"Lộ diện" 8 ngân hàng vừa được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, room tín dụng cao nhất 13,5%
"Lộ diện" 8 ngân hàng vừa được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, room cao nhất 13,5%
H.Anh
Thứ tư, ngày 01/03/2023 09:45 AM (GMT+7)
Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước xác nhận, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng, dao động từ 9% - 13,5%.
Cụ thể, MSB được cấp room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%. Tiếp theo là HDBank với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp ở mức 11%, thấp hơn so với mức 15% của năm 2022.
Room tín dụng được cấp lần đầu của ACB và VIB lần lượt là 9,8% và 9,5%, trong khi đó hạn mức tăng trưởng tín dụng của TPBank vào khoảng 9,1%.
VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9% trong khi năm trước là 15% - thấp nhất trong số 8 ngân hàng được thống kê.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước một số số liệu kể trên đã được làm tròn.
"Về cơ bản, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thông báo riêng cho tổ chức tín dụng và được quản lý theo thông tin nội bộ", nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Cũng theo nguồn tin này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung), tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường,..
Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đạt 14,5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Với mức tăng trưởng tín dụng này, toàn hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng thông qua kênh tín dụng. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng sớm, ngay từ đầu năm để các ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm.
Mức room tín dụng cụ thể sẽ do Ngân hàng Nhà nước xem xét các yếu tố hiện hữu để cân đối, tính toán mức hợp lý. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VNBA, các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt... có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán VnDirect, trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao); tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Dựa trên những yếu tố này, VnDirect dự báo tăng trưởng tín dụng của VPB, MBB, HDB và VCB - 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Cụ thể, VnDirect dự phóng tăng trưởng tín dụng của VPB (ngân hàng mẹ) năm 2023 sẽ dẫn đầu hệ thống với mức tăng lên tới 24%. Tiếp theo là HDB (20%), MBB (18%), ACB (13%) và VCB 12%.
Bên cạnh việc cấp room tín dụng đợt 1 cho các ngân hàng, theo nguồn tin của Dân Việt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Riêng với lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phấn đấu giảm khoảng 0,5%/năm.
Thống kê trong tháng 1 vừa được Ngân hàng Nhà nước phát đi cho thấy, hiện lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5- 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6,5-8,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,2-7,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,0 - 7,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,4-11,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.