Nuôi ốc bươu đen đặc sản ở vũng phèn, anh nông dân 9X Long An, hô bán là có người mua
Nuôi đặc sản ở vũng phèn, anh nông dân 9X Long An đút túi tiền triệu mỗi ngày
Trần Đáng
Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:05 AM (GMT+7)
Chán cảnh trồng vườn cây ăn trái giá cả xập xình, anh nông dân 9X Đỗ Anh Quốc (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đào ao nuôi ốc bươu đen, bất ngờ thu tiền triệu mỗi ngày.
Hiện, anh Đỗ Anh Quốc đào cái ao rộng 1.000m2 mặt nước giữa vườn cây ăn trái để nuôi ốc bươu đen.
Trị phèn, nuôi ốc bươu đen
Đất Mỹ Thạnh, dù đã qua hàng chục năm rửa phèn, ngọt hóa nhưng cho đến nay có nơi vẫn là vũng phèn đỏ quạch, tanh tưởi. Ác nổi, chính nơi anh Quốc đào ao nuôi ốc bươu đen lại cũng là vũng phèn. Anh Quốc đào ao đến đâu, phèn xì đến đó.
Nghe nhiều người bảo, không trị được phèn mà nuôi ốc bươu đen chỉ tổ phá sản, anh Quốc đau đáu tìm cách trị phèn.
Theo anh Quốc, sau khi đào xong ao nuôi, anh tiến hành trị phèn trong ao. Đầu tiên, anh rải vôi từ đáy lên tới bờ ao. Sau 3 ngày phơi đáy ao, anh Quốc xới, trộn lẫn vôi với đất đáy ao. Tiếp tục, anh Quốc phơi đáy ao thêm 7 ngày nữa. Sau đó, anh cho nước vào ao, ngâm 3 – 4 ngày rồi xả hết nước ra, bơm nước mới vào, bổ sung thêm vôi. Mất thêm 7 ngày cho nguồn nước ổn định, anh Quốc thả bèo rồi cho ốc bươu giống vào nuôi sinh sản.
Anh Quốc chia sẻ, ốc bố mẹ phải chọn ốc khỏe mạnh, kích cỡ trung bình 25-30 con/kg. Tỷ lệ thả giống bố mẹ là một đực, một cái. Mật độ nuôi ốc bươu đen từ 20-30 con/m2 hoặc có thể nhiều hơn.
"Nước vùng này còn phèn rất nặng. Mỗi khi thay nước ao phải đo nước ngoài và trong ao. Nếu lượng phèn trong nước ngoài và trong ao cân bằng thì mới được lấy nước vào. Nếu thấy lượng phèn trong, ngoài ao chênh nhau phải tìm cách hạ phèn, cân bằng độ Ph bằng vôi", anh Quốc thổ lộ.
Theo anh Quốc, nuôi ốc bươu đen không mất nhiều công sức và thời gian. Mỗi ngày, anh dành vài chục phút ra thăm ao ốc và vớt lên xem có bị bệnh.
Thức ăn ưa thích của ốc bươu là bèo và rong. Ngoài ra, anh Quốc còn cho ốc bươu đen ăn thêm bầu, bí, mướp, mít…
"Trái cây vùng này khá dồi dào. Tôi mua lại hàng dạt rồi về cho ốc ăn. Vì thế, chi phí thức ăn cho ốc không đáng là bao", anh Quốc bộc bạch.
Anh Quốc cho biết, từ khi thả ốc giống cho đến khi thu hoạch ốc bươu đen thương phẩm mất khoảng 4 tháng.
Không chỉ nuôi ốc thương phẩm, anh Quốc còn làm giống ốc bươu đen cung cấp ra thị trường.
Theo anh Quốc, mỗi ngày, anh thu các chùm trứng ốc trong ao, rửa sạch, rồi cho vào khu vực ấp trứng. Dụng cụ ấp trứng ốc bươu đen là những khây nhựa. Trứng ốc được xếp lên những khây nhựa chờ ngày nở. Hàng ngày, anh Quốc phun nước giữ ẩm cho trứng ốc 3 – 4 lần. Sau khoảng 14 ngày ấp trứng bắt đầu nở. Ốc con được đưa ra vèo ương để thành ốc giống.
"Sau 15 ngày ương ốc con thành ốc bươu giống. Lúc này có thể cung cấp ốc giống ra thị trường", anh Quốc cho biết.
Nuôi ốc bươu đen đút túi tiền triệu mỗi ngày
Theo anh Quốc, hiện nay lượng ốc thương phẩm anh nuôi không đủ cung cấp cho thị trường. Bởi, một phần ốc trong ao phải giữ lại làm ốc sinh sản.
"Trung bình mỗi tháng tôi thu lời hơn 10 triệu đồng từ việc bán ốc bươu đen thương phẩm", anh Quốc thổ lộ.
Anh Quốc cho biết, khoảng thu nhập chính từ nghề nuôi ốc bươu đen của anh Quốc là bán ốc bươu đen giống. Hiện, anh Quốc đang cung cấp ốc bươu đen giống cho hàng trăm nông dân nuôi ốc trong vùng.
Theo anh Quốc, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 200.000 con giống. Nếu vào vụ chính, sản lượng ốc bươu đen giống bán ra tăng gấp 2 – 3 lần. Giá ốc bươu đen giống là 200 đồng/con.
"Nghề nuôi ốc bươu đen khá nhàng, nhưng rất hiệu quả kinh tế. Tôi định sẽ mở rộng quy mô nuôi", anh Quốc chia sẻ.
Những năm gần đây, ốc bươu đen trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây, sản lượng tiêu thụ rất lớn. Thịt ốc bươu đen có vị ngọt tự nhiên, dai giòn, dễ chế biến, giá trị dinh dưỡng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.