Lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM chỉ đạt 50% công suất sau hơn 1 năm...
Lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM chỉ đạt 50% công suất sau hơn 1 năm hoạt động
Quang Dương
Thứ năm, ngày 27/06/2024 12:03 PM (GMT+7)
Ngày 1/4/2023, hoạt động giết mổ gia súc tại TP.HCM được đưa vào các lò mổ công nghiệp. Nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, các lò mổ này chỉ đạt 50% công suất.
Tại hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật diễn ra mới đây tại Long An, bà Lê Đinh Hà Thanh - Chi Cục phó Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện là nơi tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất cả nước, với nhu cầu tiêu thụ thịt tươi hàng ngày khoảng 120 con trâu, bò; 125.000 con gia cầm và 10.000 con heo.
Trong đó, nguồn động vật được nuôi trên địa bàn thành phố cung cấp cho thị trường chiếm khoảng 10-15%, còn lại là nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố để giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ.
Được biết, từ ngày 1/4/2023 đến nay, TP.HCM đã đưa vào hoạt động các nhà máy giết mổ gia súc tập trung, theo hướng công nghiệp. Toàn thành phố có 7 cơ sở giết mổ, trong đó có 5 nhà máy giết mổ gia súc tập trung, công nghiệp (tại huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận Bình Thạnh) và 1 cơ sở giết mổ gia súc tại huyện Cần Giờ, 1 Trung tâm giết mổ gia cầm.
7 cơ sở này mỗi đêm giết mổ bình quân 5.500-6.000 con heo, 7-10 con bò và 75.000-80.000 con gà. Trong đó, lượng heo giết mổ chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường thành phố.
Theo Chi Cục phó Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM, hiện nay, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn thành phố vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế. Các đơn vị này vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80-100% theo định hướng.
“Chi phí đầu tư xây dựng và vận hành của các nhà máy giết mổ công nghiệp khá cao, nhưng giá giết mổ thu của các chủ gia công vẫn hỗ trợ như trước khi đầu tư nhà máy, không tăng giá. Do đó, về lâu dài dễ phát sinh tình trạng mất cân đối thu chi, hoàn vốn, khó cạnh tranh với các cơ sở ở các tỉnh”, bà Thanh cho hay.
Các lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM chỉ đạt 50% công suất sau hơn 1 năm hoạt động. Ảnh: A.H
Về công tác dịch tễ, bà Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã lấy 738 mẫu swab xét nghiệm vi-rút cúm gia cầm và không phát hiện mẫu dương tính. Trong 125 mẫu swab xét nghiệm vi-rút Niu-cát-xơn, phát hiện 16,8% mẫu dương tính, tuy nhiên qua giám sát lâm sàng, không ghi nhận trường hợp gia cầm có dấu hiệu bệnh lý.
Trong 125 mẫu máu kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng vắc-xin Niu-cát-xơn, tỷ lệ bảo hộ đạt 79,2%.
Ngành thú y thành phố cũng thực hiện xét nghiệm 80 mẫu gộp giám sát bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Trong đó có 50 mẫu trên nguồn heo từ các tỉnh đưa về giết mổ tại các cơ sở giết mổ của thành phố và từ nguồn sản phẩm động vật các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ qua các Trạm Kiểm dịch động vật. Kết quả, không phát hiện mẫu dương tính.
Trong 90 mẫu giám sát vi-rút cúm lợn lấy trên nguồn động vật từ các tỉnh đưa về thành phố để giết mổ do tổ chức CDC Hoa Kỳ tài trợ năm 2024, cũng không phát hiện mẫu có kết quả dương tính. Đối với 120 mẫu giám sát vi-rút cúm gia cầm và vi-rút Niu-cát-xơn tại 8 nhà yến nuôi trên địa bàn huyện Cần Giờ, sau xét nghiệm không phát hiện mẫu dương tính.
“Hiện nay, TP.HCM được công nhận là vùng an toàn dịch đối với bệnh dại trên chó, mèo và bệnh cúm gia cầm; vùng an toàn dịch bệnh cấp xã gồm 15 xã”, bà Thanh cho biết.
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm khoảng 79,07% (6.208/7.851 cơ sở); quy mô trang trại nhỏ chiếm 17,72% (1.391/7.851 cơ sở); quy mô trang trại vừa chiếm 2,97% (233/7.851 cơ sở) và quy mô trang trại lớn chiếm 0,24% (19/7.851 cơ sở).
Tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố tính đến ngày 13/6/2024 là 118.301 con heo (kể cả heo con theo mẹ: 14.333 con)/ 1.163 hộ, cơ sở; tổng đàn trâu, bò là 71.187 con/6.766 hộ, cơ sở. Tổng đàn gia cầm là 212.397 con/tại 11 hộ và có 734 nhà nuôi chim yến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.