Chiều 12/7, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Minh Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH ВОТ Phú Hà - doanh nghiệp đang quản lý khai thác dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (nay được đổi tên là cầu Văn Lang) cho biết: Sau 6 tháng tổ chức thu phí, dự án đang phát sinh khó khăn, vướng mắc rất lớn về doanh thu thu phí, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng và hoàn vốn dự án.
Ông Lê Minh Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH ВОТ Phú Hà - doanh nghiệp đang quản lý khai thác dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (nay được đổi tên là cầu Văn Lang). Ảnh Tuấn Trung
Cụ thể, cầu Văn Lang có giá trị đề nghị quyết toán là 1.141 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Phú Mỹ là 241 tỉ đồng, vốn vay ngân hàng là 900 tỉ đồng.
Thống kê đến cuối tháng 6/2019, lưu lượng xe qua cầu Văn Lang chỉ đạt 45 - 50% so với dự báo, doanh thu chỉ đạt trung bình 66 triệu đồng/ngày đêm.
"Với doanh thu như thế này thì chưa đáp ứng được 25% chi phí trả lãi vay (khoảng 100 tỉ đồng/năm), chưa tính việc chi trả vốn gốc, vì thế dự án có nguy cơ lỗ lũy kế trung bình khoảng 75 tỉ đồng/năm vào gốc vốn vay. Đó còn là chưa kể đến vốn ban đầu của doanh nghiệp bỏ ra, chi phí vận hành trạm thu phí, cũng như duy tu, sửa chữa. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến việc vỡ phương án tài chính theo tính toán ban đầu kể cả trường hợp được chấp thuận kéo dài thời gian hoàn vốn", ông Nghĩa tâm tư.
Cũng theo ông Nghĩa, nguyên nhân chính khiến doanh thu dự án thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu được lý giải do nhiều yếu tố như: Việc áp dụng vé tháng, vé quý cho các xe qua trạm thu phí, ước giảm khoảng 30% doanh thu so với vé lượt. Bên cạnh đó là lưu lượng xe qua cầu đã bị các tuyến khác cạnh tranh...
Trạm thu phí cầu Văn Lang vắng xe qua lại. Ảnh Tuấn Trung
Từ những lý do trên, Công ty TNHH BOT Phú Hà đề xuất có cơ chế, biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng có phương án hỗ trợ đặc biệt với nhà đầu tư, hoặc các phương án khác đã và sẽ tháo gỡ cho các nhà đầu tư BOT giao thông trong cả nước, hoặc thực hiện mua lại quyền thu phí của dự án...
Ở một diễn biến khác, ngày 14/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có văn bản số 2163/BIDV-KHDNL gửi Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị đối với các dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông.
Theo văn bản này, BIDV cho biết, đơn vị đã thực hiện tài trợ vốn cho 48 dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, BT với dư nợ vay đến ngày 31/3/2019 là 33.222 tỷ đồng/53.119 tỷ đồng cam kết cho vay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vận hành thu phí một số dự án đã phát sinh khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Trên cơ sở đó, BIDV đã có những kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các tỉnh/thành phố có phương án cho phép các dự án BOT áp dụng lộ trình tăng mức thu phí theo quyết định/hợp đồng BOT đã ký kết, và có phương án xử lý đối với các dự án BOT đã ký hợp đồng nhưng chưa được tăng phí theo lộ trình. Xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có phương án đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng tài trợ vốn bị ảnh hưởng.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, BIDV cũng kiến nghị, trường hợp do nguyên nhân khách quan, nguồn thu không đủ trả nợ vốn vay theo kế hoạch dẫn đến các ngân hàng phải thực hiện cơ cấu nợ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cho phép các ngân hàng được phép cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ đối với nhà đầu tư dự án, đảm bảo nguồn thu hoàn vốn cho dự án hoặc bố trí nguồn vốn để thực hiện mua lại quyền thu phí của dự án, nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư cũng như trả nợ vay ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.