Lộ diện 4 vũ khí tàng hình dự tập trận lớn nhất thế giới

Thứ sáu, ngày 11/07/2014 18:59 PM (GMT+7)
Máy bay chiến đấu F-22, chiến hạm ba thân USS Independent (LCS 2), tàu ngầm sát thủ  HMCS Victoria và tàu hộ vệ INS Sahyadri là 4 vũ khí tàng hình hàng khủng tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2014.
Bình luận 0

Chiến đấu cơ F-22 Raptor

"Chim ăn thịt" F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do tập đoàn Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ. Đây là phản lực chiến đấu đa nhiệm, sở hữu công nghệ tàng hình nhờ thiết kế góc cạnh và lớp vật liệu đặc biệt giúp tránh phản xạ và hấp thụ sóng radar. F-22 còn được thiết kế để giấu khí thải hồng ngoại từ các động cơ, giúp hạn chế khả năng tấn công của các loại tên lửa hồng ngoại.

img

F-22 Raptor

Ngoài ra, lớp sơn đặc biệt cùng hệ thống làm mát các góc cạnh của máy bay giúp nó giảm tạo nhiệt khi di chuyển với vận tốc siêu thanh. Chiếc máy bay cũng sở hữu hệ thống giảm âm, nhiệt từ động cơ nhằm hạn chế khả năng bị phát hiện bằng mắt thường. Các giá treo vũ khí của F-22 nằm trong thân, giúp chúng giảm tối đa nguy cơ bị phát hiện. Khác với các máy bay tàng hình thế hệ đầu tiên của Mỹ là F-111 và B-2 Spirit, F-22 không phụ thuộc quá nhiều vào lớp sơn chống phản xạ radar. Nó có thể ở trong những nhà chứa bình thường thay vì những khu nhà chứa tách biệt hoàn toàn với điều kiện môi trường như "chỗ ẩn náu" của B-2. Khả năng tàng hình của F-22 đặc biệt hiệu quả trước hệ thống radar tần số cao, thường được trang bị trên máy bay chiến đấu đối phương.

Tàu ngầm sát thủ HMCS Victoria

HMCS Victoria là tàu ngầm tầm xa chuyên săn tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Canada. Tuy nhiên, các tàu mặt nước, trực thăng săn ngầm, máy bay tuần tra hay các tàu ngầm khác rất khó phá hiện HMCS Victoria do nó được trang bị những công nghệ tối tân nhất, giúp con tàu ẩn sâu vào lòng đại dương.

img

  Tàu ngầm HMCS Victoria. 

Sát thủ tàu ngầm của Hải quân Canada là tàu điện-diesel lớp Victoria. Nó dài 70,26 m, rộng 7,6 m với tải trọng choán nước khi lặn đạt 2.400 tấn. Các tàu lớp Victoria được phủ một lớp ngói chống dội âm, ngăn hệ thống dò sonar của đối phương phát hiện ra tàu. Victoria cũng mang những đặc điểm nổi trội của lớp tàu ngầm điện-diesel là di chuyển cực êm dưới nước. Công ty phân tích chiến lược Frost & Sullivan khẳng định, theo dấu một chiếc tàu ngầm điện-diesel như HMCS Victoria là thách thức không dễ vượt qua đối những lực lượng hải quân tiên tiến bậc nhất thế giới. Dù chúng không thể hoạt động lâu như các tàu ngầm hạt nhân nhưng chúng tạo ra tiếng ồn thấp khi di chuyển bằng động cơ điện chạy ác quy. Hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập thế hệ mới giúp tăng thời gian lặn của các tàu loại này.

Tàu tác chiến gần bờ USS Independent (LCS 2)

USS Independent là tàu chiến tàng hình ven bờ đầu tiên của Hải quân Mỹ thuộc lớp tàu cùng tên. Nó ra đời nhằm đảm trách nhiệm vụ rà phá thủy lôi, săn ngầm, chống hạm ở những vùng nước nông. Thiết kế góc cạnh của thân tàu giúp USS Independent giảm tiết diện phản xạ radar, khiến đối phương không thể nhận ra nó là tàu chiến.

img

Chiến hạm USS Independent (LCS 2)

Các thiết kế góc cạnh phần mũi và hai bên thân tàu giúp tránh phản hồi sóng radar. Trong khi đó, phần thân phía sau tạo thành một mặt phẳng rộng, cho phép các loại trực thăng cất và hạ cánh. Mặt sàn của USS Independent đạt tới 1.410 m2 trong khi khoang chứa hàng phía dưới rộng 11.000 m3 giúp nó mang được nhiều loại máy bay, bao gồm cả trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout. Các tàu lớp Independent được trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực tối tân giúp phát hiện và khóa các mục tiêu trên không, trên mặt biển và di chuyển ngầm dưới nước. Hệ thống chiến tranh điện tử Independent chúng chiếm ưu thế trước vũ khí của đối phương. Trong khi đó, hệ thống vũ khí không cố định cho phép USS Independent mang các loại vũ khí khác nhau, phù hợp từng nhiệm vụ tác chiến.

Tàu hộ vệ tàng hình INS Sahyadri

INS Sahyadri là tàu hộ vệ đa nhiệm tàng hình thuộc lớp Shivalik của Hải quân Ấn Độ. Nó là một trong những chiến hạm tàng hình hiếm hoi dự RIMPAC 2014 ngoài khơi quần đảo Hawaii, Mỹ. Đây là lớp tàu tàng hình đầu tiên góp mặt trong biên chế hải quân quốc gia này. Ý tưởng về chiến hạm lớp Shivalik ra đời từ những năm 1990 của thập kỷ trước. Sau hơn hai thập kỷ, Ấn Độ đang sở hữu 3 tàu chiến loại này.

img

Tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik. 

Các tàu lớp Shivalik nắm giữ nhiều kỷ lục của hải quân Ấn Độ. Đây là loại tàu đầu tiên sở hữu cả động cơ diesel và động cơ đẩy khí độc lập. Chúng cũng là lớp tàu đầu tiên có khả năng tàng hình và tấn công mặt đất. Kết cấu thân tàu, hệ thống tản nhiệt và chống dội âm giúp tăng khả năng tàng hình của INS Sahyadri và các tàu cùng lớp. Tốc độ truyền dữ liệu nội bộ của các tàu chiến lớp Shivalik đạt 10 Gb/giây.

(Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem