Cửa biển Cửa Đại (Hội An) bị bồi lấp mà chưa thể khơi thông vào thời điểm này đã khiến cho hàng trăm ngư dân ở khu vực phía bắc của tỉnh như ngồi trên lửa vì không thể ra khơi. Các chủ tàu hết sức lo lắng, đứng ngồi không yên vì sợ các lao động nghề biển sẽ ra TP.Đà Nẵng hoặc vào khu vực phía nam của tỉnh đi “bạn” cho các chủ tàu khác. “Chúng tôi rất lo lắng khi chưa thể ra khơi sản xuất do cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp mà chưa thể khơi thông. Niềm trăn trở là các bạn biển thỏa thuận lao động với mình không chịu được cảnh rỗi nghề sẽ đến nơi khác “đầu quân” đi biển. Nếu vậy thì chỉ có nước điêu đứng, không đủ bạn biển thì làm sao mà sản xuất được” - ngư dân Đặng Văn Bảy (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu chụp mực QNa-94419 có công suất 718CV nói.
Nhiều tàu cá của ngư dân các địa phương phía bắc của tỉnh chưa thể ra khơi vào thời điểm này lại dấy lên nỗi lo thiếu hụt lao động. Ảnh: VIỆT QUANG
Không dồi dào nguồn lao động nghề biển tồn tại bấy lâu nay ở Quảng Nam, càng thêm nặng nề với sự cố đang xảy ra ở Cửa Đại. Đơn khởi như chuyện khai thác hải sản ở TP.Hội An. Theo UBND phường Cửa Đại, lao động nghề biển trên địa bàn ngày càng ít đi. Các nguyên nhân được nêu ra là nghề cá không đem lại giá trị kinh tế cao như các nghề thương mại, dịch vụ, du lịch nên rất nhiều ngư dân đã chuyển nghề. Những lao động nghề biển còn lại chủ yếu là những người già, không đủ năng động để chuyển nghề nên tiếp tục gắn bó. Mặc dù họ gắng sức đi biển nhưng những lao động này lại không mang đến hiệu quả cao vì sức khỏe ngày càng đi xuống. Hiện tại, nghề câu cá hố nổi bật nhất ở phường Cửa Đại hoạt động rất bấp bênh do thiếu lao động. “Thực trạng này đã gay gắt trong thời gian qua thì càng khiến ngư dân thêm thắc thỏm khi cửa biển Cửa Đại chưa thể khơi thông. Phần đông lao động nghề biển cho các chủ tàu cá trên địa bàn là người từ nơi khác đến. Họ không kiên nhẫn chờ đợi thì đi “bạn” cho tàu cá ở địa phương khác không có gì khó hình dung” - ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết.
Nguồn nhân lực nghề cá của tỉnh không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Mới đây, ngư dân Nguyễn Chấp (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành) đã bị chết khi rơi xuống biển lúc đi vệ sinh. Sự việc rất đáng tiếc nhưng đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về sự thiếu cảnh giác của ngư dân. Bởi trong thời gian qua, có quá nhiều trường hợp tương tự xảy ra. Theo nhiều phân tích, nếu trường hợp trên cá biệt thì chỉ có thể gọi là tai nạn lao động. Đằng này sự việc lặp lại liên tục đã cho thấy năng lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ trên biển của ngư dân còn hạn chế. Họ thiếu khả năng tự bảo vệ mình. Điều đó cũng cho thấy ý thức về rủi ro cao, dễ bị tổn thương khi hoạt động trong nghề cá của ngư dân chưa được thường xuyên.
Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới rất cần kíp với ngư dân Quảng Nam. Ảnh: VIỆT QUANG
Nhân lực nghề cá là yếu tố quyết định thành công của mỗi chuyến biển. Hiện đại hóa nghề cá là nhân tố chủ chốt tạo nên chuyển biến về chất, đem lại giá trị kinh tế cao trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới lại chưa được ngư dân Quảng Nam thường xuyên cập nhật, tiếp thu, vận dụng. Tình trạng phổ biến và thường trực trong hoạt động đánh bắt hải sản tại Quảng Nam là vẫn chỉ duy trì các nghề sản xuất cũ chứ không du nhập được nghề mới. Ví như nghề câu cá ngừ đại dương mới được thí điểm triển khai thì đã chết yểu. Bởi vậy, trong thời gian đến, công tác khuyến ngư, đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới giúp ngư dân làm chủ ngư trường, chủ động trong mọi tình huống sản xuất trên biển là hết sức cấp thiết. Sự cần kíp đó sẽ là cú hích mạnh cho phát triển nghề cá của tỉnh.
Việt Quang (Báo Quảng Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.