Lý do làn sóng Covid-19 bùng phát chưa từng thấy ở Ấn Độ là vấn đề của cả thế giới

Đăng Nguyễn - CNN Thứ năm, ngày 29/04/2021 19:40 PM (GMT+7)
Có những cảnh tượng trái ngược trên thế giới hiện nay khi các quốc gia đối phó với đại dịch Covid-19.
Bình luận 0

img

Thi thể bệnh nhân Covid-19 được hỏa thiêu ngoài trời ở Ấn Độ.

Các quốc gia như Mỹ và Anh bắt đầu tận hưởng thành quả nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà. Những người dân đã tiêm vaccine không còn phải đeo khẩu trang, tự do gặp gỡ người thân sau một thời gian dài xa cách.

Nhưng ở Ấn Độ, nhiều gia đình đang đối mặt với cảnh vĩnh viễn mất đi người thân.

Những người nhiễm Covid-19 không biết phải làm cách nào vì các bệnh viện ở nhiều thành phố lớn quá tải, cạn kiệt nguồn cung cấp oxy. Tình cảnh trên diễn ra suốt nhiều ngày qua, tạo thành cuộc khủng hoảng toàn quốc.

Virus càng lây lan mạnh, càng có cơ hội biến đổi, tạo thành những biến chủng mới nguy hiểm hơn, có thể kháng vaccine, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch ở các quốc gia khác, các chuyên gia cảnh báo.

“Nếu chúng ta không giúp Ấn Độ, tôi lo ngại về sự bùng nổ các ca nhiễm, không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên phạm vi toàn cầu”, Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown ở thành phố Providence, bang Rhode Island, Mỹ, nói.

Đó là lý do đợt “sóng thần” Covid-19 tràn qua Ấn Độ là vấn đề của toàn thế giới, cần đến sự phối hợp của các quốc gia.

Một số quốc gia đã bắt đầu gửi hàng cứu trợ đến Ấn Độ. Mỹ đã gửi các bình oxy y tế tới Ấn Độ trong tuần này. Hôm 28.4, Anh, Italia, Đức cũng cam kết gửi thêm thiết bị y tế. Các máy bay vận tải khởi hành từ Nga đến New Delhi, mang theo thuốc men, máy theo dõi sức khỏe và máy trợ thở.

Các ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại là bảo vệ tính mạng những người nhiễm Covid-19. Về lâu dài, Ấn Độ mở rộng chiến dịch tiêm chủng là chìa khóa để ngăn virus lây lan.

Tuy nhiên, dù là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, Ấn Độ vẫn chưa sản xuất đủ số lượng vaccine cần thiết phục vụ nhu cầu trong nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc chia sẻ vaccine. Mỹ sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ. Nhưng quá trình chuyển giao vaccine có thể mất vài tháng.

“Rất cần có sự phân phối vaccine công bằng trên phạm vi toàn cầu”, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói.

img

Các bệnh viện ở Ấn Độ đang rất cần nguồn cung cấp oxy y tế phục vụ cho người bệnh.

“Bởi vì tất cả chúng ta đều ở cùng nhau trên Trái đất. Đó là một thế giới được kết nối với nhau. Và các quốc gia có trách nhiệm đối với nhau, đặc biệt đối với các quốc gia giàu có, đang làm ăn với những quốc gia không có đủ nguồn lực hoặc năng lực như vậy”, ông Fauci trả lời trên tờ Guardian của Anh.

Nếu đợt bùng phát Covid-19 lần hai ở Ấn Độ không được kiểm soát và lây lan sang các nước láng giềng có nguồn cung vaccine thấp, hệ thống y tế hạn chế, đó sẽ là thảm họa mang tính dây chuyền, các chuyên gia cảnh báo.

Thất bại trong việc ngăn chặn đợt lây nhiễm ở Ấn Độ có thể đe đọa đến nguồn cung cấp vaccine toàn cầu.

Nguy cơ về những biến chủng mới nguy hiểm

Tháng 12.2020, các nhà khoa học phát hiện biến chủng Covid-19 mới ở Ấn Độ. Biến chủng B.1.167 đang bị nghi ngờ đóng vai trò khiến các ca nhiễm lây lan mạnh, khiến nhóm người trẻ cũng dễ bị lây virus.

Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Genomics và Sinh học Tích hợp, nói rằng có mối tương quan giữa sự phổ biến ngày càng gia tăng của các biến thể và tốc độ lây nhiễm đáng báo động ở Ấn Độ.

"Ở bang Maharashtra, chúng tôi nhận thấy số ca nhiễm biến chủng B.1.167 tăng rõ rệt. Biến chủng cũng lây lan mạnh ở New Delhi. Đây là những mối tương quan dịch tễ học rất quan trọng", ông Agrawal nói.

Các biến chủng khác từng xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, Anh hay Brazil đều đã chứng minh sự nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cho đến nay, vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna Inc. và Johnson & Johnson đã chứng minh khả năng ức chế các biến thể trên. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo virus sẽ ngừng biến đổi, tạo thành những biến chủng có thể kháng vaccine.

Điều này tạo ra thách thức rằng không một quốc gia nào có thể đảm bảo miễn nhiễm với những làn sóng lây nhiễm mới ở quốc gia khác, dù rằng người dân đã được tiêm vaccine, theo CNN.

“Vì lý do trên, các quốc gia cần phải nhận thấy sự nguy hiểm khi có đợt dịch mới với quy mô lớn bùng phát ở các nước khác”, tiến sĩ Jha nói. “Các quốc gia như Anh và Mỹ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng đó chỉ là ở thời điểm hiện tại, với những biến chủng mà chúng ta đã biết.

img

Người Ấn Độ diễu hành bất chấp các nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Ấn Độ là công xưởng sản xuất vaccine toàn cầu

Ngoài thách thức đối với các biến chủng mới, làn sóng Covid-19 lần hai ở Ấn Độ còn tạo ra một thách thức cấp thiết với cả thế giới. Đó là bởi Ấn Độ là công xưởng sản xuất vaccine toàn cầu, là quốc gia hàng đầu trong chương trình COVAX. Đây là sáng kiến của WHO nhằm phân phối vaccine miễn phí cho các nước có thu nhập thấp.

Ấn Độ cam kết cung cấp miễn phí 200 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX, phân phối tới 92 quốc gia trên thế giới. Nhưng tình hình lây nhiễm ngày càng phức tạp khiến Ấn Độ phải quay sang tập trung sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước.

Viện Huyết thanh Ấn Độ đã giao 28 triệu liều vaccine AstraZeneca cho chương trình COVAX. Nhưng 90 triệu liều chuyển giao trong tháng 4 và tháng 5 sẽ bị đình trệ.

“Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo trên toàn cầu đã đánh giá toàn bộ hệ quả của sự trì hoãn này đối với cả thế giới”, Shruti Rajagopalan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói.

“Ấn Độ ưu tiên sử dụng vaccine cho nhu cầu trong nước, nghĩa là các quốc gia khác như Nam Phi, Brazil vẫn phải chờ”, bà Rajagopalan nói.

Theo kế hoạch của WHO, chương trình COVAX sẽ bàn giao 2 tỉ liều vaccine miễn phí cho các quốc gia trên thế giới cho đến cuối năm nay.

Nhưng kế hoạch này chỉ có thể đạt được nếu Ấn Độ có thể sớm vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai. COVAX cũng đang cố gắng mở rộng nguồn cung cấp, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác trên thế giới.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem