Lý do các "ông lớn" xây dựng có lợi nhuận giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm

Thế Anh Thứ sáu, ngày 29/07/2022 06:37 AM (GMT+7)
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay khiến các "ông lớn" xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt, các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp xây dựng… "rất sợ".
Bình luận 0

Giá vật liệu tăng cao khiến lợi nhuận của "ông lớn" xây dựng giảm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân vốn đầu tư công bị chậm chỉ đạt 27,75% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng, giá xăng dầu, xi măng, sắt thép tăng cao khiến cho các "ông lớn" trong nhóm doanh nghiệp xây dựng có nửa đầu năm 2022 kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Điển hình là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ 2021 đạt 4.080 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HBC lại có biên lãi gộp giảm nghiêm trọng từ 6,1% cùng kỳ 2021 về dưới 3,3%.

Báo cáo tài chính cho thấy, HBC còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của HBC chỉ đạt 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2021 ở mức 58 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, HBC có doanh thu tăng trưởng 30% đạt 7.063 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 61 tỷ đồng, giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2022, HBC đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả nêu trên, HBC mới chỉ đạt 40% tiến độ doanh thu và mới chỉ đạt 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Lý do các "ông lớn" xây dựng lợi nhuận giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng. Ảnh: TA

Một "ông lớn" khác trong nhóm doanh nghiệp xây dựng cũng ghi nhận tín hiệu khả quan tới sự tăng trưởng là Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV).

Trong quý II/2022, HHV ước đạt doanh thu hợp nhất gần 500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 60 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận HHV đến từ các hoạt động thi công xây lắp, quản lý vận hành, hoạt động của các trạm thu phí BOT.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của HHV ước đạt doanh thu hơn 900 tỷ đồng. Theo đó, HHV ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 139 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ.

Tương tự, "ông lớn" Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – VINACONEX (HOSE: VCG) ghi nhận 6 tháng đầu năm đạt 5.000 tỷ đồng/14.000 tỷ đồng, tương đương 35,7%.

Trong 6 tháng đầu năm, VCG có doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng so với kế hoạch 11.300 tỷ đồng, tương đương 31,8%.

Tổng công ty 36 (Mã: G36) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,7 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ so với cùng kỳ năm 2021 đang thua lỗ 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, G36 vẫn thua lỗ hơn 2,6 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 10 tỷ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, TTL đạt 10 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 7 tỷ đồng.

Lý do các "ông lớn" xây dựng lợi nhuận giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Dự án đầu tư công gặp khó khi giá vật liệu tăng cao. Ảnh: Thế Anh

Doanh nghiệp xây dựng "rất sợ" dự án đầu tư công

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch.

Ông Hiệp chỉ ra nguyên nhân là do số lượng công việc 6 tháng qua dù có khá hơn năm 2021 song vẫn còn rất ít so với số lượng doanh nghiệp xây dựng đang cần.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng vướng mắc pháp lý khiến số dự án triển khai năm nay ít ỏi. Sở dĩ năm 2022 sáng hơn năm 2021 là do vốn FDI đổ vào Việt Nam khá nhiều, cùng với đó là Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh hơn.

Có thể nói lượng công việc do doanh nghiệp FDI mang lại cho ngành xây dựng là rất lớn, chiếm 30% tổng số công việc. Hiện có những dự án rất lớn, chẳng hạn như Lego ở Bình Dương có tổng giá trị gói thầu lên tới 400 triệu USD.

Về công việc từ vốn FDI, ông Hiệp chỉ ra rõ điều trục trặc là với các dự án có vốn FDI, chỉ có doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn mới vào được. Điều này dẫn tới tình trạng phân hóa trong ngành xây dựng.

Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh thì chết dần, thậm chí chết rất nhanh. Dù vậy, có thể nói công việc của khối ngoại chính là lối thoát cho doanh nghiệp xây dựng, ví như với VINACONEX, 80% công việc của họ là ở dự án của nước ngoài.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp xây dựng hiện không muốn làm dự án trong nước. Đặc biệt, các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp xây dựng… "rất sợ". Nguyên nhân chính là do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem