Vị quan hai lần dâng khải khuyên chúa Trịnh sửa đức, được sử gia Phan Huy Chú hết lời ca ngợi

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 06/07/2024 19:00 PM (GMT+7)
Sáng 6/7, hội thảo "Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông" đã diễn ra tại Thanh Hoá. Gần 30 tham luận đã góp phần đánh giá một cách toàn diện cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, vai trò của Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc.
Bình luận 0

Danh nhân Lưu Đình Chất (1566 - 1627) người làng Quỳ Chử, huyện Hoằng Hoá, trấn Thanh Hoa (nay là thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, Hoàng Hoá, Thanh Hoá). Nhờ cha làm đại thần, ông được vào làm quan triều Lê; khi đậu thi Hương, ông được bổ nhiệm làm Cấp sự trung Lại khoa (Chánh bát phẩm). Năm 1607, ông thi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) cùng 4 người đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Năm 1613, ông được thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá, được cử làm Chánh sứ sang cống nhà Minh. Khi về nước được thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Nhân Lĩnh hầu.

Lưu Đình Chất 2 lần dâng khải khuyên chúa Trịnh sửa đức, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi- Ảnh 1.

Tượng danh nhân Lưu Đình Chất tại đình Đông Khê, Thanh Hóa. Ảnh chụp màn hình.

Năm 1614, Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thuỷ, Nam Định đã xuất tiền đắp đê, lấn biển lập ra 12 làng xã, trong đó có hai làng Hạ Cát (xã Hồng Thuận) và Diêm Điền (xã Bình Hoà), huyện Giao Thuỷ.

Lưu Đình Chất hai lần dâng khải lên chúa Trịnh Tùng xin hoãn tuyển binh ở Thanh Hoá (năm Bính Thìn - 1616) vì hai vụ lúa đều mất mùa do bị thiên tai, làm cuộc sống dân chúng bị đói khổ và xin "sửa đức để tránh điều tai dị" (năm Mậu Ngọ - 1618) vì khó khăn kéo dài liên tiếp ba năm.

Năm Quý Hợi (1623), ông có công lớn trong việc dẹp loạn Hoàng tử Vạn quận công Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử, được chúa Trịnh Tráng biết tài và mến đức. Ông được thăng Đô ngự sử, sau đó là Thượng thư bộ Hộ, Tả lý công thần, đưa vào phủ chúa làm Tham tụng (Tể tướng, chức đứng đầu quan văn), hàm Thiếu bảo, gia tước Phúc quận công. Tiến sĩ Lưu Đình Chất là nhà thơ lớn, đã để lại 19 bài thơ cận thể trong Toàn Việt thi lục. Năm 1627 ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư.

Lưu Đình Chất với sứ thần Triều Tiên trong lần đi sứ 1613

Trong bài tham luận của mình, GS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, đề cập đến sự nghiệp của danh nhân Lưu Đình Chất không thể không đề cập đến hoạt động bang giao của ông qua chuyến đi sứ triều nhà Minh năm 1618.

Lưu Đình Chất 2 lần dâng khải khuyên chúa Trịnh sửa đức, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi- Ảnh 2.

Hội thảo "Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông" đã diễn ra tại Thanh Hoá sáng 6/7. Ảnh: YK

Sự kiện này được bộ quốc sử thời Lê, Đại Việt sử kí toàn thư chép như sau: "Năm Quý Sửu, Hoằng Định thứ 14 (1613) mùa Hạ tháng 4, sai đoàn sứ bộ gồm Chánh sứ Lưu Đình Chất và Nguyễn Đăng, cùng phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chánh, Nguyễn Sư Khanh sang tuế cống nhà Minh".

"Chúng ta biết rằng, theo thể lệ bang giao với triều đình phương Bắc, triều đình Đại Việt phải cử đoàn đi sứ để thực hiện nhiệm vụ bang giao, hiếu hảo, đặc biệt là đi sứ tuế cống, nghĩa là cống sản vật theo định lệ là 3 năm một lần. Thực tế, nhà Lê Trung hưng lấy lại ngôi nhà Mạc năm 1593, nhưng đến năm 1597 mới sai Phùng Khắc Khoan mang sản vật sang cống nhà Minh.

Sau đó đến năm 1606 sai Ngô Trí Hòa 6 người sang dâng 2 lễ cống, năm 1613 sai Lưu Đình Chất cũng đi sứ dâng 2 lễ cống. Hai lễ cống có nghĩa là đi sứ một lần nhưng mang hai lễ cống cho hai kỳ tuế cống, bởi mỗi kỳ tuế cống được định lệ 3 năm, nhưng sau sáu năm mới có chuyến đi sứ.

Trong chuyến đi tuế cống này, Lưu Đình Chất làm Chánh sứ, còn Nguyễn Đăng làm phó sứ. Cả hai đều có cuộc giao lưu với sứ giả Triều Tiên và cùng họa thơ của nhau. Những bài thơ này được nhà bác học thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn sưu tập trong tổng tập thơ chứ Hán Toàn Việt thi lục. Thơ của Lưu Đình Chất có tiêu đề Giản Triều Tiên quốc sứ Lý Đẩu Phong chứa đựng nỗi niềm những người xa quê hương gặp nhau đất khách quê người. Cùng chức phận, cùng gánh vác trọng trách của quốc gia giao phó, nhưng hết mực tự hào và thể hiện văn hiến quốc gia.

Thông qua những lần giao kiến, sử thần Việt Nam Lưu Đinh Chất và sứ thần Triều Tiên Lý Đầu Phong đã tạo nên một mối thâm giao, tri kỷ được thể hiện qua những vần thơ dạt dào cảm xúc, đầy tự hào dân tộc.

Sau cuộc tiếp xúc giữa sử thần Việt Nam Phùng Khắc Khoan với sử thần Triều Tiên Lý Toái Quang năm 1597, cuộc hội kiến của Lưu Đình Chất và Lý Đầu Phong năm 1613 đã đặt nền móng ban đầu cho mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Mối quan hệ ấy ngày càng được củng cố và nâng cao ở các thế kỷ sau, gần với các đoàn sứ bộ của hai nước tại Yên Kinh", GS Đinh Khắc Thuân chia sẻ.

Người luôn canh cánh nỗi lòng thương dân, lo cho nước

PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, tác giả Phan Huy Chú trong bộ Bách khoa thư Lịch triều hiến chương loại chí (phần Nhân vật chí, mục Người phò tá có công lao tài đức), ghi chép về các danh nho, danh thần tiêu biểu của cả nước từ thời Lý (1009-1225) đến hết thời Lê Trung hưng (1789) gồm 72 người (4 người thời Lý, 10 người thời Trần, 18 người thời Lê sơ, 1 người thời Mạc và 39 người thời Lê Trung hưng).

Trong số 72 danh nho, danh thần tiêu biểu, Lưu Đình Chất được Phan Huy Chú đánh giá và khẳng định sự cống hiến của ông chủ yếu trên lĩnh vực chính trị, bang giao. Cuộc đời hoạt động chính trị của Lưu Đình Chất rất đa dạng và đa diện nên thư tịch cổ (chính sử, tạp ký…) ghi chép về ông khá nhiều.

Lưu Đình Chất 2 lần dâng khải khuyên chúa Trịnh sửa đức, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi- Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo về danh nhân Lưu Đình Chất diễn ra tại Thanh Hoá. Ảnh: YK

"Có thể nói, cuộc đời làm quan của Lưu Đình Chất khá hanh thông và bằng phẳng. Sở dĩ hoạn lộ của ông rộng mở, thăng trải nhanh trước hết là do tài năng, đức độ, tấm lòng trung trinh phụng sự vương triều, phụng sự đất nước (thể hiện qua nội dung bài khải lên chúa Trịnh Tùng năm 1618); một phần là do ông gặp được những người cầm quyền chính lúc bấy giờ rất biết trọng dụng những bậc tài năng và có nhân cách. Đó là Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng và Văn tổ Nghị vương Trịnh Tráng. 

Những nhận xét đánh giá của Phan Huy Chú đã lý giải thêm một điều, thời kỳ Trịnh Tùng và Trịnh Tráng cầm quyền, ở Đàng Ngoài xuất hiện khá nhiều nhà chính trị tài năng như: Nguyễn Thực, Nguyễn Nghi, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì, Phạm Công Trứ. Trong số đó, Lưu Đình Chất, được đánh giá là người liêm, cần, trung, chính, giàu lòng nhân ái; là nhân vật lịch sử tiêu biểu của thời đại", PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học cũng cho rằng, Hoàng giáp Lưu Đình Chất không chỉ là nhà ngoại giao giỏi, Chánh sứ sang nhà Minh năm 1613, "không làm nhục mệnh vua", mà còn là vị quan thanh liêm, luôn luôn canh cánh nỗi lòng thương dân, lo cho nước.

Sử cũ của nước ta chép chỉ trong khoảng 3 năm (1616-1618), quan Lại bộ Hữu Thị lang Lưu Đình Chất đã dâng 2 tờ khải lên chúa Bình An vương Trịnh Tùng: "Kính xin lấy lòng kính trời, thương dân, tạm dừng việc đòi thêm lính để làm điều nhân chính. Như thế thì đẹp lòng dân, được ý trời, khí hòa điềm lành, mưa móc thuận thời, lúa má tươi tốt, nhân dân được hưởng phúc lành no đủ, thế nước vững như bàn thạch Thái Sơn mà con cháu được hưởng phúc mãi không cùng…" (Lời Khải dâng tháng 9 năm Bính Thìn – 1616).

"… Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời, thương yêu dân mọn, một chút có lợi cho dân đều nên làm, một tệ gì có hại cho dân đều nên bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính đối với dân…" (Lời Khải dâng tháng 10 năm Mậu Ngọ - 1618).

"Qua những lời Khải dâng lên chúa Trịnh Tùng của Lưu Đình Chất trên đây, ngày nay chúng ta thấy phẩm chất: Thanh (thanh liêm, trong sạch), Thận (thận trọng, cẩn thận), Cần (cần mẫn, chăm chỉ) trong con người của ông. Và, việc ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh năm 1613, chuyến đi sứ ấy thành công tốt đẹp là điều dễ hiểu. Xưa nay, những kẻ sĩ vừa có tài vừa có đức, bao giờ cũng làm tốt công việc mà Nhà nước và dân tộc giao phó. Hoàng giáp Lưu Đình Chất chính là một người trong số đó, vì thế, ông xứng đáng nhận được sự tôn trọng và lòng tri ân của lớp người hậu thế chúng ta hôm nay và mai sau", PGS.TS. Nguyễn Minh Tường phát biểu.

TS. Nguyễn Hữu Tâm - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc đánh giá: "Các bài Khải của Lưu Đình Chất - một vị khoa bảng cự phách, một trọng thần lương đống của triều Lê - Trịnh đã thể hiện rõ tấm lòng lo lắng đau đáu đối với thời cuộc, về vận mệnh của đất nước, đặc biệt về cuộc sống hằng ngày của những người dân lao khổ trên mọi miền. 

Những kiến nghị thẳng thắn, không e dè, "trung ngôn nghịch nhĩ" của ông đã phần nào có tác dụng tích cực với tầng lớp thống trị như An Bình Vương Trịnh Tùng phải suy nghĩ tìm cách thay đổi phương thức quản lý vương triều cho phù hợp với bối cảnh xã hội đương thời". 

Lưu Đình Chất 2 lần dâng khải khuyên chúa Trịnh sửa đức, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi- Ảnh 4.

Khu lăng mộ của danh nhân Lưu Đình Chất ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hiện nay. Ảnh: YK

Hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gắn với danh nhân Lưu Đình Chất, tác giả Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy - cán bộ Bảo tàng Nam Định kiến nghị: "Sau hội thảo khoa học này, để tôn vinh công trạng của Dinh điền Chánh sứ Lưu Đình Chất, nhân dân huyện Giao Thuỷ (Nam Định) mong muốn tại tỉnh Nam Định có đường phố và trường học mang tên danh nhân lịch sử Lưu Đình Chất".

Đối với những di tích hiện có, gồm Đình Đông Khê, Từ đường dòng họ Lưu Đình, Khu Lăng mộ Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê (Thanh Hóa), cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng (Đình Đông Khê và khu lăng mộ được xếp hạng cấp tỉnh năm 1993, cùng với các di tích khác thành cụm di tích ở Quỳ Chử).

TS. Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa và nhiều tác giả khác đề nghị, cần đổi tên cho một trường học hiện nay (có thể là trường THPT Hoằng Hóa 2, hay trường THCS, trường Tiểu học xã Hoằng Quỳ mang tên Lưu Đình Chất. Trong ngân hàng tên đường phố của Hoằng Hóa, hay thành phố Thanh Hóa phải có tên danh nhân Lưu Đình Chất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem