Loay hoay hạn chế đốt vàng mã

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 26/02/2015 07:59 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, trong đời sống tín ngưỡng của người dân, tục đốt vàng, mã đang có xu hướng phát triển và ngày càng vượt ra khỏi giới hạn của tín ngưỡng truyền thống, tiến đến sự thái quá không đáng có, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bình luận 0

“Đốt” 500 triệu đồng tại đền Bà Chúa Kho

img

Tiền, vàng được người dân hóa tại lò hóa đền Bà Chúa Kho. Thanh Hà

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Viện VHNTQG VN) đã được Bộ VHTTDL giao xây dựng đề án hạn chế đốt vàng, mã. Tuy nhiên liệu đề án có khả thi, khi mà tục đốt vàng, mã đã ăn sâu và trở thành tín ngưỡng tâm linh của người dân? Là người chịu trách nhiệm xây dựng đề án, bà Từ Thị Loan – Viện trưởng cho biết, tục lệ đốt vàng mã xuất hiện từ lâu và đã bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Tục này cũng như nhiều giá trị văn hóa khác chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Đốt vàng mã sau khi được du nhập dần trở thành một tập tục dân gian, đã là tập tục thì rất khó bỏ. Nhiều người cho đó là một trong những nét đẹp văn hóa của phong tục thờ cúng tổ tiên.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện VHNTQG VN vào giữa năm 2014 về việc đốt tiền vàng tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), tính ra mỗi ngày có hàng chục triệu đồng bị đốt ra tro. Mâm vàng mã trước chưa cháy hết, mâm sau đã được đưa vào. Khách thập phương thay vì cầm tiền, vàng thành kính đốt ít một, thì lại ôm cả cục trên tay, ném vào lò hóa. Nếu tính toán kinh tế thì hàng năm tại đền Bà Chúa Kho tiêu tốn gần nửa tỷ cho việc đốt vàng mã. Và nếu tính số tiền mua vàng mã để đốt tại các lễ hội khác trên khắp cả nước thì chắc chắn là con số khủng khiếp, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay.

Chính vì vậy theo bà Loan, cần tìm hiểu những căn nguyên, cội rễ văn hóa, tâm linh để có những biện pháp giải pháp hạn chế việc đốt vàng mã tại các di tích, nhất là vào mùa lễ hội một cách hiệu quả, chứ không thể cấm đoán hay có những biện pháp xử lý cứng nhắc hiện tượng đó được.

“Tôi nghĩ cấm chắc chắn là không cấm được, hạn chế thì hạn chế kiểu gì đây? Viện chúng tôi dự định tổ chức một tọa đàm giữa nhà nghiên cứu, người trông coi ban quản lý di tích để họ tư vấn mà chấn chỉnh” - bà Loan cho hay.

Chỉ xử được phần ngọn

Quan điểm

Bà Từ Thị Loan
  Hiện tại Viện  đang chờ quyết định của Bộ VHTTDL ra văn bản quản lý đề án hạn chế đốt vàng mã để có kinh phí thực hiện. Đồng thời Viện cũng sẽ khởi động điều tra xã hội học. Và trước mắt đền Bà Chúa Kho sẽ là nơi thí điểm đầu tiên, nếu thành công chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra tại các khu đền, đình, chùa ở nơi khác”.
 
Theo bà Từ Thị Loan, cái khó khăn nhất khi xây dựng đề án này là đề ra quy chế, thông tư nhưng thực thi như thế nào cho hiệu quả, bởi đây là vấn đề tâm linh nếu làm không cẩn thận sẽ phản tác dụng. Cái khó thứ hai là cho đến hiện tại Viện VHNTQG vẫn chưa có trong tay quyết định của Bộ VHTTDL về văn bản giao xây dựng đề án. Ngoài ra, đề án này phải được xây dựng với sự phối hợp liên ngành: Công thương, công an, Ban tôn giáo. Trong khi Bộ VHTTDL chỉ được giao phần ngọn, được xử lý hành vi ứng xử ở nơi sử dụng vàng mã. Còn quá trình vận chuyển, sản xuất, lưu thông đồ vàng, mã lại không có bộ, ban ngành liên quan nào được giao quản lý, xử lý...

 

Theo Thượng tọa Thích Minh Nghiêm-Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Phú Thọ, nhà Phật cũng không ủng hộ, khuyến khích việc đốt vàng mã, bởi đó là hình thức mê tín dị đoan. “Tôi nghĩ nếu như tục đốt vàng mã chỉ trong chừng mực nào đó như những ngày rằm tháng 7, ngày lễ tết để nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện có hiếu, tưởng nhớ về công đức sinh thành thì đó là một nét văn hóa đẹp. Tuy nhiên việc đốt vàng mã nếu cứ làm quá thì gây tốn kém cho người làm lễ và cũng sẽ tạo nên hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa” - Thượng tọa Thích Minh Nghiêm chia sẻ.

Thượng tọa Thích Minh Nghiêm cho rằng, việc hạn chế đốt vàng mã chống gây lãng phí và ô nhiễm cần có sự kết hợp hài hòa giữa cơ quan quản lý nhà nước với Trung ương Giáo hội Phật giáo VN. Cần có chính sách tuyên truyền cả hai bên là chức sức của nhà Phật và ban quản lý di tích của đình, đền.

Phật tử Thích Nữ Hằng Tịnh- chùa Tây Phương (Hà Nội) cho rằng đốt mã là một tội ác, mỗi năm người dân đã lãng phí hàng chục tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. “Trên cả nước đang có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn khốn cùng, đói cơm, thiếu áo, bệnh tật không có thuốc men, chờ chết. Hàng ngàn đứa trẻ không có đủ điều kiện để đi học. Hàng ngàn người già không có nơi nương tựa, sống lang thang cô đơn. Vậy nên, hãy sống tỉnh giác và trí tuệ, đừng mê theo những tập tục lạc hậu, làm tổn hại công đức của chúng ta - Thích Nữ Hằng Tịnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem