Mạc Ngôn - nhà văn nông dân

Thứ năm, ngày 18/10/2012 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dịch giả Trần Đình Hiến là người dịch sang tiếng Việt 6 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn - người vừa nhận giải Nobel Văn học 2012, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với dịch giả.
Bình luận 0

Thưa dịch giả, ông tiếp cận tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn như thế nào?

- Khi đó tôi đang là tùy viên Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh. Thời điểm ấy, Mạc Ngôn chưa nổi tiếng dù ông sáng tác văn học từ năm 1978. Người ta biết đến ông như một hiện tượng văn học, gọi là “Mạc Ngôn Tam hồng”. Điều đó thể hiện qua tên 3 tác phẩm của ông: “Củ cải đỏ”, “Cao lương đỏ” và “Hồng thụ lâm” (Rừng xanh lá đỏ). Đây có thể gọi là 3 chân kiềng giúp ông nổi tiếng sau này.

img
Bìa cuốn sách “Báu vật của đời” do Trần Đình Hiến dịch.

Tôi bắt đầu làm quen với tác phẩm của Mạc Ngôn, vì thấy thích cách hành văn của ông, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là tôi cảm thấy tâm hồn đồng điệu với những cốt truyện mà ông đã viết.

Với hơn 1.000 trang, cuốn tiểu thuyết “Báu vật của đời” đã được dịch trong thời gian bao lâu và những khó khăn mà ông gặp phải trong quá trình dịch những tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn là gì?

- Mất khoảng gần 3 tháng cho cuốn “Báu vật của đời”. Tôi đọc lướt toàn bộ tác phẩm, bắt được cốt truyện và thấy hứng thú. Tôi tra cứu kỹ những từ mình còn nghi vấn về nghĩa. Sau khi tất cả những vấn đề đó được giải quyết, tôi bắt tay vào dịch một mạch, đánh máy luôn chứ không viết bản thảo. Tháng 1.1996, tôi có sách, đến tháng 3 thì dịch xong.

Tôi đưa bản thảo cho dịch giả Hoàng Thúy Toàn- Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn học nhưng chưa được in, bởi lúc đó những cốt truyện của Mạc Ngôn vẫn còn mới mẻ, chưa hợp thời. Mãi 5 năm sau, tháng 2.2001, cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Việt ra đời.

“Viết vì con người, lột tả chân thật cuộc sống nông thôn là tinh thần chủ đạo trong sáng tác của Mạc Ngôn. Mạc Ngôn thành công do không trộn lẫn những nội hàm văn hóa của các tác giả khác nhau mà ông thể hiện tối đa nền văn hóa Trung Quốc”.

Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của nhà văn Mạc Ngôn khi nhà văn Trung Quốc này vừa đoạt giải Nobel Văn học 2012?

- Mạc Ngôn là “nhà văn nông dân”, chứ không phải “nhà văn của nông dân”. 11 tuổi, ông đã thôi học bởi vùng Cao Mật quê ông quá nghèo. 15 năm chăn dê trên thảo nguyên hun hút, ông thu nhập cho mình cả một kho tàng những truyền thuyết dân gian… Cái nghèo luôn ám ảnh nên đã có lúc ông cắn nhầm vào miếng xà phòng mà cứ nghĩ là… bánh.

Sau này, khi bắt tay vào sáng tác, các tác phẩm của Mạc Ngôn luôn viết về nông thôn, về cái nghèo khó, về cuộc đấu tranh của người dân nông thôn cho lẽ phải để tồn tại. Nông thôn Cao Mật chính là bộ mặt nông thôn Trung Quốc không thể trộn lẫn, nó chứa đựng nội hàm văn hóa Trung Quốc.

Xin cảm ơn dịch giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem