Lương chưa xứng với sức lao động

Thứ hai, ngày 21/02/2011 16:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước tình trạng đình công và bỏ việc của công nhân đang gia tăng, phóng viên NTNN đã trao đổi với TS Đặng Quang Điều– Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Bình luận 0

TS Đặng Quang Điều cho biết, đúng là thời gian qua, số vụ đình công có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn. Lý do hầu hết là vì lương thấp. Hiện một số doanh nghiệp trả lương rất rẻ mạt, mức lương không đủ sống, hoặc công nhân bỏ việc, hoặc họ đình công đòi tăng lương, đây cũng là yêu cầu chính đáng của người lao động.

img

Lao động đình công tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) ngày 17.1.2011.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp FDI lại cho rằng, lương tối thiểu của lao động trong doanh nghiệp FDI là cao nhất nên không cần phải điều chỉnh nữa. Theo ông, có “vấn đề” gì về lương trong khối doanh nghiệp này?

Ở doanh nghiệp FDI hay vi phạm Luật Lao động và việc thành lập công đoàn có khó khăn hơn. Theo báo cáo mới nhất, tỉ lệ doanh nghiệp FDI có công đoàn cơ sở chiếm khoảng 60%, Tổng Liên đoàn Lao động đang phấn đấu hết nhiệm kỳ Đại hội 10 sẽ đạt tỉ lệ 70% doanh nghiệp FDI có tổ chức công đoàn. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động sẽ có kiến nghị để Luật Công đoàn và các luật khác phải có những cơ chế rõ ràng để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và cán bộ công đoàn để họ toàn tâm toàn ý bảo vệ người lao động.

- Quả thực là trước đây người ta cứ nghĩ làm việc ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiền lương sẽ cao. Tuy nhiên, thực chất lại không phải như vậy, hiện chỉ những người lao động làm công tác quản lý, trình độ chuyên môn tay nghề cao, lao động kỹ sư, quản lý… trong doanh nghiệp FDI mới có lương cao.

Còn những người lao động trực tiếp, lao động phổ thông tại các doanh nghiệp này hiện đang hưởng mức lương rất thấp, không đủ cho sinh hoạt. Thậm chí, có những doanh nghiệp bằng nhiều cách thức khác nhau, họ hạch toán để lỗ, vừa trốn thuế lại vừa không phải tăng lương và chi tiền thưởng cho người lao động.

Trong thời gian vừa qua, hầu hết các cuộc đình công tập trung ở doanh nghiệp FDI (chiếm tới 70%). Qua đó, chứng tỏ là khu vực này trả lương cho người lao động không cao.

Theo một đại diện Bộ LĐTBXH, lương của công nhân FDI ở VN bằng khu vực nên không thể điều chỉnh tăng tiếp vì ảnh hưởng tới thu hút đầu tư. Theo ông, đây có phải lý do để khống chế lương lao động?

- Theo tôi, lương và mức sống của người lao động Việt Nam không thể so sánh với các nước trong khu vực. Hiện tại, theo công bố của một số tổ chức quốc tế, tiền lương của người lao động Việt Nam tăng cao hơn so với tiền lương của người lao động trong khu vực.

Tuy nhiên, họ chưa nghiên cứu kỹ toàn diện các yếu tố ảnh hưởng khác như: Chỉ số giá tiêu dùng, nhu cầu thực tế của người lao động, quan hệ cung-cầu lao động, mức tăng tiền công thị trường… Thực tế, ở nước ta giá cả sinh hoạt tăng rất cao, như năm 2010 chỉ số CPI tăng hơn 10%, cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Vì thế, nếu chỉ nói lương tăng cao hơn các nước trong khu vực thì chưa phân tích khoa học và không thuyết phục. Để tránh xung đột lao động và tạo động lực để người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần nghiên cứu toàn diện để đưa ra mức lương xứng đáng với công sức của người lao động bỏ ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem