|
Tiêu huỷ lợn mắc bệnh tai xanh tại Long An chiều 22- 7. |
Dịch lan rộng
Trong số 9 tỉnh trên cả nước đang có DTX, khu vực phía Nam có 4 tỉnh với gần 9.000 con lợn bị bệnh. Nhận định của Cục Thú y là việc lây lan DTX ở miền Nam lần này có khả năng do việc vận chuyển lợn từ miền Bắc và Trung vào tiêu thụ. Công tác quản lý ổ dịch còn yếu kém nên nhiều hộ chăn nuôi bán chạy lợn mắc bệnh làm dịch lan rộng...
Theo xác minh của cơ quan Thú y vùng VII, DTX tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bắt đầu từ ngày 11-6 tại một hộ chăn nuôi 18 con. Mãi 2 tuần sau thì Trạm thú y huyện mới phát hiện, lúc này chủ hộ chăn nuôi đã bán chạy 2 con nái sinh sản. Trong khoảng thời gian này, lợn của 2 hộ chăn nuôi khác cùng huyện Mỹ Xuyên cũng bị nhiễm bệnh.
Kết quả phân tích dịch tễ học của Cục Thú y cho thấy, typ virus gây DTX năm nay có sự tương đồng với virus được phân lập ở… Trung Quốc năm 2009. Việc này cho thấy virus gây ra đợt bệnh lần này có khả năng mới xâm nhập vào VN.
Tại Tiền Giang, ổ dịch đầu tiên phát hiện ngày 19-6 tại một hộ chăn nuôi ở huyện Châu Thành, chỉ trong vòng 3 tuần bệnh đã lan ra 74 hộ với gần 2.000 con mắc bệnh.
Tính đến thời điểm này, dịch bệnh tại Tiền Giang đã xuất hiện tại 400 hộ chăn nuôi ở 6 huyện. Tại Bình Dương, dịch được phát hiện vào ngày 14-7, khi chủ hộ đã bán chạy 13 con nái mắc bệnh…
Ngày 22-7, UBND tỉnh Long An chính thức công bố DTX trên địa bàn TP.Tân An. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, trên địa bàn phường 5, TP. Tân An xuất hiện lợn chết hàng loạt với các triệu chứng của DTX.
Chi cục Thú y Long An tiến hành tiêu hủy trên 200 con lợn tại khu phố Nhơn Hòa, tiến hành làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên diện rộng, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trên kênh, rạch ở phường 5, xã Nhơn Thạnh Trung, xã Hướng Thọ Phú xuất hiện ngày càng nhiều xác heo chết bị vứt bừa bãi.
Người chăn nuôi méo mặt
Ông Nguyễn Văn Đấu (xã Tam Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang) có đàn lợn 100 con khoẻ mạnh đang tới kỳ thu hoạch vẫn không bán được vì lệnh cấm mua bán lợn trong vùng dịch. “Giá thức ăn đang tăng, giá lợn hơi đang rớt thê thảm. Với tình hình này ôm bầy lợn thêm ngày nào thì lỗ thêm ngày đó.
Đến khi được phép bán thì thương lái sẽ ép giá vì lợn quá lứa, rất khó bán” - ông Đấu than. Ngay tại Bến Tre, dù không có dịch nhưng người chăn nuôi vẫn khốn đốn vì lợn rớt giá. Ông Lê Tấn Hữu – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bến Tre cho biết, tại Mỏ Cày giá lợn hơi chỉ còn 23.000 đồng/kg, tại một số huyện khác giá thậm chí còn 20.000 đồng/kg. “Với giá này, người chăn nuôi lỗ” - ông Hữu nói
Theo ông Phạm Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM, mấy ngày qua, tại các chợ đầu mối TP. HCM có tình trạng “dội chợ” khi lượng lợn thịt tăng đột biến. Do tâm lý bán đổ bán tháo nên cuối các phiên chợ giá thịt chỉ còn 21.000 đồng/kg.
Lúng túng hỗ trợ nhà nông
Hôm qua, 22-7, ông Diệp Kỉnh Tần – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu không làm quyết liệt, nguy cơ bùng phát DTX trên diện rộng tại khu vực các tỉnh phía Nam rất cao. Đáng lo ngại, hiện nay, một số địa phương vẫn còn rất lúng túng trong phòng chống cũng như phương án hỗ trợ hộ chăn nuôi.
Theo ông Cao Văn Hoá – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đối với các hộ chăn nuôi có đăng ký thì mức hỗ trợ tiêu huỷ khi có dịch là 25.000 đồng/ kg. Với các hộ chăn nuôi không đăng ký, mức hỗ trợ tiêu huỷ là 50% (12.500 đồng/kg). Trong khi đó, ông Đinh Văn Thế - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An cho biết, các hộ chăn nuôi không đăng ký ở tình này sẽ không có hỗ trợ…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng cần có sự hỗ trợ bình đẳng với tất cả các hộ chăn nuôi: “Hỗ trợ 25.000 đồng/kg thì hộ chăn nuôi cũng vẫn lỗ nặng, nếu giảm xuống còn 50% hoặc không hỗ trợ chắc chắn người dân sẽ bán chạy làm dịch bệnh thêm phức tạp”.
Hữu Danh – Phương Dung - Trúc Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.