Lúa rớt giá, vẫn chưa tạm trữ

Thứ sáu, ngày 25/01/2013 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ đông xuân 2013 ở ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch, thế nhưng giá lúa cứ rớt liên tục khiến nông dân buồn và lo lắng không có tiền ăn tết. Trong khi đó, việc thu mua tạm trữ chưa biết bao giờ triển khai...
Bình luận 0

Mất giá từng ngày

Anh Huỳnh Văn Sơn ở huyện Thạnh Hóa, Long An, cho biết nhà anh có 2ha đất trồng lúa thơm OM 4900 đang bắt đầu thu hoạch, nhưng giá lúa cứ rớt giá mỗi ngày làm cả nhà rất lo lắng. Hai tuần nay giá lúa OM 4900 từ 5.000 đồng/kg cứ liên tục rớt xuống 4.800 đồng, 4.450 đồng và ngày 24.1 còn có 4.200 đồng/kg lúa tươi kéo ra tận lộ mà thương lái còn không tới mua.

img
Lãnh đạo VFA cho biết vẫn đang chờ chỉ đạo cụ thể của Chính phủ
về kế hoạch, thời gian thu mua tạm trữ lúa gạo.

“Với mức giá này nông dân chúng tôi đã lỗ 200 đồng/kg. Nghe Chính phủ nói sẽ cho thu mua tạm trữ nhưng tụi tôi vẫn rầu bởi có khi việc thu mua tạm trữ bắt đầu tiến hành lúc giá lúa đã xuống đáy và nông dân có khi phải chấp nhận bán rẻ cho thương lái để có tiền chi tiêu, trả nợ” – anh Sơn buồn bã.

Một thực tế tréo ngoe hiện nay, theo các nông dân và thương lái vùng ĐBSCL là lúa thơm đang “mất giá” so với lúa thường IR 50404. Bà Trần Thị Bông - thương lái ở huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết, lúa tươi IR 50404 bà đang thu mua tại ruộng bằng giá với OM 4900, thậm chí hơi nhỉnh hơn một chút, tức khoảng 4.300 đồng/kg, lúa khô có giá 4.900 đồng/kg. Trong khi trước đây giá lúa thơm luôn cao hơn lúa thường 1.000 – 2.000 đồng/kg tùy loại. “Biết sao được, lúa thơm doanh nghiệp không ăn hàng hơn chục ngày nay rồi, còn IR 50404 thị trường nội địa còn tiêu thụ được phục vụ làm bún, bánh tránh, nấu rượu, làm bột... phục vụ tết” – bà Bông giải thích.

Thị trường xuất khẩu trầm lắng

Lúa đông xuân bắt đầu thu hoạch rộ và giá rớt từng ngày nhưng động thái thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn chưa thấy đâu.

Hôm 16.1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý vụ đông xuân 2012 - 2013 áp dụng cơ chế mua tạm trữ thóc, gạo năm 2012 để mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo. Bộ NNPTNT được giao trình Thủ tướng quyết định cụ thể số lượng, thời gian thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2012 - 2013.

Giải thích về việc doanh nghiệp mình “nằm im”, ông Trần Thanh Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) cho biết, thị trường xuất khẩu đầu năm 2013 đang gần như đóng băng, doanh nghiệp không ký được hợp đồng nào mới nên không thể thu mua lúa đông xuân. Giá lúa trong nước theo đó cũng giảm theo.

Ông Văn hy vọng chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân khi thực hiện sẽ kéo giá lúa gạo trong nước lên. Thực tế nhu cầu gạo của thị trường thế giới mấy tuần qua vẫn ở mức thấp và liên tục giảm. Hiện giá gạo 5% tấm Việt Nam đang xuất khẩu chỉ quanh quẩn ở mức 380 – 390 USD/tấn, giảm hơn 20USD so với cuối tuần trước.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong thời gian tới khó có thể tăng lên, thậm chí có nhiều khả năng sẽ giảm. Hiện các doanh nghiệp và nông dân chỉ còn trông chờ vào chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân của Chính phủ khi thực hiện sẽ kéo giá lúa gạo trong nước lên. Theo các doanh nghiệp thì chương trình tạm trữ 1 này dự kiến sẽ thực hiện vào giữa tháng 2.2013, khi lúa ở 2 vùng trọng điểm ở ĐBSCL là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thu hoạch rộ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tình hình xuất khẩu gạo sẽ khó khăn hơn trong năm 2013 vì thiếu hợp đồng tập trung gối đầu quý I như các năm trước và số lượng hợp đồng thương mại cũng ở mức thấp. Trong khi đó nhu cầu của thị trường thế giới vẫn ở mức thấp và thị trường rất ảm đạm, qua đến quý II mới hy vọng có hợp đồng mới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem