Lỗi tại rượu bia bán tràn lan hay tại người uống quá đà?

Quốc Phong Chủ nhật, ngày 26/05/2019 18:28 PM (GMT+7)
Thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do người uống rượu bia gây ra đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội, phản ánh sự bức xúc, sự dồn nén tâm lý quá lâu đối với tình trạng rất nguy hại và bất an này trong xã hội.
Bình luận 0

Mới đây, tôi có đọc một bài báo của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đăng trên báo Giao thông Vận tải, hưởng ứng “Diễn đàn Khẩn cấp ngăn chặn ma men lái xe”. Bài viết “Lạm dụng rượu bia đang trở thành quốc nạn!” của ông đã giành giải nhất của tuần thứ 2. Theo ông Hùng Vỹ, muốn ngăn chặn “ma men”, cả xã hội cần chung tay thực hiện theo thứ tự 5 giải pháp: Tu thân - Truyền thông - Biện pháp nghệ thuật - Hương ước sinh hoạt cộng đồng - Thực thi pháp luật.

Ngẫm lại ý này với trường hợp của một người bạn tôi từng có lúc cai rượu thì thấy rất thấm thía. 

Anh bạn tôi  không nghiện rượu mà chỉ là người khi đã uống thì hay uống quá đà, thiếu kiểm soát khi bị người khác ép và hay cả nể. Điều sâu xa của câu chuyện bạn tôi "cai" thành công lại ngoài sức tưởng tượng của bạn bè và cả người thân trong gia đình. Tôi nghĩ, có lẽ nó xuất phát từ mấy ý, trong đó có ý thứ nhất (tu thân); thứ hai (truyền thông) và thứ ba (biện pháp nghệ thuật) là chủ yếu. Với một nhà giáo như anh, cai thành công là do ý thức hơn 2 ý còn lại.

img

Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do người uống rượu bia gây ra, như vụ chị công nhân môi trường bị xe điên đâm tử vong, đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội.

Theo tôi biết, anh từng bị tông xe máy do say rượu nghe đâu cũng đã 3 lần. Lần nào cũng do uống quá đà. Trò ép thày, bạn bè, đồng hương ép nhau... Tôi không nhớ lần đầu anh bị tai nạn thế nào, nhưng lần thứ 2, thứ 3 thì tôi biết rõ.

Lần bị tai nạn thứ 2, anh đã tông xe vào người đi đường rồi cùng ngã lăn quay. Người bị thương vì bỗng dưng gặp cái ông say xỉn quái quỷ này thì quả là oan gia vì anh, nhưng may là họ bị nhẹ hơn. Người bị nặng nhất là anh bạn tôi. Cũng may có cái mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh mà anh không bị chấn thương sọ não. Bạn tôi lúc đó đã bất tỉnh, mặt phủ kín một lớp máu.

Có một chàng trai nọ dừng lại giúp, vẫy xe rồi đưa bạn tôi vào bệnh viện. Trong lúc ngồi đỡ nạn nhân kiêm kẻ tội đồ này trên xe ô tô, anh bạn trẻ nọ mới tá hoả khi nhận ra người bị nạn là thày giáo dạy đại học của mình. Bữa đó, bác sĩ đã tính chuyện phải tháo cả hai hàm răng cho anh để làm hàm giả khi đã lành tạm. Những tưởng lần đó anh sẽ sợ mà cạch đến khi ra... Đài hoá thân hoàn vũ (!). 

Thế nhưng chỉ vài năm sau, bạn tôi lại tái phạm lần thứ 3 rất đáng trách. Anh say mèm sau khi uống tới vài lít rượu cùng bạn bè. Họ ép nhau đến mức anh không leo nổi lên xe máy mà về. Nhưng không hiểu sao mà không một ai can, nên anh bạn tôi đã tự đi xe về nhà trong lúc đêm đã quá khuya. Rồi có lẽ do không thể đi nổi dù chỉ còn cách nhà non cây số, nên anh bạn tôi từ từ ngả xe xuống hè rồi nằm phủ phục dưới một cột điện, nói lè nhè không thành lời. 

Thế rồi cũng có người đi qua thương tình đỗ lại hỏi han vì họ tưởng là người bị tai nạn xe máy. Khi biết sự thể, họ tìm điện thoại, gọi được con anh và các cháu phóng xe tới đưa anh về nhà. 

Chỉ có điều, mấy đứa con anh cũng "không phải dạng vừa đâu". Chúng bình tĩnh mặc cho anh nằm bò lê bò càng, lè nhè bên cột điện để còn ghi hình, chụp ảnh mọi góc độ cảnh bê tha, nhếch nhác của anh. 

Tận trưa hôm sau, khi tỉnh rượu ngồi dậy, anh bật máy tính lên thì thấy hình ảnh cùng clip do chính con anh gửi quay cảnh anh bệ rạc, mắt nhắm nghiền nằm trên hè đường, đầu ngả vào cột điện, lấm lem, bẩn thỉu hệt như... lão ăn mày say xỉn ngoài chợ, nhếch nhác đến không thể hình dung ra đó là một nhà giáo nổi tiếng.

Bất giác anh thấy ngượng chín người. Ngượng với chính mình vì anh đã hiểu ra rằng, tụi nhỏ đang muốn cảnh cáo bố chúng một cách kiệm lời, rất văn hoá. Đứa con gái anh bước vào phòng bố, chỉ nói nhẹ nhàng đúng một câu: Chúng con đang tính đưa lên mạng để xem bố có mặt mũi nào mà lên giảng đường dạy học trò nữa không? Bạn tôi không thể nói bất cứ câu nào, chỉ biết im lặng chịu lỗi trước các con và sau đó là bà xã anh. 

Kể từ bữa đó tới hôm nay, chuyện cũ cũng đã dăm năm, tụi tôi vẫn thi thoảng í ới gặp nhau, hội hè đủ thứ, đủ loại lý do. Thế nhưng bạn tôi dứt khoát không bao giờ uống đến chén rượu thứ 2 trong một bữa nhậu, nhiều khi còn không uống một ngụm nào. Anh bảo “nhiều lúc cứ nhớ đến cái hình chúng nó chụp tôi nằm vệ đường nhem nhuốc mà ngượng vô cùng ông ạ. Tuy nó chỉ doạ sẽ bêu tôi lên mạng nếu tôi không cam kết kể từ bữa đó sẽ không uống rượu bia quá đà là đã lo rồi. Và tôi vẫn luôn ám ảnh chuyện đó suốt bấy nhiêu năm qua. Nó đúng là bài học đắt giá với tôi và chính bài học đó lại do các con tôi... dạy tôi”.

img

Lượng rượu bia tiêu thụ trung bình mỗi năm trên mỗi người năm 2017 và tỷ lệ thay đổi so với năm 2010 của một số quốc gia trên thế giới. Ảnh: Statista. 

Thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do người uống rượu bia gây ra đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Có những ý kiến phê phán rất nặng, thậm chí đề nghị hình sự hóa hành vi uống rượu bia mà lái xe. Tôi thấy rất cần thiết và rất ủng hộ.

Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần đây, trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội này, cũng đã dành thời gian cho nội dung nói trên, bởi thực tế đã cho thấy, luật của chúng ta có nhiều điểm chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp và thiếu tính răn đe như dư luận bày tỏ. Điều đó phản ánh sự bức xúc, sự dồn nén tâm lý quá lâu  đối với tình trạng rất nguy hại và bất an này trong xã hội.

Chúng ta cũng đã chứng kiến trên nghị trường mấy hôm rồi, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Nó khiến tôi nhớ đến anh bạn thân của mình từng nhiều lần bị tai nạn do ma men nói trên.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã lên tiếng về chuyện này, nhưng quan điểm ông có vẻ đơn độc và "trái chiều". Ông đã chỉ ra rằng hình như chúng ta đang chưa công bằng với tình hình tiêu thụ bia rượu của dân mình, nước mình, cho dù quan điểm của ông vẫn đồng tình với chủ trương phải làm sao đó ngăn chặn thật quyết liệt tình trạng lạm dụng bia rượu quá mức cũng như việc uống rượu bia mà vẫn sử dụng, điều khiển phương tiện giao thông.

Là một trong số không nhiều đại biểu phản đối những quy định siết chặt quản lý bia rượu tại Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, mà theo ông thì "chúng ta phải điều chỉnh hành vi của người uống bia rượu, chứ không phải điều chỉnh hành vi của rượu bia. Nếu nói cho đúng nhất của luật thì phải là Luật kiểm soát bia rượu, khi đó chúng ta sẽ bàn giải pháp kiểm soát. 

Cái mù mờ nhất của dự thảo luật hiện nay là cứ đưa ra thông tin nhiều nước đã có luật tương tự. Nhưng thử xem có nước nào lại đi làm luật giống như chúng ta đang làm là chống tác hại của rượu bia không? Không ai đi làm thế cả", ông Dương Trung Quốc nói.

Vì thế, theo Đại biểu Quốc hội này bày tỏ, thì lẽ ra đơn vị được giao soạn thảo luật này nên là Bộ VHTTDL chứ không phải là Bộ Y tế mới là hợp lý và khách quan nhất. 

Khi theo dõi, tôi cảm thấy ý kiến của ông có vẻ hơi đơn độc. Tuy nhiên, từ câu chuyện của bạn tôi tự gây ra tai nạn cho chính mình cùng người khác khi tham gia giao thông là do ma men đã cho thấy ông Trung Quốc nêu vấn đề không phải không có lý của ông. Vậy, nếu chúng ta luôn ý thức, biết tự trọng và thực hiện luật cho nghiêm túc thì tốt biết bao! Còn việc sản xuất bia rượu thế nào thì đó lại là chuyện khác. Chúng ta sử dụng rượu bia ra sao, mức độ tiêu thụ như thế nào là hợp lý thì cần có những quy định rõ ràng. Đó đều là do chính chúng ta quyết định nếu như biết tôn trọng sinh mạng của mình và của người khác quanh mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem