Loại cây thơm nức chỉ trồng dấm dúi bờ rào, nay bán sang Nhật Bản, giá lập tức tăng gấp 3

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 12/11/2021 09:58 AM (GMT+7)
Dẫn câu chuyện thu mua củ sả để xuất khẩu đi Nhật Bản, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, nhờ xuất khẩu đi Nhật Bản, giá củ sả ở nơi thu mua đã tăng gấp 3 lần.
Bình luận 0

Khi nông sản được xuất đi Nhật Bản, Mỹ, mặt bằng giá mới được thiết lập

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: "Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19" do Bộ NNPTNT phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, có thể sản lượng nông sản xuất khẩu của các doanh nghiệp không nhiều nhưng nếu được các thị trường như Nhật Bản, Mỹ,... chấp nhận thì giá bán sản phẩm ở vùng đạt tiêu chuẩn sẽ cao hơn hẳn.

"Chúng tôi xác định không đóng góp được nhiều sản lượng xuất khẩu nhưng mong muốn thông qua việc đưa nông sản đến thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU,... sẽ từng bước thay đổi thói quen canh tác của nông dân, để bà con sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng phục vụ thị trường trong nước" - ông Tiến nói.

Đang trồng dấm dúi ven bờ rào, bán sang Nhật Bản, giá lập tức tăng gấp 3 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, khi tiến hành đi thu mua củ sả xuất khẩu đi Nhật Bản ở một số địa phương, giá sả đã tăng gấp 3 lần. Ảnh: N.C

Cũng theo ông Tiến, việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu vẫn được xem là "cao cấp" giống như lực đẩy giá bán nông sản trong nước.

"Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Trước đó, toàn bộ chiến lược giá chúng tôi đã nghiên cứu từ 5 - 7 năm, theo quy luật cứ trước Rằm, mùng 1 âm lịch là giá vải tăng nhưng sau đó sẽ giảm. Nhưng khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản thì mặt bằng giá phá vỡ mọi dự báo của doanh nghiệp, giá vải thiều ở vùng đảm bảo tiêu chuẩn không có giá dưới 25.000 đồng/kg, bao giờ cũng trên 30.000 đồng/kg trở lên" - ông Tiến nói. 

"Doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo hiệu ứng giúp việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn" - ông Tiến tổng kết.

Để củng cố thêm cho nhận định này, ông Tiến lấy ví dụ thứ 2 là củ sả. Ông Tiến cho biết, khi tiến hành đi thu mua củ sả xuất khẩu đi Nhật Bản ở một số địa phương, sả chỉ là loại cây bà con trồng ven đường, bờ rào, bán với giá rẻ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

"Nhưng khi chúng tôi vào, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, giá lên tới 11.000 - 12.000 đồng và giá chỉ có tăng, không hạ" - ông Tiến cho biết thêm. 

Ông Tiến cũng kỳ vọng, thông qua việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ góp phần giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, cùng liên kết với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu phục vụ thị trường trong nước. 

Đang trồng dấm dúi ven bờ rào, bán sang Nhật Bản, giá lập tức tăng gấp 3 - Ảnh 2.

Khi củ sả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, giá tăng đáng kể. Trong ảnh: Vùng trồng sả ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: baodantoc.vn.

Thành lập hợp tác xã trong vùng nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ...

Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua đại dịch, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết, năm 2021, ngay khi dịch chưa căng thẳng, Công ty CP Ameii Việt Nam đã thành lập 1 hợp tác xã tập hợp các hộ trồng vải, tham gia ký kết để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định… 

"Nhờ chuẩn bị kỹ nên chúng tôi đã thu mua đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu trước khi dịch thực sự bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm; dù trên thực tế khi thu mua vải, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp chủ vườn là F0 nhưng nhờ có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên chúng tôi vẫn thu mua được đúng sản lượng doanh nghiệp cần" - ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, ngoài chủ động lên kịch bản, kế hoạch ứng phó thì các doanh nghiệp cũng cần nhạy bén trong việc tìm cơ hội trong gian khó. 

"Đơn cử như thời điểm dịch bệnh xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp đã mất mối hàng vì không thể tổ chức tốt việc cung ứng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng riêng chúng tôi lượng đơn hàng tăng gấp đôi. Nói như thế để thấy, nếu chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt bão, vẫn có thể duy trì việc sản xuất kinh doanh, không bị ảnh hưởng quá lớn bởi dịch bệnh" - ông Tiến nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem