con trên mạng của mình: "Mỗi lần con bị làm sao thì mình lên trên mạng tra xem như thế nào, nếu thấy hợp lý thì mình áp dụng. Ví dụ cách làm nó đơn giản, hoặc là thấy biểu hiện của các cháu nó cũng giống với các bài mà ở bên dưới ghi là do bác sĩ ở đâu đó viết thì mình áp dụng theo. Thường thường mình thấy các mẹ chia sẻ cũng đúng nhưng mà có một số cái cũng không đúng lắm, tại vì mỗi người nói một kiểu.

Nói chung là những cái nhẹ nhẹ thì cũng đúng, nhưng mà nặng hơn một chút thì cho con vào viện chứ còn không thể đọc trên mạng mà tự chữa cho con được. Mình chỉ áp dụng những cái như ở nhà rửa mũi cho con thôi, chứ còn thuốc thang thì không dám tự ý cho con uống. "Tai nạn" nhớ đời là lúc trước mình dùng cái hút mũi cho con nhiều quá, đến nỗi con chảy máu, rồi nó sợ. Vào đây các bác sĩ hướng dẫn là chỉ cần xịt một bên thôi là khắc rửa được cả hai bên, làm trẻ con nó bớt sợ hơn, mà cũng đơn giản hơn”.

Như lời chị Thu nói, thì ngay cả những cái mà chị cho là “nhẹ nhẹ thôi cũng đúng” như việc xịt rửa mũi cho con ở nhà cũng vẫn mang lại những nguy hiểm cho trẻ. Bằng chứng là cháu bé bị sợ hãi, đau đớn, rồi mũi chảy máu. Việc hút mũi cho trẻ hiện nay cũng là việc mà khá nhiều bậc phụ huynh đang truyền nhau cách làm, và vô tình dẫn đến tổn hại cho sức khỏe của trẻ.


img
Ảnh minh họa

Một "tín đồ" khác của mạng xã hội là chị Phạm Hiền ở Ba Đình, Hà Nội. Chị là thành viên rất tích cực của cả hai trang web mạng xã hội dành cho các mẹ là Webtretho và Lamchame. Chị thường vào diễn đàn để chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm dạy con, chăm sóc con của các mẹ khác. Chị Hiền chia sẻ: “Tìm kiếm thông tin trên mạng hiện nay là một điều vô cùng tiện lợi. Không thể nào, em bé hơi sốt, biếng ăn, khóc … là mình mang đến viện ngay được. Vì nói thật, đưa bé đến viện có phải là được khám ngay đâu, phải chờ đến cả tiếng đồng hồ, rồi không khí ngột ngạt ở viện có khi càng làm em bé ốm thêm. Mà bực nhất là khi đến lượt khám thì bác sĩ khám qua quýt rồi cũng chỉ chuẩn đoán là: sốt viêm A, sốt mọc răng… Cho nên những lần sau mình lên Google Search hoặc vào diễn đàn lập topic để hỏi các mẹ khác.”

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ trong quá trình làm việc của mình, ông có gặp một số bậc phụ huynh hỏi về các thông tin tư vấn chăm sóc trẻ nhỏ, mà lắm lúc khiến ông phải bật cười. Việc xịt rửa mũi bằng nước muối cho trẻ như trên là một ví dụ. Bình thường, mũi của trẻ cũng giống như người trưởng thành, có cơ chế tự bảo vệ trước bụi bặm, vi khuẩn, ngăn không cho chúng xâm nhập vào phổi. Nếu mũi trẻ không khụt khịt, không hắt hơi, xổ mũi mà các bậc phụ huynh cứ xịt rửa hằng ngày theo kiểu mách nhau trên các trang diễn đàn, thì quả thật không tốt cho bé một chút nào.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Các thông tin đấy chỉ là những kinh nghiệm, nghe ở chỗ nọ chỗ kia, rồi xem ở tờ báo này, ở nước kia người ta nói như thế... và mách nhau làm theo. Tôi thấy, phần nhiều là các thông tin đấy không đúng, không chính xác, và thậm chí có khi còn sai. Ví dụ người ta cứ bảo nhau là hằng ngày hãy rửa miệng của cháu bằng một miếng vải mềm hoặc một miếng gạc lau bằng nước muối cho bé để sạch lưỡi và miệng. Họ không hiểu rằng, trong miệng các em bé có cơ chế tự làm sạch, chính là việc trong miệng của các em bé liên tục tiết ra nước bọt dể rửa miệng sạch sẽ. Cho nên người ta mới khuyến cáo, trẻ em dưới 6 tháng tuổi, không phải làm bất cứ vệ sinh nào trong miệng. Ấy thế mà cứ truyền nhau như vậy, cuối cùng đến chỗ tôi khám thì thấy các em bé bị tưa hết, bị nấm miệng. Vô hình chung cái tay của chúng ta cho vào miệng của em bé qua một cái gạc nhưng cái tay của ta có khi bị nấm rồi, lại bôi vào miệng em bé. Thế rồi mình cứ tưởng lấy gạc quệt một cái như thế rất nhẹ, như kỳ thực như thế đã là một chấn thương mạnh cho cháu, thế là nó xây xước, nhưng không nhìn thấy đâu, mắt thường làm sao nhìn thấy được. Thế là em bé rát miệng, nó trở nên chán ăn”.

Trong xã hội tràn ngập thông tin như hiện nay, chúng ta cần phải tham khảo những thông tin chính thống nhất của các tờ báo và các trang mạng trong ngành y tế, đặc biệt là lắng nghe những tư vấn từ chính các bác sĩ có uy tín để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho mình và những người thân. Những thông tin truyền miệng hay kinh nghiệm chỉ nên mang tính tham khảo.
Đẹp Online (Theo Đẹp Online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem