Lương tối thiểu vùng khối DN: Ủng hộ phương án tăng cao nhất

Thứ ba, ngày 28/08/2012 08:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 27.8, Bộ LĐTBXH tổ chức lấy ý kiến các sở LĐTBXH, công đoàn và doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Bắc về việc tăng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến hôm qua tán thành phương án 1, cũng là phương án đã được các tỉnh miền Trung, miền Nam tán thành.

Lương thực tế đã cao hơn lương dự kiến

img
Tăng lương, công nhân sẽ có điều kiện tăng mức sống. 

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, việc điều chỉnh lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) chung do Chính phủ đề ra. Thực tế, đa số các DN đã trả cho người lao động mức lương cao hơn so với mức lương sắp điều chỉnh. Tuy nhiên, mức lương mới sẽ là căn cứ để doanh nghiệp đóng BHXH, BH thất nghiệp. Sau khi xem xét 2 phương án điều chỉnh LTT vùng do Bộ LĐTBXH đề xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị lựa chọn phương án 1.

Hai phương án được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến

Phương án 1: DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 1 dự kiến tăng từ 2.000.000 đồng/tháng hiện nay lên 2.700.000 đồng/tháng; vùng 2 tăng từ 1.780.000 đồng lên 2.400.000 đồng, vùng 3 tăng từ 1.550.000 đồng lên 2.130.000 đồng, vùng 4 tăng từ 1.400.000 đồng lên 1.930.000 đồng.

Phương án 2: Tương tự mức điều chỉnh của vùng 1 sẽ là 2.500.000 đồng, vùng 2 là 2.250.000 đồng, vùng 3 là 1.950.000 đồng và vùng 4 là 1.800.000 đồng.

Phương án này cũng nhận được sự tán đồng của nhiều Sở LĐTBXH và LĐLĐ các tỉnh. Theo các đại biểu này, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã trả lương cho người lao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, cho nên việc điều chỉnh mức LTT lần này tuy có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Hà Nội nêu thực tế, 6 tháng đầu năm 2012, khu vực này có 12 doanh nghiệp công nhân liên tục đình công vì lương thấp, dù mức lương họ đang hưởng đã cao hơn LTT rất nhiều.

Vì vậy, tăng lương theo phương án 1 chính là cách để hài hòa lợi ích. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lo ngại, từ giờ tới cuối năm, kinh tế sẽ diễn biến theo hướng khó khăn nên việc tăng lương chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Mai Anh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình phản bác: “Tăng lương sẽ tăng mức sống, như vậy người lao động có điều kiện để tạo ra những sản phẩm tốt hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Bà Anh cũng kiến nghị: Song song với việc tăng lương thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chú ý đến việc thanh tra, kiểm tra việc xây dựng thang bảng lương tại các doanh nghiệp. Vì hiện nay các doanh nghiệp chỉ áp dụng LTT mà không có bảng lương cho người có thâm niên, có tay nghề thì người lao động sẽ rất thiệt thòi”.

Loại bỏ doanh nghiệp kém cạnh tranh

Đề cập tới sức ép về việc tăng lương mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể phải gánh chịu, ông Bùi Quang Hồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện lộ trình tái thiết sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thì việc phân loại, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, không có khả năng cạnh tranh là điều cần thiết”.

Ông Yoon Young Mo - cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, cần xem xét, cân nhắc thêm về phương án, thời điểm tăng LTT?để đảm bảo quyền lợi của các bên: “Thay vì lùi thời hạn tăng lương, Chính phủ chỉ nên cân nhắc giảm thiểu hậu quả từ việc tăng lương gây ra và tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”.

Ông này cũng cho rằng: “Một khi các doanh nghiệp không đủ sức mạnh về tài chính để trả lương cho người lao động, không còn khả năng cạnh tranh thì cũng nên để họ phá sản. Nguồn vốn này sẽ được tái đầu tư cho các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem