Khai thác thủy sản mùa lũ
Khác với không khí buồn tẻ khi vắng lũ, những ngày này, người dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang tất bật các hoạt động mưu sinh. Dù lượng cá, tôm bắt được chưa nhiều nhưng người dân địa phương phấn khởi hơn.
Người dân bắt đầu đánh bắt thủy sản.
Đi dọc các tuyến đường của các xã vùng trũng thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng), không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ngồi lựa các loại cá đồng, cua, lươn vừa bắt được dưới kênh hay cánh đồng nước sau nhà.
Anh Nguyễn Văn Cương, ngụ ấp Cả Nga, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, cho biết: Cách nay không lâu, khu vực này còn đồng khô cỏ cháy. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, nước từ đầu nguồn đổ về tràn đồng. Với người dân nơi đây, nước lũ về cũng là lúc khai thác thủy sản (giăng lưới, giăng câu, đặt lọp, lờ,…) cải thiện bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập.
Hơn mười năm qua, mỗi mùa nước lũ, anh Cương bơi xuồng men theo các tuyến kênh và cánh đồng Cả Nga đặt đú dớn, giăng lưới. Hơn một tháng trước, anh chuẩn bị ngư cụ đón lũ.
“Tôi cứ nghĩ năm nay thất thu, may mà con nước lại về. Lũ về dù muộn nhưng ai nấy đều phấn khởi. Cá, tôm tuy không nhiều như trước nhưng người dân có thu nhập từ việc đánh bắt. Hiện với 20 đú dớn của gia đình, mỗi ngày, tôi bắt được 20-30kg cá các loại, thu nhập khoảng 300.000-400.000 đồng trang trải cuộc sống gia đình” - anh Cương nói.
Dù lượng cá giảm nhưng mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Cương (ấp Cả Nga, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) kiếm thu nhập 300.000-400.000 đồng trang trải cuộc sống.
Vợ chồng anh Phan Văn Tín, quê huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, nhà nghèo, không đất sản xuất. Mùa khô, gia đình anh làm thuê kiếm sống, đến mùa nước nổi thì sang xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng đánh bắt cá. Năm nay cũng vậy, anh chị qua Vĩnh Hưng từ đầu tháng 8 nhưng chưa đánh bắt được bao nhiêu.
Vào thời gian này những năm trước, cá nhiều, mỗi ngày, anh chị kiếm được từ 500.000-700.000 đồng. Năm nay, dù lũ đã về nhưng lượng cá giảm đáng kể, mỗi ngày đêm, anh kiếm được khoảng chục ký cá, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 200.000-300.000 đồng.
Theo anh Tín, thời điểm này, dớn là loại dụng cụ được người dân địa phương dùng nhiều nhất để đón bắt luồng cá, tôm đầu mùa. Cách giăng bắt này khá đơn giản, chỉ cần vài chục mét lưới mành, vài chục cây nhỏ (để cắm cố định dớn) và lưới đuôi dớn là có thể “hành nghề”. Thủy sản giăng bắt được cũng đa dạng, nhiều nhất là cá linh, cá tạp, tép,…
Anh Đặng Văn Tuấn, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, có hơn chục năm làm nghề thu mua cá đồng mùa lũ, chia sẻ: “Vào thời điểm này những năm trước, trung bình mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 1 tấn cá đồng, sau đó sang lại cho các thương lái đem bán ở TP.HCM. Năm nay cá ít, tôi thu mua khoảng 100-200kg/ngày. Không những sản lượng cá ít mà chủng loại cũng không phong phú, chủ yếu là cá chốt, cá lăng”.
Lượng cá khan hiếm nên giá tăng 20-30% so với các năm trước.
Do lượng cá tự nhiên ít nên những hộ dân sống bằng nghề này ở các huyện đầu nguồn của tỉnh chỉ đánh bắt cầm chừng. Dạo quanh một số chợ tại huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, lượng cá đồng không nhiều như những năm trước.
Theo các tiểu thương, năm nay, cá đồng ra chợ rất ít, chỉ có một số loại cá: Chốt, thiểu, lóc, trê, dảnh trắng, rô, cá linh,... Do lượng cá khan hiếm nên giá bán tăng khoảng 20-30% so với các năm trước. Hiện giá cá lóc, cá trê từ 100.000-120.000 đồng/kg; cá chốt, cá lăng từ 50.000-70.000 đồng/kg; cá linh 150.000 đồng/kg;...
Mong lũ về nhiều hơn
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Long An, do ảnh hưởng lượng nước thượng nguồn đổ về kết hợp lượng mưa tại chỗ nên mực nước tại các huyện đầu nguồn (Tân Hưng, Vĩnh Hưng) lên nhanh với cường suất trung bình 0,01-0,10m/ngày đêm. Đến ngày 25/9/2019, mực nước đo được tại Tân Hưng đạt 2,39m (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 0,61m), tại Vĩnh Hưng đạt 2,27m (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 0,66m).
“Nước tràn đồng nhưng cá chưa nhiều. Có lẽ do lũ về trễ nên cá chưa kịp lên đồng. Hơn 800m lưới giăng cả đêm, tôi chỉ kiếm được khoảng chục ký cá (cá mè vinh, cá lăng), bán được 300.000-400.000 đồng, đủ tiền cơm, chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tôi mong nước về nhiều, thời gian ngập lũ lâu, cá lớn hơn, khai thác được nhiều hơn” - anh Lê Văn Ngởi, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, kỳ vọng.
|
Lũ về còn bồi đắp phù sa, diệt côn trùng, chuột, bọ gây hại mùa màng. Anh Lê Hồng Thanh, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, bộc bạch, hiện tại, trong 6ha đất của gia đình, nước lũ đã vào ruộng gần 4ha với độ sâu từ 30-40cm. Anh hy vọng, nước về nhiều hơn, thời gian ngâm lũ lâu hơn để đất được bồi đắp nhiều phù sa, sâu, rầy gây hại bị cuốn trôi, giảm chi phí trong sản xuất vụ mùa tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường cho biết, hiện nước lũ đã ngập khoảng 80% diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện, những vùng trũng, thấp, nước ngập sâu hơn 1,5m, vùng gò cao từ 30-50cm. Huyện tuyên truyền, vận động nông dân xả lũ đón phù sa. Số diện tích vùng cao, nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất ngâm lũ.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng, từ khi lũ về, huyện chủ động cho xả nước vào các cánh đồng vừa tạo sinh kế cho người dân đánh bắt thủy sản, vừa đón phù sa. Nông dân cũng chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng để cây trồng phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.
Bên cạnh đó, nhằm chủ động hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, ngành tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo tập trung cho sản xuất vụ Đông Xuân và có lịch gieo sạ, cụ thể đợt 1 từ ngày 18 đến 25/10, đợt 2 từ ngày 18 đến 30/11, đợt 3 từ 15 đến 31/12.
Mùa lũ về mang lại nhiều sinh kế cho người dân, người giăng câu, đánh cá, người thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước,... Mưu sinh mùa nước nổi giúp người dân nghèo có thêm thu nhập để lo cho con đi học, mua sắm ít vật dụng trong gia đình. Con nước về cũng mang theo phù sa bồi đắp đồng ruộng, góp phần cho vụ mùa mới bội thu./.
NƯỚC THƯỢNG NGUỒN SÔNG MÊ KÔNG TIẾP TỤC XUỐNG
Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Long An - Nguyễn Quang Ngọc, dự báo trong những ngày tới, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Đến ngày 30/9/2019, mực nước tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,65m (cao hơn báo động 1 là 0,15m), Châu Đốc có khả năng ở mức 3,25m (cao hơn báo động 1 là 0,25m). Đến ngày 05/10, mực nước tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,45-3,55m, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,95-3,05m, sau đó mực nước xuống theo triều.
Do kết hợp giữa nước đầu nguồn đổ về, lượng mưa tại chỗ và triều cường nên mực nước vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục lên. Dự báo đến ngày 30/9, mực nước trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 2,55m (thấp hơn cùng kỳ 0,31m); trên kênh 28 tại huyện Vĩnh Hưng lên mức 2,45m (thấp hơn cùng kỳ 0,37m), trên Sông Vàm Cỏ Tây tại huyện Mộc Hóa (Kiến Tường) 1,35m (thấp hơn cùng kỳ 0,45m).
Đến ngày 05/10, mực nước trên kênh Hồng Ngự tại huyện Tân Hưng có khả năng lên mức 2,75m (thấp hơn cùng kỳ 0,25m); trên kênh 28 tại huyện Vĩnh Hưng lên mức 2,65m (thấp hơn cùng kỳ 0,33m), trên Sông Vàm Cỏ Tây tại huyện Mộc Hóa (Kiến Tường) 1,45m (thấp hơn cùng kỳ 0,42m).
|
Văn Đát (Báo Long An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.