Theo cơ quan này, một trong những nguyên nhân gây lũ lớn ở ĐBSCL hiện nay là do cơ sở hạ tầng năm 2011 thay đổi rất nhiều so với trước đây, nhất là do phát triển quá mức vụ 3 đã gây cản trở đến thoát lũ. Điều này chứng minh bằng sự chênh lệch trị số đỉnh lũ giữa Tân Châu và Châu Đốc năm 2011 lên đến hơn 0,6m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng mạnh mẽ của triều, khi mực nước tại Tân Châu đạt trên 4,0m thì ảnh hưởng triều không đáng kể. Tuy nhiên, trong mùa lũ 2011, khi mực nước tại Tân Châu đạt mức BĐ3 (4,50m) vẫn bị ảnh hưởng triều khá mạnh. Điều này, chứng minh triều năm nay có ảnh hưởng đến gia tăng mực nước đỉnh lũ tại khu vực đầu nguồn và làm chậm quá trình thoát lũ.
Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư cũng thừa nhận một hạn chế khách quan là do lưu vực sông Mekong lớn, nằm trên lãnh thổ của 6 nước, mạng lưới trạm KTTV còn thưa, các thông tin về hồ chứa của các nhánh sông lớn và dự báo mưa trên lưu vực còn hạn chế, nên việc dự báo quá trình lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long chỉ có thể được tối đa 5 ngày.
Việc dự báo quá 5 ngày chỉ mang tính chất tham khảo, đặc biệt là dự báo tháng và nhận định đỉnh lũ năm trong các bản tin nhận định mùa (trước 4 - 5 tháng). Việc dự báo lũ lớn, lũ cực trị trước khoảng thời gian dài đang còn nhiều hạn chế đối với các nhà dự báo ở trong nước và trên thế giới.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.