Lo hàng hoá tăng giá vượt lương, Bộ Tài chính nói gì?

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 05/07/2024 17:31 PM (GMT+7)
Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng 540 nghìn đồng. Điều này khiến người dân lo ngại mặt bằng giá cũng sẽ "leo thang" theo lương. Bộ Tài chính cho biết, sẽ chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Bình luận 0

6 tháng đầu năm chưa phát sinh áp lực bất thường mặt bằng giá

Theo báo cáo về công tác điều hành giá trong 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường, các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Trong đó, bao gồm đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Kết quả của công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm, mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo.

Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Lo hàng hoá tăng giá vượt lương, Bộ Tài chính nói gì?- Ảnh 1.

Thị trường hàng hóa trong nước bình ổn trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Hồng Phúc

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do, một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.

Hạn chế tin đồn thất thiệt gây bất ổn thị trường

Trước lo ngại hàng hóa tăng giá vượt lương, khi từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1 triệu 800 nghìn đồng, lên 2 triệu 340 nghìn đồng (tương ứng tăng thêm 540 nghìn đồng), Bộ Tài chính cho biết, sẽ chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Đồng thời, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Theo Bộ Tài chính, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới. Đồng thời giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá;

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.

Ngoài ra, cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đồng thời, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem