Lo giữ nghề cho dân

Thứ năm, ngày 18/08/2011 20:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những năm gần đây, nghề mây, tre đan ở xã Hoàng Giang (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) phát triển, tạo việc làm và đem lại thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân gắn bó lâu dài với nghề là bài toán khó mà chính quyền địa phương đang tìm lời giải.
Bình luận 0

Nghề mới về làng

Xuất phát từ thực tế, nếu người nông dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, cuộc sống sẽ khó ổn định, năm 2008 chính quyền xã Hoàng Giang đã chọn phương án “kéo” nghề mây, tre đan về làng dạy cho nông dân, để bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chị Hà Thị Hiền (42 tuổi), thôn Kim Sơn, chia sẻ: “Từ ngày có nghề đan giỏ hoa, gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập kha khá. Bình quân mỗi tháng tôi làm được gần 100 chiếc có thu nhập gần 1.400.000 đồng/tháng, nên đời sống ngày càng được cải thiện, thay cho việc trước đây, sau khi thu hoạch mùa xong, tôi đi làm giúp việc”.

Chị Lê Thị Hường, thôn Văn Đôi, xã Hoàng Giang có thu nhập khá từ nghề mây, tre đan.
img

Đến nay, nghề mây tre đan đã trở thành công việc quen thuộc của nhiều hộ dân trong xã. Chị Lê Thị Lịch (45 tuổi), trú tại thôn Văn Đôi, tâm sự: “Công việc này có thể làm tranh thủ lúc nông nhàn, một ngày tôi đan được 4 chiếc giỏ hoa, giá hiện nay 14.000 đồng/chiếc. Gia đình tôi làm vài sào ruộng không đủ ăn, có nghề mới thì không phải bán lúa lấy chi phí hàng ngày”.

Còn chị Lê Thị Hường (44 tuổi) - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Văn Đôi, cho biết: “Từ khi có nghề mới, mọi phong trào hội, họp hay giao lưu, đều được chị em phụ nữ trong thôn tham gia nhiệt tình. Hàng năm, Hội Phụ nữ thôn đóng góp được một phần nhỏ để gây quỹ, dành mỗi khi gia đình nào có người ốm đau, có việc hiếu, hỉ… thì mua quà thăm hỏi, động viên chị em”.

Khó giữ được nghề

Ông Lê Chí Dũng- Chủ tịch UBND xã Hoàng Giang cho biết: UBND xã đã phối hợp với Công ty TNHH Quốc Đại (đóng trên địa bàn xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá) thuê giáo viên về dạy nghề cho nông dân và lo tiêu thụ sản phẩm.

Mới đầu, lớp học chỉ lèo tèo hơn chục người, nhưng sau khi được sự vận động của địa phương, không lâu sau lớp học tăng lên hàng trăm người. Học xong, bà con hăng hái tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi gia đình đều có một vài người tham gia làm nghề, nên thu nhập hàng tháng của bà con khá ổn định.

Trước đây, nhiều người đang quen tay đan giỏ hoa, thì nay công ty lại chuyển sang nghề đan giá đựng báo, nên nhiều người phải bỏ nghề vì không làm được.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, có thời gian nhiều việc, nông dân làm ra nhiều sản phẩm lại bị công ty ép giá thu mua, hoặc cũng có thời gian công ty không đủ nguyên liệu cung cấp cho nông dân làm…

Mặt khác, theo hợp đồng thu mua sản phẩm của công ty với người dân, sau 2 năm công ty sẽ ký lại hợp đồng làm sản phẩm mới. Trước đây, nhiều người đang quen tay đan giỏ hoa, thì nay công ty lại chuyển sang nghề đan giá đựng báo, nên nhiều người phải bỏ nghề vì không làm được.

“Chúng tôi đang tìm một cơ chế mới để có sự thống nhất giữa công ty và người nông dân để duy trì và phát triển thành nghề chính. Làm được điều đó, thì người nông dân mới gắn bó lâu dài với nghề mây tre đan mới được. Nếu không sẽ rất khó mà giữ được nghề”- ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem