Lư Tuấn Nghĩa: Nhân vật bị “thổi phồng” quá mức trong Thủy Hử

Tầm Hoan Thứ hai, ngày 23/09/2019 18:34 PM (GMT+7)
Lư Tuấn Nghĩa “ra mắt” Thủy Hử với những lời tán dương hoành tráng, từ chính miệng Tống Giang: “Trong thành Bắc Kinh, có Viên Ngoại họ Lư tên Tuấn Nghĩa, biệt hiệu Ngọc Kỳ Lân, đứng vào hạng Tam Kiệt ở Bắc Hà. Ông ta võ nghệ cao cường, côn quyền không ai địch nổi. Nếu Lương Sơn Bạc có được ông ấy, thì trong bụng tôi không lo nghĩ một điều chi nữa”.
Bình luận 0

Trí tuệ tầm thường

Lư Tuấn Nghĩa đúng là trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh với mạng lưới kinh doanh phủ khắp kinh thành (dưới quyền bốn năm mươi người hành tài quản cán). Họ Lư cũng là tay rộng lượng, tốt bụng (nhặt Yến Thanh về nuôi coi như con đẻ, giúp Lý Cố lúc cơ hàn sau giao cho quản lý việc kinh doanh). Ngọc Kỳ Lân võ nghệ đúng là không hổ danh Tam Kiệt Bắc Hà, xa luân chiến cả ngày với hơn chục đầu lĩnh Lương Sơn Bạc mà không biết mệt.

img

Lư Tuấn Nghĩa: danh tiếng hoành tráng, bản lĩnh tầm thường.

Tuy nhiên, nếu đọc thật sâu thật kỹ trọn vẹn 120 hồi danh tác của Thi Nại Am, chúng ta có thể thấy Lư Tuấn Nghĩa chẳng hề hoàn hảo đến vậy, thậm chí không muốn nói đây là nhân vật bị thổi phồng quá mức. Đầu tiên là trí tuệ của họ Lư quá thường nên mới mắc mưu Ngô Dụng (trong vai thần tướng số) một cách dễ dàng.

Trong lần nói chuyện với Ngô Dụng, Lư Tuấn Nghĩa lúc đầu còn mạnh miệng: “Tiên sinh nói sai rồi, tôi ở đất Bắc Kinh, sinh trưởng vốn nhà hào phú… Vả chăng tôi đây xưa nay tính nết cẩn thận, việc gì vô lý không làm, của nào phi nghĩa không lấy, lẽ nào ngày nay lại bị nạn đao huyết thế được?”

Nhưng khi Ngô Dụng múa lưỡi vài câu thì lại tin sái cổ: “Về phần Lư Tuấn Nghĩa, sau khi nghe lời Ngô Dụng đoán số, thì trong bụng lấy làm băn khoăn khó chịu, ngồi đứng không yên, chiều chiều thường vơ vẩn một mình ở trước cửa nhà, mà trông trời than thở”.

Thế nên mới sinh ra chuyện: “Mới đây ta xem một quẻ số, nói rằng trong trăm ngày nữa, tất phải gặp nạn đao huyết. Chỉ trừ ra xa lánh về phía Đông Nam, một nghìn dặm thì mới có thể thoát được. Ta tưởng về phía đó, chỉ có miếu thờ Thiên Tề Nhân Thánh Đế, ở núi Đông Nhạc Thái Sơn là nơi rất thiêng liêng chính trực, đã từng cứu nạn cho khắp nhân gian”.

img

Lư Tuấn Nghĩa trí tuệ kém cỏi mới dễ dàng mắc mưu Ngô Dụng.

Nếu Lư Tuấn Nghĩa vẫn kiên định một niềm tin vào bản thân, thì làm gì có chuyện mắc mưu Ngô Dụng, để từ đó cuộc đời của chàng rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Từ chỗ là trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh, họ Lư trở thành tội phạm, gia đình tan nát, còn bản thân cùng đường phải gia nhập Lương Sơn.

Tề gia kém cỏi

“Tề Gia, Trị quốc, Bình thiên hạ” – Phàm được coi là đệ nhất nhân thì phải đạt được cả ba điều ấy. Nhưng ngay ở yêu cầu đầu tiên, Tề gia, Lư Tuấn Nghĩa đã làm dở tệ. Nếu Lư Tuấn Nghĩa “tề gia” tốt thì đã không có chuyện vợ Cổ Thị tư thông với tay tổng quản Lý Cố, đã không có chuyện bị “cặp đôi” này đâm sau lưng khi chàng bị lừa tới Lương Sơn.

Nhưng đấy là chuyện sau này, còn ngay trong lúc tính chuyện đi lễ giải hạn, Lư Tuấn Nghĩa đã sớm cho thấy chàng là một tay quản lý tồi. Thứ nhất, họ Lư quá cao ngạo mà không thèm nghe lời khuyên can của tâm phúc. Lý Cố có nói: “Người ta thường nói là bói toán quàng xiên, chắc đâu tin được? Xin chủ nhân cứ yên nhà, có việc chi mà ngại?” nhưng Lư Tuấn Nghĩa gạt phắt.

Ngay cả khi Yến Thanh bày tỏ nghi ngờ: “Con đường sang Thái An Châu ở bên Sơn Đông, tất phải qua Lương Sơn Bạc. Ở đó có người tên Tống Giang tụ họp bọn cường đạo để cướp bóc… Vậy chủ nhân có muốn sang đó thì nên đợi lúc thái bình vô sự mà đi. Chớ nên tin anh thầy số đó, không khéo nó lại là đồng đảng bọn Lương Sơn; đến đây để lừa dối chủ nhân cũng nên” nhưng họ Lư cũng làm ngơ mà rằng: “Ngươi đừng nói càn, ai dám đến đánh lừa ta? Mấy thằng giặc cỏ ở Lương Sơn thì thấm vào đâu, ta chỉ coi nó như cỏ rác mà thôi”.

img

Lư Tuấn Nghĩa, tề gia dở tệ, tạo điều kiện cho vợ Cổ Thị tư thông với tâm phúc của mình.

Lúc vợ Cổ Thị lên tiếng can: “Người ta thường nói sẩy nhà ra thất nghiệp, vậy phu quân can chi mà nghe anh thầy số, bỏ cả cửa nhà cơ đồ mà đem thân đến chốn hang hùm? Chi bằng ở lại nhà đây, sửa lấy một thư phòng tĩnh mịch mà nằm khểnh cầu vui, tự khắc tai qua nạn khỏi” thì chàng ta lại lớn tiếng: “Ngươi là đàn bà con trẻ biết đâu đến đó, chủ ý ta đã định, bất tất phải nói lắm làm chi”.

Thứ hai, việc sắp đặt nhân sự đi cùng mình trong chuyến làm lễ giải hạn, Lư Tuấn Nghĩa cũng sai lầm nối tiếp sai lầm. Thay vì cho Yến Thanh, vốn thông minh sắc sảo lại giỏi võ nghệ đi cùng thì họ Lư lại chọn Lý Cố. Khi Yến Thanh lên tiếng xin đi “nay tôi xin đi hầu chủ nhân, ngộ nhỡ gặp đám giặc cỏ quấy nhiễu, tôi cũng có thể đánh đuổi được dăm ba đứa” thì Lư nói: “Ta đây các việc buôn bán không được thạo, phải để Lý cố đi để giúp. Còn ngươi ở nhà, việc kinh doanh đã có người khác, ngươi cứ trông coi đó thôi...”.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định một sự thật rõ ràng: Mưu kế của Ngô Dụng chỉ là mồi lửa, chính Lư Tuấn Nghĩa với trí tuệ tầm thường, lại cao ngạo bảo thủ, nhất nhất làm mọi việc theo ý mình mới là nguồn cơn tạo ra bi kịch.

Dù thời điểm đó, Lý Cố và Cổ Thị có thể đã “đầu mắt cuối mắt” nhưng ít nhất hai người này vẫn một lòng không muốn Lư Tuấn Nghĩa ra đi. Rủi ro ở chuyến đi của họ Lư cũng có thể được hóa giải, nếu người đồng hành cùng chàng là Yến Thanh. Những biến cố trong cuộc đời họ Lư sau này, tuyệt nhiên, là do một tay chàng gây nên chứ chẳng phải bởi hảo hán Lương Sơn hay cặp đôi Lý Cố-Cổ thị cả.

img

Bi kịch của họ Lư toàn bộ là do chính tay chàng tạo ra.

Cầm quân đánh trận dở tệ

Nếu song đấu thì Lư Tuấn Nghĩa với bản lĩnh võ nghệ của mình, có lẽ chẳng thua bất kì anh tài nào trong Thủy Hử. Nhưng Lư Tuấn Nghĩa, xếp hạng thứ trong 108 anh hùng, chức Tổng binh đô đầu lĩnh Lương Sơn, lại thường sắm vai đại tướng, một mình quản lý cả ngàn vạn quân binh. Mà ở vai trò này thì họ Lư lại quá sức tầm thường.

Chiến công đầu tiên được ghi nhận cho Lý Tuấn Nghĩa khi chàng chính thức gia nhập Lương Sơn là cùng Yến Thanh bắt được Sử Văn Cung. Nhưng thực ra đây là thành quả xuất phát từ mưu kế Ngô Dụng, họ Lư chẳng có đóng góp gì đáng kể. Thủy Hử hồi 67 viết một đoạn rất ngắn về chuyện này, thậm chí không thèm nhắc tên Lư Tuấn Nghĩa:

“Úc Bảo Tứ vâng lời Ngô Dụng, trốn về trại, đem mấy lời đó nói với Sử Văn Cung, Sử liền dẫn Úc Bảo Tứ đến trình Tăng Trưởng Quan, nói rõ ý Tống Giang không định giảng hoà, mà bàn định với Tăng Trưởng Quan thừa thế sang cướp trại Tống Giang. Tăng Trưởng Quan nói rằng: - Tăng Thăng hiện còn ở đó, nếu mình sai lời thì tất bị hắn giết mất. Nói đoạn đâm cho Sử Văn Cung một đao vào đùi ngã lăn xuống ngựa, rồi trói lại mà giải về Tăng Đầu Thị. Yến Thanh liền dắt con ngựa Chiếu Dạ Ngọc về để nộp”.

Trong lần đầu tiên chính thức cầm quân thì Lư Tuấn Nghĩa “đánh thành Đông Xương bị thua luôn hai trận” trước “Một Vũ Tiễn” Trương Thanh: “Khi Lư Viên Ngoại dẫn quân đến, mười ngày trời không chịu ra đánh. Mãi đến hôm vừa rồi, Trương Thanh mới ra thành, bên nầy Hắc Tư Văn nghênh địch. Bất đồ đánh được mấy hiệp, Trương Thanh quay lại ném một viên đá, trúng ngay vào trán Hắc Tư Văn ngã lăn xuống ngựa… Đến hôm sau Phàn Thụy dẫn Hạng Sung, Lý Cổn ra đánh nhau, không dè Hạng Sung bị Đinh Đắc Tôn phóng cây thoa vào nách, lại phải thua chạy. Hiện nay hai người vẫn còn dưỡng bệnh ở trong thuyền”.

img

Cái tên Lư Tuấn Nghĩa cũng gắn liền với thất bại thảm hại nhất của nghĩa quân Lương Sơn.

Nhưng “đỉnh cao” cho thấy năng lực cầm quân kém cỏi của Lư Tuấn Nghĩa, phải đến hồi 116 mới được Thủy Hử đặc tả, qua chuyện họ Lư “dẫn quân theo đường núi, đi qua trấn Lâm An, ở sát cửa ải Dục Linh tiến về phía Hàng Châu”. Đây là trận chiến chứng kiến thất bại thảm hại và đau lòng nhất của nghĩa quân Lương Sơn.

“Quân mã tiến gần đến ải Dục Linh, Lư Tuấn Nghĩa sai sáu tướng Sử Tiến, Thạch Tú, Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh đem ba nghìn quân bộ đi trước dọn đường. Bấy giờ bọn Sử Tiến cưỡi ngựa chiến, còn lại đều là quân bộ dàn hàng tiến đến dưới cửa ải. Không thấy bóng tên quân nào của Phương Lạp. Sử Tiến có ý ngờ, vội cùng các tướng bàn bạc”…

“Bàng Vạn Xuân nói vừa dứt, bỗng một mũi tên bay vèo ra, Sử Tiến lăn xuống ngựa. Lại nghe trên đỉnh núi vang lên tiếng thanh la, rồi từ hai phía rừng thông, tên bắn ra tới tấp. Thạch Tú, Trần Đạt đành bỏ Sử Tiến lại, tìm đường thoát thân. Đến đầu núi lại bị bọn Lôi Quýnh và Kế Tắc từ hai bên sườn núi bắn tên ra như mưa, dẫu là kẻ anh hùng lỗi lạc cũng không tránh nỗi. Cả sáu người bị bắn chết, thây chồng cửa ải. Thương thay sáu viên tướng tài của trại Thuỷ Hử, từ nay khí thiêng đã về trời. Ba nghìn quân bộ chỉ sống sót hơn trăm người chạy về gặp Lư tiên phong báo tin thua trận. Lư Tuấn Nghĩa nghe xong thẫn thờ kinh sợ”.

Kết cục của Lư Tuấn Nghĩa, sau khi bình Phương Lạp, thực ra cũng không đến nỗi thảm hại nếu chàng biết nhìn xa trông rộng, hay chí ít chịu nghe lời khuyên của Yến Thanh. Thay vì nghe Yến Thanh “nộp trả lại quan bằng rồi tìm nơi yên tĩnh mà sống cho đến trọn đời” thì họ Lư lại muốn "áo gấm về làng để được phong thê ấm tử”.

Đảm nhiệm chức An phủ sứ kiêm Binh mã Phó Tổng quản Lư Châu không được bao lâu, Lư Tuấn Nghĩa bị bọn gian thần Sái Kinh – Đồng Quán – Cao Cầu lừa cho uống rượu có thủy ngân, rồi sẩy chân rơi xuống sông Hoài ở chỗ nước sâu mà chết. Cái kết thảm hại của Lưu Tuấn Nghĩa được miêu tả qua loa chứ không chi tiết với nhiều lớp nang cảm xúc như như những phút cuối đời của Tống Giang khi uống phải rượu độc.

Suy cho cùng, kẻ tầm thường như Lư Tuấn Nghĩa thì ngay cả khi chết, làm sao có thể bi tráng như chân anh hùng được?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem