LS Phan Vũ Tuấn nói về vụ Sky Music bị tố vi phạm quyền tác giả âm nhạc

Minh Anh Thứ sáu, ngày 06/04/2018 15:19 PM (GMT+7)
Từ vụ việc Sky Music bị các nhạc sĩ đồng loạt lên tiếng về việc xâm phạm quyền tác giả, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM về vấn đề này.
Bình luận 0

Việc cấp phép sử dụng các tác phẩm âm nhạc, cụ thể là các bài hát trong các nhà hàng, khách sạn hay phân phối cho người dùng nghe trên các website hoặc ứng dụng điện thoại đang dần trở nên phổ biến. Những đối tượng nào được phép cấp phép sử dụng bài hát, cũng như có nhiều chủ thể như tác giả, ca sĩ, đơn vị phát hành, tổ chức phát sóng…có liên quan trực tiếp tới việc hình thành nên bản ghi âm, ghi hình bài hát đó thì quyền của họ đối với tác phẩm là gì đã gây khúc mắc nhiều cho công chúng, và cho cá nhân, đơn vị muốn được cấp phép sử dụng bài hát đó. Luật sư Phan Vũ Tuấn sẽ thông tin cùng bạn đọc.

img

Luật sư Phan Vũ Tuấn

Gần đây, Sky Music đang bị các nhạc sĩ lên tiếng phản đối vì hành vi kinh doanh khai thác bản ghi xâm phạm quyền tác giả. Thưa LS Phan Vũ Tuấn, theo luật quy định, một bản ghi âm, ghi hình một tác phẩm âm nhạc sẽ có các quyền tác giả và các quyền liên quan nào?

-Trước khi bàn đến vấn đề về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả này, tôi xin tạm thống nhất tác giả ở đây đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Khi bàn đến bản ghi âm một bài hát, thì chúng ta cần xác định quyền tác giả và quyền liên quan chính xác của các chủ thể quyền trong bản ghi âm này. Theo đó, trong một bản ghi âm bài hát, sẽ có các quyền cơ bản sau:  

1. Quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong bản ghi âm đó.

2. Quyền liên quan đến quyền tác giả của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình.

3. Quyền quyền liên quan đến quyền tác giả của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với bản ghi âm ghi hình bài hát đó.

Cả 3 quyền này đều quy định rất rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, về nguyên tắc quyền liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế là nhằm bảo hộ sự sáng tạo của cách thức truyền đạt các tác phẩm được bảo hộ, do đó để quyền liên quan được bảo hộ thì quyền liên quan này không được gây ảnh hưởng đến quyền tác giả của các tác phẩm được truyền đạt. Nguyên tắc này cũng được quy định rõ tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ về căn cứ phát sinh quyền. Vì vậy, khi người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi khi thực hiện quyền của mình mà có liên quan đến việc sử dụng các tác phẩm thuộc quyền tác giả thì phải xin phép tác giả của tác phẩm đó.

Nhiều ý kiến tranh luận về việc liệu Sky Music có được quyền khai thác bản ghi của các ca sĩ, nếu một ca sĩ được tác giả cho phép biểu diễn tác phẩm của tác giả thì liệu ca sĩ này có quyền cho phép bên thứ ba phân phối, sử dụng buổi biểu diễn của mình mà không cần sự đồng ý của tác giả hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần phải xác định quyền của tác giả là gì. Bên cạnh quyền nhân thì tác giả có quyền tài sản. Theo đó Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm tái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Luật quy định tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền nêu trên. Như vậy, khi một ca sĩ xin phép tác giả đề biểu diễn tác phẩm của tác giả và được tác giả đồng ý, điều này có nghĩa là tác giả đã cho phép ca sĩ thực hiện quyền biểu diễn tác phẩm của mình.

Nhưng tác giả chỉ đồng ý ca sĩ biểu diễn tác phẩm của mình chứ không đồng ý cho ca sĩ quyền phân phối tác phẩm của mình. Ca sĩ chỉ có quyền đối với cuộc biểu diễn của mình theo Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ (định hình buổi biểu diễn), chứ không có quyền tác giả đối với tác phẩm. Tức là ca sĩ được tác giả cho phép sử dụng tác phẩm để trình diễn thì không có nghĩa là ca sĩ đương nhiên được quyền cho phép bên thứ ba phân phối buổi biểu diễn của mình vì việc này đồng nghĩa với việc cho phép sử dụng tác phẩm mà ca sĩ đó biểu diễn luôn, và quyền này thuộc về quyền của tác giả tác phẩm. Do đó, để bên thứ ba phân phối cuộc biểu diễn thì ngoài việc xin phép ca sĩ, bên thứ ba phải xin phép tác giả tác phẩm đó.

img

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền liên quan đối với các bản ghi âm ghi hình có quyền phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Như vậy, theo các quy định này thì các đơn vi muốn phân phối lên mạng các bản ghi âm nhạc của chủ sở hữu quyền nói trên thì chỉ cấn xin phép nhà sản xuất bản ghi?

Như đã phân tích ở trên, quyền liên quan chỉ được bảo hộ khi không làm phương hại đến quyền tác giả. Do đó, nhận định này chỉ đúng khi chủ sở hữu bản ghi âm ghi hình đã được:

1. Tác giả của tác phẩm được sử dụng cho phép chủ sở hữu bản ghi âm được phép kinh doanh các bản ghi âm có khai thác bài hát của mình trên mạng internet.

2. Người biểu diễn phải được tác giả cho phép biểu diễn tác phẩm của họ trong chính các bản ghi âm của chủ sở hữu bản ghi âm này. Khi đó, người biểu diễn đối với phần biểu diễn của họ đã được trong bản ghi âm đã được bảo hộ quyền liên quan sẽ có quyền cho phép chủ sở hữu bản ghi âm khai thác phần biểu diễn của mình trên internet.

Và với trường hợp nêu trên thì nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình chỉ được trực tiếp khai khác bản ghi âm của họ trên internet và cũng chỉ được giới hạn khai thác trên internet. Nếu họ cấp phép sử dụng bản ghi âm của mình trong các môi trường khác như sử dụng trong các chương trình phát sóng, các sự kiện lớn...thì đây là hành vi xâm phạm vì nằm ngoài phạm vi cấp phép.

Như vậy, nếu chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền cho một đơn vị cấp phép sử dụng tác phẩm của họ, thì đơn vị đó có thể chuyển quyền cấp phép cho đơn vị thứ ba thực hiện công việc tương tự không?

Vấn đề này thuộc về phạm vi ủy quyền. Nếu việc chuyển quyền cấp phép lại cho bên thứ ba không được quy định trong phạm vi ủy quyền thì bên được ủy quyền không được ủy quyền lại cho bên thứ ba.

Trong trường hợp nếu muốn kinh doanh một bản ghi âm bài hát thì cần phải xin phép các chủ sở hữu nào?

"Giả sử, các quyền được phân định rõ cho từng chủ thể nêu trên, thì khi một đơn vị muốn kinh doanh một bản ghi âm bài hát thì đơn vị đó phải có sự cho phép của:

1. Tác giả đối với bài hát nhằm kinh doanh bài hát đó.

2. Người biểu diễn đối với phần biểu diễn bài hát nhằm kinh doanh phần biểu diễn bài hát đó.

3. Nhà sản xuất bản ghi âm đối với bản ghi sử dụng để kinh doanh.

Và cần lưu ý là việc cấp phép và giới hạn cấp phép sử dụng quyền đều phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu quyền và thỏa thuận của các bên.

Vậy khi được phép kinh doanh các bản ghi âm đó, đồng nghĩa với việc đơn vị đó được cấp phép lại cho các đơn vị khác sử dụng bản ghi âm của mình?

imgNên phân biệt rõ phạm vi cấp phép của từng hợp đồng cấp phép. Theo đó, việc cấp phép cho 1 đơn vị kinh doanh bản ghi âm sử dụng tác phẩm thông thường sẽ kèm theo phạm vi kinh doanh của bản ghi âm đó, như kinh doanh bản ghi để phát hành đĩa CD, để dùng trên 01 website cố định.... Do đó, khi cấp phép lại, thì đơn vị được cấp phép cũng chỉ được sử dụng chính bản ghi âm đó trong phạm vi đã được cấp phép ban đầu.

Ví dụ công ty của tôi được cấp phép sử dụng một bài hát trên website của mình, công ty tôi có được phép sử dụng bài hát đó trên ứng dụng do công ty tôi phát hành và quản lý không?

Đây cũng là vấn đề thuộc về phạm vi cấp phép của các bên. Website và ứng dụng là hai môi trường sử dụng tác phẩm khác nhau. Một tác phẩm được cấp phép để sử dụng trên website không có nghĩa nó được sử dụng trên ứng dụng dù cả website và ứng dụng đều thuộc về một đơn vị. Thế nên dù đơn vị có được chủ sở hữu cấp phép cho sử dung trên website, đơn vị đó không có quyền sử dụng, phân phối tác phẩm trên ứng dụng của mình.

Cảm ơn luật sư!

Một bản ghi âm, ghi hình của bài hát luôn bao gồm quyền tác giả của tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Do đó, để được cấp phép sử dụng bản ghi âm, ghi hình bài hát nào, đơn vị kinh doanh cũng cần phải xin cấp phép từ chủ sở hữu các quyền đó. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh cần lưu ý chỉ được phép sử dụng bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc đúng theo nội dung và phạm vi được cấp phép. Tất cả hành vi sử dụng hoặc phân phối tác phẩm ngoài phạm vi được cấp phép đều được coi là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem