Nỗi hiềm nghi từ những giấc mơ
Ông Nhăn (SN 1939, dân tộc Bahnar) vốn là người ở xã Ayun, huyện Mang Yang. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại thêm cảnh chiến tranh loạn lạc, ông phiêu dạt đến làng Brông Thông và được những người Jrai nơi đây đồng ý cho dựng tạm túp lều ở mảnh đất cuối làng, chỗ có một ngôi mộ của người chết do bệnh phong. Sau khi có mảnh đất cắm dùi, ông dựng tạm túp lều và bắt tay khai hoang làm rẫy.
Hơn 1 tuần đã trôi qua nhưng ông Nhăn (bìa phải) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc đã xảy ra với gia đình mình. Ảnh: H.S.
Thương chàng trai mồ côi cần cù chịu khó, cô gái người Jrai tên A Nhiu ở cùng làng đồng ý về làm vợ. Vợ chồng ông Nhăn lần lượt sinh hạ được 5 người con: 3 trai, 2 gái. Cuộc sống của gia đình cứ thế trôi qua bình yên như bao hộ dân khác trong làng.
Nỗi sợ về căn bệnh phong của người dân Brông Thông cũng lùi dần vào dĩ vãng. Khu đất cuối làng trước đây vắng vẻ, hiu quạnh không ai muốn ở giờ đã đông đúc, nhà cửa dựng sát nhau, chẳng còn mấy chỗ đất trống.
Ông Nhăn cũng ngày càng được nhiều người trong làng nể trọng, đặc biệt là sau khi ông tiên phong vào làm công nhân cho một công ty cao su đóng chân trên địa bàn xã và vận động, tuyên truyền các hộ dân làm theo. Cuộc sống của nhiều hộ dân trong làng nhờ đó đã đỡ khó khăn.
Thế rồi, cuộc sống bình yên của gia đình ông Nhăn bỗng nhiên bị phá vỡ, không phải do chính họ mà bởi một số người trong làng. Chuyện bắt nguồn từ khi một người con trai của ông Nhăn lấy vợ ở một huyện biên giới của tỉnh. Mối duyên của con cái khiến 2 gia đình thông gia trở nên thân thiết, thường xuyên qua lại thăm nom nhau.
Vậy mà chẳng hiểu sao, ở làng Brông Thông bỗng dấy lên lời đồn ác ý là gia đình ông Nhăn có “thuốc thư” do nhà thông gia truyền lại. Tin đồn này cứ âm ỉ, len lỏi trong làng. Thêm việc nhiều hộ dân trong làng vốn ghen tị việc nhà mình thiếu đất ở nhưng gia đình ông Nhăn thì có đủ đất cho cả con cái ở nên tin đồn cứ ngày một truyền rộng hơn. Đồn đại là vậy nhưng cũng chưa có chuyện gì xảy ra với gia đình ông Nhăn.
Tháng 3-2019, bé Đen (SN 2004), con gái của vợ chồng ông Têl ở làng Brông Thông bỗng phát bệnh. Gia đình ông Têl đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Đến đầu tháng 8, Đen trút hơi thở cuối cùng khi những người thân vẫn chưa hiểu rõ căn bệnh mà em mắc phải. Gia đình ông Têl đau xót làm đám tang cho con gái với sự đỡ đần, chung tay của họ hàng, làng xóm.
Sau đám tang, mọi người tập trung ở nhà ông Têl uống rượu. Bất chợt, một người thân của Đen nhớ lại lời em kể trước lúc mất là thường nằm mơ thấy cảnh bị chảy máu chân răng.
Đen cũng kể rằng, trong những giấc mơ ấy, em thấy ông Nhăn nhe răng như muốn ăn thịt mình. Cũng có lần Đen mơ thấy cảnh con chim ở gần nhà ông Nhăn đến bắt hồn… Người này liền nói cho mọi người biết về những giấc mơ của Đen trước khi chết. |
Càng về khuya, mọi người càng uống nhiều rượu. Nỗi hiềm nghi về chuyện ông Nhăn có “thuốc thư” làm chết người càng lớn dần trong đầu những người thân của Đen. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Ngay trong đêm, hơn 20 người họ hàng của ông Têl mang theo gậy gộc, gạch đá kéo đến “hỏi tội” ông Nhăn. Ngôi nhà của vợ chồng ông Nhăn trở thành nơi để người làng trút cơn giận dữ.
Nhớ lại cái đêm kinh hoàng ấy, ông Nhăn kể: “Mình có biết “thuốc thư” là gì đâu. Vợ chồng mình đang nằm ngủ bỗng hoảng hồn khi nghe tiếng la hét đòi giết. Lúc đó, vợ chồng mình chỉ biết lao nhanh chốt trái cửa chính rồi núp xó nhà, không dám lên tiếng. Ở bên ngoài, họ ném đá, lấy gậy đập cửa, đập tường làm vỡ kính, thủng mái tôn. Hai đứa con gái nghe tin dữ vội vàng chạy đến cứu cha mẹ thì bị những người này xô ngã dúi dụi. May sao cán bộ thôn biết tin tìm đến khuyên can thì họ mới chịu về. Mình thấy nhục nhã lắm, định treo cổ chết để giải oan, vợ mình cũng vậy”.
Nỗ lực hóa giải lời đồn đại ác ý
Ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, chuyện người dân đồn thổi ai đó là “ma lai”, có “thuốc thư” vốn không hiếm, nhất là trước đây. Cũng đã có nhiều cái chết oan uổng vì chuyện này. Nguyên nhân được xác định là do nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa cao dẫn đến họ bị ám ảnh về thế lực siêu nhiên thông qua một số người dùng tà thuật gây họa. Để ngăn ngừa những hậu quả do “ma lai”, “thuốc thư” gây ra, những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Nhăn. Ảnh: H.S.
Riêng với làng Brông Thông, đây là lần đầu tiên xuất hiện lời đồn đại về “thuốc thư”. Theo Bí thư chi bộ Siu Lol: “Dân làng có biết cụ thể “thuốc thư” là thế nào đâu, cứ đồn thế thôi. Khi hỏi đến thì họ nói qua kiểu “thuốc thư” là một dạng bùa ngải có thể trù ếm, gây họa cho người khác. Tin đồn “thuốc thư” mới xuất hiện ở làng từ đầu năm 2019 thôi, trước đây không có đâu”.
Đối với vụ việc xảy ra ở nhà ông Nhăn mới đây, chính quyền xã Ia Băng đã kịp thời nắm thông tin nhằm hóa giải lời đồn ác ý. “Chúng tôi đã gặp 2 gia đình và những người liên quan đến sự việc. Dù gia đình đã đốt hết giấy tờ bệnh tật của cháu Đen nhưng qua trao đổi thì cháu mắc bệnh máu trắng ở giai đoạn cuối. Trong cơn đau bệnh, bé thường gặp ác mộng. Rất may là hôm ấy chúng tôi đến kịp chứ không thì chưa biết chuyện gì xảy ra. May mắn hơn là ông Nhăn đã nghe lời khuyên can, không đòi tự tử nữa”-ông Lek-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Băng-cho hay.
Sau khi được chính quyền, ngành chức năng xã Ia Băng tuyên truyền, giải thích, nhiều hộ dân làng Brông Thông, nhất là các trường hợp liên quan đã phần nào nhận thức được việc kéo nhau đến nhà ông Nhăn đập phá, gây hoang mang dư luận và gây mất trật tự an ninh nông thôn là hành vi sai trái. Dù vậy, để xóa bỏ triệt để những ý nghĩ mê tín dị đoan trong người dân nơi đây không phải là chuyện một sớm một chiều.
Ông Nguyễn Văn Thịnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho hay: “Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của những lời đồn đại thiếu căn cứ khoa học; tập trung nắm rõ đối tượng kích động để kịp thời ngăn chặn sự việc tương tự. Riêng đối với 2 gia đình, chúng tôi sẽ tổ chức buổi gặp mặt để xóa tan hiềm khích, bởi dù sao 2 nhà đó cũng là họ hàng”.
|
Hoàng Sơn (Báo Gia Lai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.