Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân quấy rối, xâm nhập biên giới Việt Nam
Theo đại tá Huỳnh Chiến Công - Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 330, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), trong lúc quân và dân ta đang tập trung ổn định đời sống, phát triển đất nước, tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari đã đưa quân đánh chiếm một số đảo ở vùng biển Tây Nam và biên giới trên bộ của nước ta.
Ngày 7.1.1979, các lực lượng của Quân khu 9 phối hợp với các lực lượng có liên quan giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh (Ảnh: IT)
Từ ngày 3.5 đến 5.5.1975, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà cướp tài sản, giết hại dã man đồng bào ta, bắt đi gần 600 người dân.
Ở tuyến biên giới trên bộ, chúng đưa quân quấy rối, xâm nhập biên giới, tung dư luận sẽ lấy lại 6 tỉnh Nam Bộ của nước ta.
Không dừng lại ở đó, đêm 30.4.1977, quân Pôn Pốt bất ngờ nổ súng tiến công vào lãnh thổ Việt Nam. Trên địa bàn Quân khu 9, chúng tiến công vào tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang với các hướng chủ yếu vào huyện Bảy Núi, sau đó đánh qua Vĩnh Ngươn, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội đến Phú Hữu, Vĩnh Xương huyện Phú Châu.
Chúng bao vây, đánh chiếm một số đồn biên phòng và các chốt của ta như: Mương Hội Đồng, chốt Vạt Lài (xã Khánh Bình); đồn Cua Dâu và Bắc Đai (Nhơn Hội); chốt chùa Thầy Bảy, chốt Vĩnh Thành (xã Vĩnh Xương); dùng hỏa lực đánh mạnh vào các đồn Long Bình, Đông Đức, Xóm Chùa, Vĩnh Xương của huyện Phú Châu.
"Lúc này, trên địa bàn Quân khu 9, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari tiến công vào 14 trong tổng số 16 xã dọc biên giới tỉnh An Giang. Đánh chiếm đến đâu chúng bắn giết nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà, cướp của đến đó..." - Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng - Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 9 nói.
Quân khu 9 tung lực lượng phản công
Đại tá Huỳnh Chiến Công cho biết, trước hành động xâm lược của địch, đêm 30.4.1977, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 ra lệnh cho Sư đoàn 330 đưa Trung đoàn 1 cơ động lên biên giới đánh địch. Ngay khi có lệnh, Trung đoàn 1 đã đến biên giới, phối hợp với hai tiểu đoàn tỉnh An Giang đánh địch, khôi phục được Bắc và Tây sông Bình Di. Sau đó, được không quân và pháo binh chi viện, tiếp tục đánh địch, khôi phục toàn bộ biên giới khu vực Phú Châu và Bắc Đay đến Long Bình (dài 11km).
Cũng theo Đại tá Huỳnh Chiến Công, tháng 6.1977, khi địch chuyển hướng tiến công, đánh vào khu vực Bắc Hà Tiên và tuyến Giang Thành - Vĩnh Điều, làm bàn đạp đánh chiếm thị trấn Hà Tiên (Kiên Giang). Lực lượng ta ở khu vực này có Tiểu đoàn 207 đã ngăn chặn, đánh bại các mũi tiến công vào Hà Tiên của địch ngay từ đầu.
Các lực lượng của Quân khu 9 phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia phối hợp đánh địch .(Ảnh: IT)
"Ở đoạn Vĩnh Điều - Đầm Chích (Kiên Giang), địch chiếm được một đoạn dài 3km. Lúc này, Sư đoàn 330 đã sử dụng Trung đoàn 2, Trung đoàn 3 và một số tiểu đoàn trực thuộc tổ chức trận đánh hợp đồng tiêu diệt toàn bộ các đơn vị địch tại Đầm Chích, còn các vị trí khác địch hoảng sợ bỏ chạy" - Đại tá Huỳnh Chiến Công thông tin.
Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đến tháng 12.1978, Pôn Pốt đã huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn biên giới. Trước hành động dã man của chúng, quân và dân Quân khu 9 đã mở cuộc tổng phản công và tiến công, phá vỡ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã ba cụm quân chủ lực án ngữ các trục đường tiến vào Thủ đô Phnôm Pênh - đầu não của chế độ diệt chủng. Đến lúc 17h ngày 7.1.1979, các lực lượng của Quân khu 9 phối hợp với Quân đoàn 4 và các lực lượng có liên quan giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh.
Diệt gọn từng đơn vị quân địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Theo Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, trong cuộc tổng phản công trên, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu mà Bộ Quốc phòng giao. Qua đó, đã giải phóng gần nửa triệu dân Campuchia. Mặc dù thời gian gấp, song các đơn vị của Quân khu đã làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, bảo đảm bí mật, bất ngờ, tập trung đủ mạnh để giải quyết các mục tiêu theo quy định.
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng nhận định, từ thực tiễn cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tham gia tổng phản công đập tan chế độ diệt chủng, lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng rất cao, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu được giao, đã tô thắm thêm truyền thống "Quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu” của lực lượng vũ trang Quân khu.
Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng nói về lực lượng Quân khu 9 trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 28.12 tại An Giang, Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng cho biết, quân Pôn Pốt tấn công vào lãnh thổ nước ta với quy mô ngày càng lớn, làm cho tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng.
"Chỉ tính từ ngày 30.4.1975 đến tháng 6.1977, chúng đã xâm phạm biên giới trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người", những cuộc tiến công của quân đội Pôn Pốt không phải là hành động bột phát, mà có sự chỉ đạo mang tính hệ thống với hành động vô cùng tàn bạo. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, lực lượng vũ trang Quân khu 9 cùng với các lực lượng có liên quan tổ chức phản công mạnh, diệt gọn từng đơn vị quân địch, giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng" - Nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.