Lý do khiến cách tính tiền lương hưu giữa khu vực công - tư có sự khác biệt

Thùy Anh Thứ hai, ngày 15/05/2023 06:00 AM (GMT+7)
Dù cùng đóng BHXH cùng mức, nhưng lương hưu của công chức, viên chức và lao động làm trong khu vực công lại có sự khác biệt lớn so với lao động làm trong khu vực tư. Điều này do cách tính tỷ lệ BHXH hưởng lương hưu có sự khác biệt.
Bình luận 0

Lương hưu lao động khu vực tư thấp hơn công do cách tính dựa trên quá trình đóng BHXH 

Ông Bùi Quang Sơn, 63 tuổi (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, ông từng là công nhân của công ty cơ khí, ông có hơn 30 năm đóng BHXH. Ông cho biết, ông nghỉ hưu được 3 năm nhưng lương hưu khá thấp, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đấy, nhiều người bằng tuổi ông, cũng làm công việc tương tự nhưng mức lương hưu của họ cao hơn nhiều.

"Tôi là công nhân lao động, chỉ biết đi làm, già thì về hưu nhận lương hưu thôi, nhưng khi về hưu làm quyết định nghỉ hưu thì mới được cán bộ BHXH, cán bộ công ty phân tích chỉ cách tính lương. Họ nói lương hưu của tôi được tính bằng bình quân cả quá trình đóng BHXH. Bởi vậy mà mức lương thấp".

Trong khi đó, anh trai của ông cũng tham gia làm công nhân cho công ty vốn nhà nước và đóng BHXH từ năm 1997 thì lại có mức lương hưu cao hơn, dù tiền lương thực tế của anh trai ông thấp hơn nhiều so với ông Sơn.

"Vì là làm doanh nghiệp nhà nước, nên lúc về hưu anh tôi được tính lương hưu dựa trên tiền lương đóng BHXH 5 năm cuối. Lúc này lương thực tế theo hệ số của anh tôi khá cao, nên nền tiền đóng BHXH cũng cao. Vì thế giờ anh ấy về hưu mức lương hưu lên tới gần 7 triệu đồng", ông Sơn ngậm ngùi.

BHXH

Nhiều lao động khu vực tư chấp nhận thiệt thòi vì lương hưu chia theo tổng quá trình đóng BHXH. Ảnh: NN

Còn chị Nguyễn Thị Lan, 45 tuổi (Thanh Hóa), một lao động tự do cho biết trước đây chị là công nhân trong một công ty cổ phần vốn nhà nước. Chị tham gia BHXH được 14 năm, sau đó vì công việc ít, tiền lương thấp nên xin nghỉ việc không hưởng lương. Dù vậy, chị vẫn xin được tiếp tục đóng BHXH rồi ra ngoài xin làm lao động tự do với lý do đóng BHXH bắt buộc trong khu vực Nhà nước có lợi hơn đóng BHXH trong khu vực tư nhân.

"Tôi biết về nguyên tắc là không được, nếu tôi đi làm ở một công ty khác thì công ty cũng yêu cầu tôi đóng BHXH, thực tế có thời gian tôi đi làm ở công ty khác, công ty cũng đã đóng BHXH cho tôi dẫn tới tôi bị trùng sổ BHXH. Tuy nhiên, do muốn được đóng BHXH ở công ty nhà nước để sau này được tính lương hưu ở những năm cuối nên tôi vẫn duy trì sổ cũ", chị Lan kể.

Không hiếm những trường hợp như chị Lan, dù nghỉ việc ở các công ty vốn hóa nhà nước nhưng vẫn gửi sổ đóng BHXH tại đây với lý do cách tính lương hưu ở đơn vị này có sự khác biệt. Bản thân họ gần về hưu không muốn tham gia BHXH tự nguyện.

Chỉ nên điều chỉnh cách tính lương hưu dựa trên tổng quá trình tham gia BHXH ở khu vực công? 

Sở dĩ có sự khác biệt trong cách tính lương hưu như trên là bởi theo Luật BHXH năm 2014 quy định lương hưu lao động khối tư nhân tính cả quá trình đóng BHXH, trong khi khu vực nhà nước tính bình quân các năm cuối nên có sự chênh lệch lớn.

"Không thể tính lương hưu của khu vực tư như khu vực công - tức là không thể tính dựa trên 5 năm cuối mà cần điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực công theo nguyên tắc của thế giới, tính hương hưu theo toàn quá trình.

Tuy vậy, nên có sự tính toán, cân nhắc trong cách tính giữa 2 khu vực để không tạo ra sự khác biệt quá lớn. Đồng thời cũng tính toán dựa trên nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức hưởng lương hưu cao với người nhận lương thấp, nhằm tạo sự công bằng".

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội Quốc hội)

Theo quy định hiện nay, nếu người làm ở khu vực nhà nước, tùy thời gian bắt đầu tham gia BHXH, lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối là 5-10-20 năm. Chỉ những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025, sau này khi hết tuổi lao động, lương hưu mới được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng. Trong khi đó, lao động ở khu vực tư, từ trước đến nay, lương hưu đều tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia.

Trước thực tế đó, nhiều công nhân lao động đã kiến nghị cần có sự thay đổi cách tính lương hưu ở khu vực tư như khu vực công nhằm tạo ra sự công bằng trong cách tính lương hưu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng  đúng là cách tính lương hưu giữa hai khối công - tư hiện nay là không công bằng. Tuy nhiên đây là vấn đề tồn tại có tính lịch sử, không thể sửa một sớm một chiều được. 

Ông Huân lý giải, trước năm 1993, trợ cấp hưu trí chỉ dành cho người làm nhà nước với mức hưởng cao nhất lên đến 95% lương và phụ cấp của tháng cuối cùng làm việc. Chế độ BHXH giai đoạn này không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc đóng – hưởng mà còn là sự ghi nhận của nhà nước đối với quá trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức để sau khi nghỉ việc họ được hưởng khoản lương hưu, trợ cấp tương ứng thời gian công tác.

Năm 1993, khi Chính phủ ban hành Nghị định 43 chính thức mở rộng BHXH ra mọi thành phần kinh tế, lương hưu áp dụng cho khu vực tư, nguồn quỹ bắt đầu có sự đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Theo các tiêu chuẩn quốc tế, lương hưu phải dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, tức tính toàn bộ quá trình đóng.

đóng BHXH

Lao động làm khu vực tư đang được tính lương hưu dựa trên tổng quá trình đóng BHXH. Ảnh: N.T

Vào năm 1993, khi cách tính lương hưu của khối nhà  nước chuyển từ căn cứ vào phụ cấp, lương tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc thành bình quân 5 năm cuối, những lao động về hưu ở giai đoạn chuyển giao cũng phản ứng, so bì thiệt hơn.

"Nhưng xử lý như thế nào với người trong khu vực nhà nước", ông Huân đặt câu hỏi. Thời điểm đó đã có rất nhiều tranh luận giữa những người làm chính sách về cách tính này. Nếu áp dụng ngay nguyên tắc đóng – hưởng sẽ gây ra cú "sốc" lớn, rất dễ gây ra làn sóng nghỉ việc ở khu vực công. Do đó, cách tính lương hưu khu vực này buộc phải điều chỉnh dần dần.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng sở dĩ có sự khác biệt này là bởi quá trình điều chỉnh chính sách trong lịch sử.

"Nhìn một cách khách quan thì điều này cũng không hẳn là không công bằng. Bởi vì lương khởi điểm tính theo hệ số của cán bộ, công chức, viên chức, những người làm trong khu vực nhà nước rất thấp. Định kỳ 3 năm một lần mới được tăng lương, thường giai đoạn cuối tiền lương mới cao hơn chút. Trong khi đó, lương khu vực tư nhân thì tính dựa trên sự thỏa thuận, đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng (hơn 3,2 triệu đồng tới hơn 4,6 triệu đồng/tháng)", bà Hương phân tích.

 Cũng theo bà Hương, thực tế, nhiều lao động ở doanh nghiệp tư, doanh nghiệp FDI có mức đóng BHXH rất cao, đóng trên tổng tiền lương nên chắc chắn khi lao động về hưu tiền lương thực tế cũng rất cao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hải Nam - Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), cho rằng sự khác biệt giữa cách tính lương hưu khu vực công, tư đang được thu hẹp dần theo lộ trình đã quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và 2014 khi tiến tới tất cả đều tính bình quân cả quá trình đóng. Lương hưu của người lao động khu vực tư có thể chưa công bằng khi so sánh với khối công, song so với khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội thì không hề thiệt thòi bởi tuân thủ theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Khoản 1, Điều 62 Luật BHXH 2014 quy định: Người lao động làm, nhận lương theo và đóng BHXH toàn thời gian theo chế độ của nhà nước quy định, lương tháng bình quân đóng BHXH tính lương hưu như sau:

Tham gia BHXH trước 1/1/1995 sẽ tính bình quân lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước nghỉ hưu; tham gia từ 1/1/1995 – 31/12/2000 tính bình quân lương 6 năm cuối; tham gia từ 1/1/2001 – 31/12/2006 tính bình quân lương 8 năm cuối; tham gia từ 1/1/2007 – 31/12/2015 tính bình quân lương 10 năm cuối; tham gia từ 1/1/2016 – 21/12/2019 tính bình quân lương 15 năm cuối; tham gia từ 1/1/2020 – 31/12/2024 tính bình quân lương 20 năm cuối; tham gia từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân lương toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Khoản 2, Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động có toàn thời gian làm và đóng BHXH theo chế độ lương do doanh nghiệp quy định thì lương hưu tính trên cơ sở bình quân toàn thời gian đóng.

Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH theo lương của cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, lương hưu tính trên bình quân lương tháng đóng BHXH chung của cả 2 giai đoạn. Trong đó, thời gian đóng theo lương nhà nước được tính như quy định tại Khoản 1 kể trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem