Lũ đe dọa lúa thu đông

Thứ năm, ngày 08/09/2011 09:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mực nước ở đầu nguồn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lên cao, đe dọa diện tích lúa thu đông mới vừa xuống giống.
Bình luận 0

Hàng nghìn ha lúa có nguy cơ mất trắng

Vụ thu đông này, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ khoảng 600.000ha lúa, tăng 100.000ha so với cùng kỳ. Nhưng nước lũ lên nhanh, cộng với mưa lớn kéo dài khiến hàng nghìn ha lúa đã bị chìm trong nước. Nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ cũng bị nước lũ đe dọa.

img
Hệ thống máy bơm hoạt động tiêu thoát nước cho những ruộng lúa bị ngập nước.

Tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú (An Giang), mưa lớn và kéo dài đã gây ngập úng gần 12.000ha lúa. Riêng huyện Thoại Sơn đã có gần 10.000ha bị ngập úng, tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Lê – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết: “Mưa lớn kéo dài cộng với nước lũ lên nhanh đã làm gia tăng diện tích bị ngập úng”.

Tỉnh Đồng Tháp đã gieo sạ hơn 90.000ha lúa thu đông, hiện mới thu hoạch gần 24.000ha ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành… Như vậy, còn gần 70.000ha có nguy cơ bị lũ “chụp”, trong đó còn 17.000ha trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh.

Trước đó, đã có một số đoạn đê bao ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành bị nước tràn vào gây ngập lúa. Có gần 2.600ha lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh nằm trong tuyến ô bao chung của 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự có nguy cơ bị nước tràn nhiều nhất với 4 điểm xung yếu.

Ông Trần Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền cho biết: “Một số đê bao nằm chính diện với hướng gió và độ chênh lệch khá cao giữa mực nước trong và ngoài đê nên đã gây áp lực rất lớn lên thân đê. Vì vậy, nguy cơ nước tràn, vỡ đê là rất lớn ở những điểm xung yếu”.

Tập trung cứu lúa

Tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng, gia cố đê bao, hệ thống bơm thoát nước bảo vệ lúa thu đông. Ông Huỳnh Minh Phụng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết: “Một số đoạn xung yếu bị nước tràn gây ngập lúa đã được khắc phục kịp thời. Hiện tại nông dân đã thu hoạch được hơn 4.000ha trong tổng số gần 12.000ha đã xuống giống. Từ đây đến cuối tháng 9 sẽ cố thu hoạch dứt điểm để tránh thiệt hại khi lũ về”.

Ông Nguyễn Trạng Sư – Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: “Huyện đã thành lập 6 tổ ứng trực ở 6 tuyến đê bao xung yếu. Ngoài việc ứng trực 24/24 giờ thì vào ban đêm còn tổ chức thêm tổ tuần tra dọc theo tuyến đê bao để phát hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra…”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Nam Bộ, mực nước đầu nguồn tại Tân Châu và Châu Đốc đang xuống theo triều rồi sau đó sẽ lên lại, đạt mức đỉnh vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10. Theo dự báo mực nước đỉnh lũ ở khoảng từ 4,1 - 4,3m tại Tân Châu và 3,6 - 3,8m tại Châu Đốc (vượt mức báo động II từ 0,1 - 0,3m).

TS Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Với cao trình các tuyến đê bao hiện nay, lúa thu đông vẫn đảm bảo khi mực nước dâng lên từ 50 - 70cm nữa. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tập trung gia cố, ứng trực ở các tuyến đê bao xung yếu để bảo vệ lúa trước nguy cơ của lũ”.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình sản xuất và bảo vệ lúa thu đông trên địa bàn. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngừng thi công các công trình thủy lợi khác để huy động các phương tiện thi công tập trung gia cố, nâng cấp bờ bao ở các vùng sản xuất lúa đang bị nước lũ uy hiếp, đảm bảo cao trình đê bao cao hơn nước lũ.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Ngoài việc tổ chức ứng trực 24/24 giờ thì các địa phương cần huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc bảo vệ đê bao trước nguy cơ lũ lớn năm nay”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem