Sáng nay (26.12), phần lớn thời gian tại phiên tòa dành cho các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Vietinbank tranh luận về trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.K
Liên quan đến yêu cầu Vietinbank bồi thường tiền gốc và lãi 200 tỷ đồng của đại diện và 4 nhân viên Navibank, luật sư Nguyễn Văn Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích của Vietinbank cho rằng, có nhiều sai phạm khi Navibank đem tiền gửi tại Vietinbank. Đó là Navibank ký với nhân viên của ngân hàng này; việc chỉ đạo nhân viên vay tiền theo hợp đồng tiêu dùng rồi đem gửi…
Cũng theo luật sư Trung, việc chuyển tiền lãi suất ngoài hợp đồng cũng được thực hiện sau khi Navibank thực hiện mở tài khoản.
Theo ông Trung, các nhân viên Navibank cho thấy, họ không biết gì về tài khoản, số tiền gửi mà hoàn toàn giao khoán cho Huyền Như và cán bộ của Navibank. Hành vi này đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước và đã để mặc cho Huyền Như sử dụng.
Luật sư Trung cho biết thêm, Navibank đã thu lợi bất chính số tiền khoảng 25 tỷ đồng, thực chất số tiền này do Huyền Như phạm tội mà có. Cũng chính vì những lý do trên, ông Trung đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Navibank và nhân viên Navibank.
Còn đối với trường hợp kháng cáo của Công ty Hưng Yên yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền của công ty này bị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Vietinbank cho rằng công ty này có hàng loạt sai phạm các quy định về gửi tiền.
Luật sư cho rằng việc gửi tiền vào Vietinbank là hậu quả của hàng loạt sai phạm trong thỏa thuận giữa Công ty Hưng Yên và Huyền Như. Tiền Công ty Hưng Yên gửi cho Vietinbank thông qua thỏa thuận với Huyền Như là tài sản của Ngân hàng Hàng hải. Do vậy khi gửi tiền, chủ tài khoản đã có thái độ bỏ mặc.
Theo luật sư Trung, với thỏa thuận gửi tiền này, Công ty Hưng Yên, Ngân hàng Hàng hải đã thu lợi bất chính số tiền 17 tỷ đồng. Ông Trung cho rằng, án sơ thẩm tuyên đối với Công ty Hưng Yên là đúng quy định pháp luật, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Hưng Yên.
Còn luật sư Trương Xuân Tám, cùng bảo vệ cho Vietinbank, cho rằng số tiền 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông bị chiếm đoạt là tài sản của một ngân hàng mượn tài khoản của Công ty Phương Đông để gửi tiền lấy lãi. Theo quy định, việc tổ chức tín dụng ủy thác gửi tiền để lấy lãi suất là điều Ngân hàng Nhà nước cấm. Cho nên theo ông Tám, dòng tiền này là vi phạm và đây là nguyên nhân của hành vi lừa đảo. Về trách nhiệm của Vietinbank với số tài sản này, ông Tám cho biết Vietinbank không biết sự việc nên không thể quy kết trách nhiệm cho Vietinbank.
Riêng đối với kháng cáo của Công ty bảo hiểm Toàn Cầu yêu cầu Vietinbank bồi thường 125 tỷ đồng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích Vietinbank đã trích dẫn bút lục cho rằng, Công ty Toàn Cầu liên hệ với Huyền Như để gửi tiền vào Vietinbank, giao dịch thỏa thuận sau đó giữa Công ty Toàn Cầu và Huyền Như đều được thực hiện tại quán cà phê. Điều này dẫn đến các hành vi làm giả chữ ký của Huyền Như để Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Quan điểm của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Vietinbank cho rằng giao dịch của Công ty Toàn Cầu đều thực hiện với Huyền Như, người của Huyền Như, không thực hiện với Vietinbank. Trong hợp đồng ủy thác đầu tư của Công ty Toàn Cầu cũng thực hiện giao toàn quyền tài khoản của mình cho Huyền Như mà không quản lý tài sản của mình, công ty này cũng đã có tài khoản tại Vietinbank nhưng các hợp đồng ủy thác gửi thông qua Huyền Như lại là tài khoản khác, giao dịch mở tài khoản không trung thực…
Do đó, luật sư của Vietinbank cho rằng, Công ty Toàn Cầu phải chịu trách nhiệm về số tiền bị mất. Vietinbank không chịu trách nhiệm về số tiền 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu bị Huyền Như chiếm đoạt.
Các luật sư khác bảo vệ quyền và lợi ích cho Vietinbank tại phiên tòa đều đưa ra những quan điểm bác các cáo buộc cho rằng Vietinbank phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978), nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam (Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM). Năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các khách hàng.
Từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty rồi sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân. Tổng cộng Huyền Như và các đồng phạm đã chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.
Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.