Lo đầu ra cho keo

Thứ hai, ngày 28/06/2010 19:06 PM (GMT+7)
(NTNN) - Sau khi hàng ngàn ha quế bị triệt hạ hoặc được bán với giá rẻ như củi thì nông dân vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) lại níu lấy cây keo nguyên liệu. Thế nhưng, có khả năng cây keo sẽ lặp lại số phận cây quế nơi đây.
Bình luận 0
img
Đốn chặt keo ở Nam Trà My. Ánh Trà

Người người trồng keo

Nông dân Nam Trà My bắt đầu trồng keo từ năm 2006, khởi nguồn từ xã Trà Mai. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên keo lớn nhanh và xanh tốt. Thấy vậy dân ở một số xã khác cũng làm theo. Ngay sau đó, cây keo đã có mặt tại 7/10 xã ở huyện.

Ở Nam Trà My hiện có nhiều vườn keo đang bước vào thời điểm thu hoạch nhưng do không có người đặt mua nên người trồng rất nóng ruột, sợ mưa bão đến keo sẽ bị gió quật gãy hết, lúc đó có cho không cũng không ai lấy.

Thấy người dân mặn mà với cây keo nên huyện cũng thành lập các vườn ươm keo hỗ trợ cho người trồng. Đến nay, huyện Nam Trà My có hơn 100ha đất vườn đồi trồng keo, với khoảng vài triệu cây.

Cạnh đó, Chương trình 661 về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cũng ưu ái cây keo, giao 56ha đất rừng cho 40 hộ gia đình tại xã Trà Mai, Trà Don, Trà Vân và Trà Vinh đưa vào trồng keo.

Đến nay, nhiều đồi keo lên xanh mượt. Thế nhưng những người trồng keo thì bắt đầu lo lắng.

Đầu ra quá thấp

Hiện tại giá keo nguyên liệu giấy mua dưới đồng bằng 1kg khoảng 200 đồng, nhưng ở Nam Trà My thì chưa được 100 đồng/kg. Vậy là 1 cây keo trồng khoảng 5 năm cho được 1 tạ thì chỉ bán được 10.000 đồng, nông dân lỗ nặng, đừng nói đến hy vọng thoát nghèo.

Đó là chỉ mới nói giá thu mua tại điểm tập kết gần đường lớn, chứ chưa kể đến công thu hoạch, vận chuyển ở những đường đèo dốc. Mà hiện tại ở các xã xa xôi và giao thông khó khăn như Trà Vân, Trà Cang thì cây keo khó mà bán được chứ nói gì đến giá cả.

Ngay tại xã Trà Mai, địa bàn thuận lợi về giao thông và điều kiện khai thác vận chuyển, nhưng năm 2009 anh Nguyễn Thành, vốn trồng keo, đành phải chặt hạ 1ha keo đem bán làm củi. “Trên ni xa quá không có ai lên mua nên chặt keo về bán củi, thu được đồng nào đỡ đồng ấy, chứ biết làm sao” - anh Thành cay đắng.

Còn đối với anh Võ Văn Thông (Trà Mai) đã vay vốn ngân hàng đầu tư trồng được 45 nghìn cây keo. Hiện số keo này đã 3 năm tuổi, đang lớn rất nhanh. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến chuyện khai thác bán thì anh lắc đầu: Tôi dò hỏi nhiều người rồi nhưng không ai hứa sẽ lên mua. Không biết rồi lấy chi trả nợ!

Trong khi dân trồng keo lo đứng lo ngồi thì ở một số xã lại có nghị quyết khuyến khích người dân đưa đất nương rẫy vào trồng keo (?) Với cách chỉ đạo theo “phong trào” kiểu này không chỉ làm dân... nghèo hơn, mà còn nhanh chóng làm bạc màu đất nương rẫy. Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cần có sự thận trọng trong chỉ đạo, đầu tư phát triển kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem