Biến vùng bỏ hoang thành trang trại tiền tỷ, chị nông dân Thái Bình thu 200 triệu/tháng từ bán lợn thịt

Kim Anh (Cổng TTĐT huyện Vũ Thư) Chủ nhật, ngày 12/03/2023 16:59 PM (GMT+7)
Từ vùng đất úng trũng bỏ hoang, lau sậy và cỏ dại mọc um tùm, bằng sự lao động cần cù, ý chí quyết tâm, vợ chồng chị Phạm Thị Chung, thôn An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã cải tạo thành trang trại chăn nuôi lợn, kết hợp nuôi cá, thu nhập hơn nửa tỷ/năm...
Bình luận 0

Trong cái nắng hanh hao của những ngày tháng 10, chúng tôi tìm đến vùng đất bãi chân đê thôn An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Một không gian yên bình bên ao thả cá và những hàng bưởi diễn sai trĩu quả. 

Nghe quá trình chuyển đổi càng thấy khâm phục nghị lực vượt khó của chị Chung: lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. 

Với suy nghĩ quyết tâm thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc chị không ngừng suy nghĩ và tìm tòi hướng đi phát triển mới. 

Năm 2004, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chị bàn với chồng nhận đấu thầu gần 3ha thùng đầm chân đê đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 

Bắt tay vào cải tạo đất gặp rất nhiều khó khăn vì đây là vùng đất thấp trũng, quanh năm nước ứ đọng, bùn lầy. Ngày cũng như đêm, ngoài thuê máy đắp bờ, chồng đào vợ gánh, dầm mình dưới ruộng phát cỏ dại, rắc vôi khử phèn chua. 

Với số vốn ban đầu ít nên thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Trên diện tích đấu, chị tiến hành đào ao, thả các loại cá truyền thống như chép, trôi, mè, trắm…Bên cạnh tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả, chăm sóc, chị Chung còn sử dụng men vi sinh và tỏi để xử lý môi trường ao nuôi định kỳ hàng tháng, sử dụng máy sục khí khi thời tiết nắng nóng, máy cho cá ăn tự động. 

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, Từ hướng đi này, trang trại ngày càng phát triển, thu nhập năm sau cao hơn năm trước vụ sản xuất đầu tiên thắng lợi, giúp gia đình chị có thu nhập mỗi năm chị xuất bán gần 20 tấn cá thịt, cho nguồn thu hơn 400 triệu đồng. 

Biến vùng bỏ hoang thành trang trại tiền tỷ, chị nông dân Thái Bình thu 200 triệu/tháng từ bán lợn thịt - Ảnh 2.

Trang trại chăn nuôi lợn với trên 700 đầu lợn của gia đình chị Phạm Thị Chung, An Để, xã Hiệp Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Bình quân mỗi tháng vợ chồng chị xuất bán 7 tấn lợn hơi thu về hơn 200 triệu.

Cạnh đó tận dụng bờ ao chị trồng mít, bưởi, đu đủ và cỏ voi… Có vốn trong tay chị tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với hệ thống khép kín tự động. Với 3 dãy chuồng, hiện trang trại của chị thường xuyên nuôi trên 700 con lợn, mỗi tháng xuất bán trên 7 tấn lợn thịt, thu về hơn 200 triệu đồng. 

Chị Chung vui vẻ nói: vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm qua thực tế chăn nuôi, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc từ chế độ ăn, vệ sinh môi trường, xây dựng hầm bể biogas xử lý phân thải, khử trùng chuồng trại định kỳ phòng các loại dịch bệnh, đàn vật nuôi lúc nào cũng khỏe mạnh. 

Ước tính mỗi năm từ vườn cây, ao cá và chăn nuôi lợn cho gia đình chị Chung thu nhập hơn nửa tỷ đồng. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 2- 3 lao động mùa vụ với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/ người /tháng.

Trong dự định trong tương lai, vợ chồng chị Chung sẽ thuê thêm ruộng của bà con trong xã mở rộng phát triển chăn nuôi thủy sản ao bán nổi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập. Đây là hình thức nuôi mới, khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang. 

Chị Chung chia sẻ: theo hướng của địa phương quy hoạch vùng thủy sản ao bán nổi, gia đình muốn mở rộng thêm diện tích khoảng từ 3-5ha, chuyên nuôi các loại cá truyền thống trắm, chép, trôi…tăng nguồn thu nhập và có sản phẩm đa dạng cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện.

Không chỉ cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế, chị Chung còn gương mẫu, tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào, hoạt động của địa phương, anh chị cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp các hộ gia đình trong thôn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. 

Bà Đặng Thị Nhung - Chủ tịch hội phụ nữ xã Hiệp Hòa cho biết: gia đình chị Chung là một trong những hội viên tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Với cách làm này chị đã gặt hái thành công đưa gia đình thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. 

Dù bận rộn phát triển kinh tế gia đình chị Chung vẫn tích cực tham gia hoạt động hội cũng như các phong trào của xã. Chị và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Với sự cần cù chịu khó, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chị Chung đã tìm ra hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng, đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem