Liệu Nga có đang tìm 'lối thoát' cho cuộc chiến Ukraine?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 22/10/2022 15:01 PM (GMT+7)
Những diễn biến khó lường của cuộc chiến đặt ra câu hỏi về việc liệu Washington và Moscow có nên tham gia vào các cuộc đàm phán để tránh mở rộng xung đột, bao gồm cả một cuộc đối đầu hạt nhân hay không.
Bình luận 0
Liệu Nga có đang tìm 'lối thoát' cho cuộc chiến Ukraine? - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị bắn lựu pháo D-30 về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang thay đổi lập trường cứng rắn của mình về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tổ chức các cuộc đàm phán hiếm hoi với người đồng cấp Mỹ sau một loạt thất bại trên chiến trường.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đứng ra trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, cho biết hôm 21/10 rằng ông Putin dường như "mềm mỏng và cởi mở hơn trong các cuộc đàm phán" với Ukraine so với trước đây.

"Không phải là không có hy vọng", ông Erdogan nói về khả năng đàm phán chấm dứt xung đột.

Hôm 21/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Tổng thống Putin đã mở cửa cho các cuộc đàm phán "ngay từ đầu" và "không có gì thay đổi".

Ông lập luận: "Nếu bạn còn nhớ, Tổng thống Putin đã cố gắng bắt đầu các cuộc đàm phán với cả NATO và Mỹ ngay cả trước khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt. Thậm chí khi xung đột diễn ra, các nhà đàm phán Nga và Ukraine gần như đã thống nhất với nhau. Vì vậy, có thể nói lập trường của chúng tôi không thay đổi. Nhưng lập trường của phía Ukraine thì có".

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga sẵn sàng can dự với Mỹ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách chấm dứt chiến sự, hiện đã bước sang tháng thứ tám, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị đàm phán nghiêm túc nào.

'Duy trì trao đổi'

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin hôm 21/10 - cuộc gọi đầu tiên của họ sau 5 tháng.

Hai người đã nói về "các vấn đề an ninh quốc tế, đặc biệt là tình hình ở Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

"Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc trong bối cảnh cuộc chiến chống Ukraine đang diễn ra", Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.

Đây là lần thứ hai ông Shoigu và ông Austin nói chuyện kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24/2. Vào ngày 13/5, ông Austin yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và kêu gọi thiết lập đường dây liên lạc mở.

Vào thời điểm đó, lực lượng Nga đã bị đánh lui khỏi thủ đô Kiev và chuyển hướng sang các khu vực phía đông Donbass và Kharkov.

Sáu tháng sau, các lực lượng Ukraine dường như đang giành lợi thế trên tất cả các mặt trận.

Trong những tuần gần đây, quân đội Kiev - được hỗ trợ bởi vũ khí phương Tây - đã tiến về thành phố chính của vùng Kherson phía nam.

Kherson là thành phố quan trọng đầu tiên rơi vào tay quân đội Moscow và việc giành lại thành phố sẽ là một chiến thắng lớn trong cuộc phản công của Ukraine. Các quan chức do Nga thiết lập đang cố gắng sơ tán tới 60.000 người khỏi khu vực Kherson để đảm bảo an toàn cho họ và cho phép quân đội xây dựng công sự.

Trước đó, Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công sâu rộng ở khu vực phía đông bắc Kharkov, làm suy yếu nghiêm trọng các tuyến đường tiếp tế và hành lang hậu cần của Nga ở Donbass.

'Ngoại giao có ý nghĩa'

Liệu những thất bại quân sự có buộc Nga phải xem xét những cách khả thi để rút khỏi Ukraine hay không, điều này vẫn chưa thể chắc chắn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 21/10 rằng Washington sẽ xem xét mọi biện pháp để thúc đẩy ngoại giao với Nga nếu nước này thấy cơ hội nhưng hiện tại, Moscow không có dấu hiệu sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa.

"Mọi dấu hiệu cho thấy còn lâu Nga mới sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa", ông Blinken nói trong một cuộc họp báo.

"Chúng tôi sẽ cân nhắc và xem xét mọi cách để thúc đẩy ngoại giao", ông nói nhưng lưu ý thêm rằng Moscow đã "tăng gấp đôi hoặc gấp ba sự cứng rắn của mình".

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào những cơ sở hạ tầng điện nước của Ukraine trong tuần này.

Một Mariupol mới?

Hiện tại, trận chiến quan trọng tiếp theo có thể sẽ diễn ra tại thành phố Kherson.

Mặc dù vậy, nhà phân tích Mykhailo Samus cho rằng gần như không có khả năng Ukraine muốn tấn công thành phố do Nga quản lý, bởi còn hàng chục nghìn cư dân vẫn còn ở lại đây.

"Người Ukraine sẽ không tiến hành bất kỳ trận chiến nào ở Kherson. Họ không tấn công và phá hủy các thành phố như Nga đã làm tại Mariupol", ông Samus nói.

Trong khi đó, Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges đồng ý rằng Ukraine có khả năng sẽ tránh một "cuộc chiến khổng lồ bên trong thành phố" mà thay vào đó sẽ "bao vây những binh lính Nga ở bên trong để họ không thể trốn thoát".

Nhà nghiên cứu thuộc Đại học Paris Sorbonne, ông Pierre Grasser cho biết quân đội Ukraine đang phải cân nhắc kỹ lưỡng việc di chuyển bên ngoài thành phố. Ông nói: "Việc lực lượng Ukraine tiến gần vào vùng ngoại ô Kherson có thể dẫn đến nguy hiểm".

Ông Grasser giải thích: "Chiến tranh đô thị luôn dẫn đến nhiều thiệt hại cho phe tấn công và điều này có nguy cơ tạo ra một Mariupol mới".

Các nhà phân tích cho biết Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Ukraine, ông Valeriy Zaluzhnyi đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tướng Pháp đã nghỉ hưu Michel Yakovleff cho biết: "Ukraine có hai lựa chọn, bao vây thành phố chừng nào có thể hoặc phá hủy thành phố và biến nó thành đống đổ nát".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem