Mạng xã hội "Made in Vietnam" Gapo mới ra mắt đã nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital. (Ảnh minh hoạ)
Bùng nổ mạng xã hội "Made in Việt Nam"
Chỉ trong 2 tháng giữa năm 2019, hai mạng xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam đã lần lượt ra mắt người dùng.
Đầu tiên, tháng 6/2019, Hahalolo trình làng đã tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, mục tiêu đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán tại Mỹ vào năm 2025.
Cuối tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo cũng người dùng ra mắt. Đồng thời, Gapo cũng thông tin, quỹ đầu tư G-Captital dự kiến sẽ rót 500 tỷ đồng cho mạng xã hội này, cùng mục tiêu đến năm 2021 đạt 50 triệu người dùng.
Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, Gapo đã gặp lỗi, không thể truy cập được, phải bảo trì và sửa lỗi hệ thống.
Một vài giới thiệu cơ bản về mạng xã hội Viva Vietnam. (Ảnh minh hoạ)
Gần đây, một ông lớn khác là VCCorp cũng chuẩn bị cho một mạng xã hội riêng có tên Viva Vietnam, với sự đầu tư khá lớn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, đầu năm 2019, VCCorp, một công ty công nghệ và nội dung số đã thành lập Công ty Mạng xã hội Viva. Theo đăng ký kinh doanh công ty này có vốn điều lệ ban đầu 69 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là cổng thông tin, trừ hoạt động báo chí. Về tỷ lệ cổ phần, VCCorp góp 99,986%, Công ty CP Vccers Foundation và cá nhân ông Nguyễn Thế Tân mỗi bên góp 0,007%. Cuối tháng 4/2019, Công ty CP Mạng xã hội Viva tiến hành tăng vốn lên 161 tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty Mạng xã hội Viva đang phát triển mạng xã hội mang tên VivaVietnam, hoạt động tại tên miền vivavietnam.vn.
Theo tìm hiểu của PV, một số thông tin cho biết đây là mạng xã hội do người Việt Nam phát triển và làm chủ, được xây trên nền tảng đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm.
Viva Vietnam tự tin với sức mạnh công nghệ (AI - Big Data - Cloud) và khả năng cung cấp dịch vụ tốt nhất đến cho mọi người sử dụng. Công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning là yếu tố quyết định để VivaVietnam phục vụ hơn 50 triệu khách hàng internet và mobile và cạnh tranh thành công trong lĩnh vực của mình.
Tìm hiểu thêm về mạng xã hội này, PV đã liên hệ với người đại diện cung cấp thông tin của Viva Vietnam, song vị này hẹn sẽ hồi đáp thông tin tới báo chí sau ít ngày tới.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Về phía giới chuyên gia, một thông tin khá buồn được đưa ra là có hơn 400 mạng xã hội “made in Vietnam”, nhưng người dùng Việt Nam vẫn ưa thích và thường xuyên dùng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter.
Trong đó, thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội bình quân mỗi ngày của người Việt Nam là 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%, điều này giúp các mạng xã hội ngoại kiếm được lượng lớn doanh thu từ quảng cáo.
Theo nhận định từ ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, yếu tố tiên quyết để các mạng xã hội “made in Vietnam” như Viva Vietnam, Gapo có thể tồn tại và phát triển là sự tin tưởng từ phía người dùng Việt Nam. Đặc biệt, phải đảm bảo bí mật dữ liệu cá nhân của người dùng.
“Yếu tố này nghe thì xa vời, nhưng thực tế lại rất gần gũi. Mạng xã hội là nơi mọi người tham gia không mất phí, dựa trên tinh thần tự nguyện. Chỉ khi lấy được lòng tin từ người dùng, nhà cung cấp mới có thu nhập từ các khách hàng sẵn lòng trả phí”, ông Liên nói.
Ông Liên cho biết thêm muốn mạng xã hội Made in Vietnam phát triển, không thể không có sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Những doanh nghiệp đi tiên phong, mô hình kinh doanh mới rất cần chính sách ưu đãi về hạ tầng, thuế, đầu tư tài chính từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ vô hình, gián tiếp thông qua hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ pháp lý trong quá trình marketing và trong trường hợp phát sinh giao dịch với thị trường, tổ chức bên ngoài Việt Nam.
Như vậy, họ cần sự hỗ trợ từ phía sau của rất nhiều Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chứ không riêng Bộ Thông tin & Truyền thông”, ông Vũ Hoàng Liên nói.
Một yếu tố khác cũng được ông Liên nhắc tới là sự hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư. Cuối cùng, đó là sự ủng hộ từ người dùng Việt Nam.
“Nhìn từ góc độ kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tạo ra những sản phẩm tốt, phục vụ người dùng tốt nhất có thể. Nhưng về phía người dùng Việt Nam, nếu mạng xã hội Made in Vietnam như Gapo, Viva Vietnam nhận được sự ủng hộ từ họ, không chỉ là về yếu tố tinh thần, mà bao gồm cả sự quan tâm, góp ý và chia sẻ, sẽ có cơ hội thành công cao hơn.
Vừa rồi, Mạng xã hội Gapo mới ra mắt ngày đầu tiên đã gặp sự cố, nếu chúng ta có tinh thần chia sẻ, thông cảm, doanh nghiệp sẽ có động lực để làm tốt hơn. Bởi sự cố kỹ thuật vừa qua chỉ là một trong rất nhiều sự cố xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống, chúng ta không thể lường trước toàn bộ rủi ro phát sinh. Nếu không có sự ủng hộ từ người dùng, các mạng xã hội Made in Vietnam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Vũ Hoàng Liên phân tích.
Cần tập trung vào thị trường ngách
Chia sẻ về cơ hội cạnh tranh với Facebook, Google của các mạng xã hội Made in Vietnam, ông Liên cho rằng, bản thân các DN Việt Nam khi đầu tư, cần xác định rõ thị trường cạnh tranh, mục tiêu kinh doanh và giới hạn đầu tư của mình.
“Đạt được hiệu quả mục tiêu cũng đã thành công. Không nên quá tập trung so sánh với những người khổng lồ như Facebook, Google. Cũng không nên lo ngại họ sẽ lấy hết cơ hội kinh doanh của mình”, ông Liên đặt vấn đề.
Theo ông, trong quá trình kinh doanh, phát triển mạng xã hội Made in Vietnam, doanh nghiệp nên tập trung vào mục tiêu kinh doanh, nâng cao công nghệ và chất lượng quản trị nội bộ.
“Việc khó lòng cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải lựa chọn những phân đoạn khách hàng, thị trường nhất định. Nhiều mạng xã hội Made in Vietnam như Viva Vietnam, Gapo tập trung vào nhiều phân đoạn thị trường cụ thể, sẽ thấy chưa hẳn chúng ta đã nhỏ bé hơn so với một vài người khổng lồ.
Việc tập trung tối ưu hoá năng lực cạnh tranh ở một số thị trường sẽ là hướng đi phù hợp với các mạng xã hội Made in Vietnam ”, ông Vũ Hoàng Liên đưa ra so sánh.
Theo ông Vũ Thế Bình, TGĐ Công ty Netnam, một chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho các mạng xã hội Made in Vietnam là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của Internet Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, Internet Việt Nam đã có những bước phát triển rất tốt, đặc biệt về phần hạ tầng, độ phủ dịch vụ, và giá dịch vụ, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống tinh thần. Tuy nhiên, phần nội dung và các dịch vụ thuần Việt thì chưa được như mong muốn, kỳ vọng của nhiều người Việt Nam.
"Dĩ nhiên, việc đầu tư vào mảng này luôn tiềm tàng thách thức, khó khăn, thậm chí rủi ro về hiệu quả và tính kinh tế, do sự thống trị của các dịch vụ mạng xã hội toàn cầu. Chúng ta cũng không thể tránh được các xu hướng toàn cầu và phẳng hoá. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, thì họ cũng hoàn toàn dự đoán và tính toán được các thách thức và rủi ro trong bài toán đầu tư của mình", ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Nhận định về triển vọng doanh thu của các mô hình mạng xã hội Made in Vietnam, ông Bình cho rằng, mô hình mạng xã hội có doanh thu từ quảng cáo là truyền thống và khá phổ biến.
Song bên cạnh đó, cũng có nhiều mô hình khác. Các mạng xã hội Made in Vietnam khi nhắm đến những nhóm đối tượng có những điểm chung chuyên biệt thì hoàn toàn có thể nghĩ đến các dòng doanh thu từ khai thác dữ liệu, cộng tác kinh doanh, trung gian bán hàng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.