Mang danh giải cứu là tiếp tay cho mua gian, bán lận, ép giá, hạ thấp nông sản của nông dân

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 17/02/2023 10:49 AM (GMT+7)
Trứng tại một số trại nuôi gà đẻ ở quê khó tiêu thụ, giá rẻ, nên Kiên (30 tuổi, quê Hà Nam) thu mua lại với giá 1.400 - 1.600 đồng/quả rồi thuê xe tải chở lên Hà Nội để bán. Ngồi bán trứng ở vỉa hè trên phố Dương Đình Nghệ từ ngày 13/2, đến hôm nay, 3 vạn quả trứng gà được anh bán gần hết.
Bình luận 0

Giá trứng giảm nhẹ

9 giờ sáng, ngày 15/2, trên phố Dương Đình Nghệ, Kiên với một cậu em cùng quê đang ngồi trong xe tải, dỡ từng quả trứng từ trong khay, rồi nhẹ nhàng bỏ vào mỗi túi nylon 30 quả. Từng túi trứng được bày biện cẩn thận trên chiếc bàn gỗ.

Nói với Dân Việt, Kiên cho biết, sau Tết, nhận thấy tại một số trang trại ở quê, trứng gà khó tiêu thụ, giá rẻ nên thu mua lại với giá 1.400 - 1.600 đồng/quả, rồi thuê xe tải chở lên Hà Nội để bán. Ngồi bán trứng ở vỉa hè trên phố Dương Đình Nghệ từ ngày 13/2, đến hôm nay, 3 vạn quả trứng gà đã được bán gần hết.

Mang danh giải cứu là tiếp tay cho mua gian, bán lận, ép giá, hạ thấp nông sản của nông dân - Ảnh 1.

Rất nhiều người lợi dụng cái gọi là giải cứu nông sản cho nông dân để tổ chức bán hàng tự phát trên vỉa hè ở Hà Nội, gây mất trật tự an toàn giao thông và làm xấu xí hình ảnh nông sản Việt. Ảnh: M.Ngọc.

Đang chuyển từng túi trứng xuống bàn, thấy khách, Kiên nhanh nhảu mời, "mua trứng đi chị, trứng gà chuẩn, tươi mà ngon lắm! Chị cứ kiểm tra, vỡ quả nào em đền quả đó". Nói với phóng viên Dân Việt, chị Hà (khách mua trứng, ở quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Hôm qua tôi đã mua 30 quả về ăn thử, chất lượng không kém gì trứng mua ở ngoài chợ là mấy. Hôm nay, tôi lại mua tiếp cho người thân trong nhà", nói xong, chị "chốt đơn" luôn với Kiên mua 150 quả.

Theo Kiên, trứng gà mà anh bán là trứng gà ta lai (gà ta lai là giống gà công nghiệp lông màu, hay còn được gọi bằng ký kiệu gà JA hoặc gà J - PV). Kiên cũng cho biết, so với trứng mà anh đang bán hiện tại thì ngoài chợ đang bán giá cao hơn, khoảng 2.500 đồng/quả, trong khi đó, chất lượng thì không khác gì nhau.

"Thấy chúng em bán trứng giá có 2.000 đồng/quả, từ hôm qua cũng có nhiều người bán trứng ở chợ ra đây mua để về bán cho khách để kiếm lời", Kiên nói với Dân Việt.

Cách chỗ Kiên chưa đến 1km, trên vỉa hè ở đường Phạm Hùng, bà Phông cũng đang bán trứng "giá rẻ" giúp một người cháu ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội). 

Bà Phông cho biết, trứng gà chủ yếu được xuất bán cho các tiệm làm bánh, nhà hàng, quán cơm bụi, tuy nhiên sau Tết thị trường bị chững lại nên trứng khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, thời tiết những ngày vừa qua nồm ẩm, trong khi đó, trứng không bảo quản được lâu.

"Gia đình người cháu đang chăn nuôi vịt đẻ, gà đẻ hơn 2,5 vạn con. Mỗi ngày cả vịt, gà đẻ ra hàng nghìn quả trứng, trong khi thị trường tiêu thụ chậm, được dịp nên thương lái "ép giá", đành phải ngồi vỉa hè để bán", bà Phông chia sẻ.

"Đừng mang danh giải cứu để hạ thấp nông sản, trứng của nông dân" - Ảnh 2.

Bán trứng gà trên phố Dương Đình Nghệ từ ngày 13/2, đến hôm nay 3 vạn quả trứng đã được anh Kiên bán gần hết. Ảnh: Minh Ngọc

Sở hữu trang trại nuôi 6 vạn gà đẻ trứng đạt doanh thu 8 tỷ đồng/năm, anh Nguyễn Hữu Tuệ ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết, từ sau Tết, giá trứng gà có xu hướng giảm nhẹ. Theo anh Tuệ, nguyên nhân do thị trường tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, do từ đầu năm thời tiết nồm ẩm kéo dài nên một số trang trại gặp khó khăn trong việc bảo quản trứng".

Theo anh Tuệ, trứng là sản phẩm không để được trong thời gian dài nên việc một số trại buộc phải bán với giá rẻ là điều không tránh khỏi. "Việc trứng khó tiêu thụ, bán với giá rẻ chỉ xảy ra cục bộ, tại một số trại không có hệ thống máy sấy trứng, cùng với đó, thị trường sau Tết cũng trầm lắng nên dẫn đến trứng tiêu thụ chậm", anh Tuệ nói, đồng thời cho biết, hiện nay trại của anh vẫn xuất bán trứng với giá 2.200 đồng/quả.

Đồng quan điểm, ông Đào Hữu Thuân, chủ trang trại nuôi 70.000 con gà đẻ ở xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nói với Dân Việt, hiện nay, giá trứng gà có xu hướng giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức phải "giải cứu" như thông tin của một số người đang bán trứng tại vỉa hè Hà Nội. 

Cũng theo ông Thuân, trứng gà cũng có nhiều phân khúc khác nhau, cụ thể, trứng gà ta, trứng gà Ai Cập, trứng gà công nghiệp... mỗi loại trứng đều có giá thành khác nhau.

"Đừng mang danh giải cứu để hạ thấp nông sản, trứng của nông dân" - Ảnh 3.

Người dân Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ mít Thái hồi tháng 1/2022. Ảnh: Minh Đức

"Mang danh giải cứu là tiếp tay cho mua gian, bán lận, ép giá, hạ thấp nông sản, trứng của nông dân"

Băng rôn với dòng chữ "giải cứu" không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội được chứng kiến. Năm 2022, cũng đã có những cuộc "giải cứu mít Thái", "giải cứu dưa hấu" và đầu năm 2023, tiếp tục xuất hiện "giải cứu trứng" tại một số tuyến phố Thủ đô. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, hiện nay, một số người thu gom trứng (hay còn gọi là thương lái) đang có tư duy "lẻn vào thị trường", lợi dụng thị trường để lấy "lòng thương", đánh vào "xúc cảm" của người tiêu dùng để hòng kiếm lời, và đây là điều không thể chấp nhận được. 

Theo ông Thủy, nguyên nhân làm giá trứng gia cầm giảm là do nguồn cung của các trang trại trong dịp Tết vẫn dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu dùng trứng của người dân những ngày đầu năm giảm, tạo ra nguồn cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các nhà hàng, các nhà máy chế biến vào thời điểm này chưa hoạt động mạnh nên nhu cầu tiêu thụ trứng cũng giảm theo. 

Cũng theo ông Thủy, công tác dự báo thị trường của cơ quan quản lý nhà nước còn còn chậm, chưa sát với thực tế.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, những ngày đầu tháng 2/2023, giá trứng gia cầm giảm 200-300 đồng/quả so với cuối năm 2022 và mức tiêu thụ cũng có xu hướng giảm. 

Ông Sơn cho rằng, "đây là hiện tượng phù hợp quy luật cung cầu, chưa đến mức gây khốn đốn cho người nông dân và doanh nghiệp sản xuât trứng". Tuy vậy, trên mạng xã hội lại xuất hiện từ "Trứng gà rớt giá thê thảm, nguy cơ phải giải cứu". 

Về việc xuất hiện những điểm treo băng rôn "giải cứu trứng cho nông dân" trên vỉa hè Hà Nội, theo ông Sơn, những năm vừa qua mỗi khi nông sản bị dư thừa, rớt giá thì việc "giải cứu" là việc làm mang tính nhân văn, cần thiết trong bối cảnh nhất thời. 

Tuy nhiên, theo ông, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại cách làm nặng tính "từ thiện" này. Việc lạm dụng quá nhiều từ "giải cứu" nông sản cho người nông dân đã vô tình tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng tình hình này để mua gian, bán lận, ép giá nông sản nhằm trục lợi. Và trên hết giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản dư thừa thông qua việc vận động "lòng thương" của cộng đồng xã hội có lẽ cũng chỉ có ở nước ta và mang tính chất phi thị trường.

Ông Sơn dẫn thông điệp của Bộ trưởng Bộ NNPTNT: "Người nông dân làm ra hàng hóa nông sản, từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm". Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận mới để thúc đẩy phát triển thị trường nông sản ở Việt Nam một cách bền vững hơn. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giải pháp căn bản cho ngành nông nghiệp Việt Nam những năm tiếp theo, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp; việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường. Trong đó, đặc biệt coi trọng thị trường trong nước của gần 100 triệu dân. 

Đẩy mạnh kết nối cung cầu chính quy, nông sản phải được nâng niu về giá trị, người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn. 

Tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, người nông dân cần thay đổi cách tư duy sản xuất theo mùa vụ, chạy theo số lượng, trong khi doanh nghiệp thì tránh tư duy theo thương vụ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem