Nhập siêu lại vượt 1 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu tháng Ba đã đạt mức 8,2 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm đến nay. So với tháng trước, con số này đã tăng gần 37,6%, còn so với tháng cùng kỳ năm 2010 cũng cao hơn gần 21,5%.
Nhập siêu tháng Ba ước tính đạt khoảng 1,15 tỷ USD, cũng ở mức cao nhất kể trong 3 tháng đầu năm và chỉ kém tháng 12.2010 chút ít, nâng tổng nhập siêu từ đầu năm đến nay ước khoảng 3,029 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ 2010 chỉ khoảng 411 triệu USD.
|
Những chiếc xe siêu sang được nhập về ồ ạt khiến nhập siêu của Việt Nam thêm lớn. |
So với năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu quý 1 năm nay có sự tăng mạnh ở nhiều mặt hàng. Trong 30 mặt hàng mà Tổng cục Thống kê công bố, chỉ có rau quả, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu và phương tiện vận tải giảm kim ngạch nhập khẩu so với quý 1/2010. Ở các mặt hàng còn lại, kim ngạch nhập khẩu đều tăng mạnh như bông tăng 126,7%, sợi dệt 70,9%, ô tô nguyên chiếc 62,2%, xăng dầu 53,8% so với cùng kỳ; nhiều mặt hàng khác cũng đều tăng quanh mức 20-40%.
Có thể thấy xu hướng nhập siêu đang tăng dần lên: Tháng 1.2011 đạt 0,88 tỷ USD; tháng 2 lên 1,11 tỷ USD và tháng 3 lên 1,15 tỷ USD.
Ông Nguyễn Tiến Vị - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Đúng là tình hình nhập siêu tăng lên rất đáng lo ngại. Nhập siêu của tháng 3 tăng mạnh cũng bởi một nguyên nhân khách quan là giá cả các mặt hàng nhập khẩu trên thế giới tăng.
Hầu hết các mặt hàng VN nhập khẩu (không kể ô tô, xe máy nguyên chiếc) đều tăng về giá so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng giá phổ biến khoảng từ 20-30% so với cùng kỳ, chỉ có mặt hàng giấy và kim loại thường tăng khoảng 10%, còn giá bông tăng tới hơn 90%.
Chỉ tính riêng yếu tố tăng giá các mặt hàng nhập khẩu đã tác động làm tăng kim ngạch nhập khẩu quý 1/2011 khoảng 1,6 tỷ USD, tương đương 7,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của 3 tháng.
Hàng xa xỉ ồ ạt vào Việt Nam
Chủ trương hạn chế nhập siêu được Bộ Công Thương đề ra quyết liệt từ lâu, đặc biệt là từ đầu năm nay, nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Bộ Công Thương phấn đấu nhập siêu tháng 3 không vượt quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Song trên thực tế, nhập siêu vẫn chưa có cách gì ngăn chặn và vẫn vượt mục tiêu phấn đấu của bộ này.
Ba tháng, nhập hơn 12.000 ôtô và 21.000 xe máy
Theo thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là lượng ô tô, xe máy nhập khẩu vẫn tăng cao. Tính đến 15.3, đã có 2.505 chiếc ô tô và 2.202 chiếc xe máy nhập về VN. Tính chung từ đầu năm đến 15.3, lượng hàng nhập về là 12.176 chiếc ô tô và 21.648 chiếc xe máy.
Điều đáng lo ngại, việc nhập các mặt hàng xa xỉ, tiêu dùng vẫn tăng quá mạnh, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhập siêu gia tăng. Hàng tỷ USD đã được chi ra để nhập các sản phẩm rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại; chưa kể ô tô, xe máy...
Các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ để nhập khẩu, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sử dụng hàng rào kỹ thuật... dường như đều không ngăn được dòng hàng tiêu dùng không cần thiết tràn về.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc người dân tiêu dùng hàng ngoại đắt tiền là rất đáng lo ngại. Hàng xa xỉ đang khiến nhập siêu tăng cao và không mang lại giá trị gia tăng nào cho nền kinh tế cũng như làm hao tổn nguồn ngoại tệ của đất nước.
Cần những giải pháp mạnh tay
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định giải quyết vấn đề nhập siêu không dễ, với các giải pháp hiện hành thì "có cái hạn chế nhập được nhưng có cái không phải dễ làm".
TS Nguyễn Quang A và nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, muốn hạn chế nhập siêu thì phải có giải pháp mạnh để hạn chế việc nhập hàng xa xỉ, bởi đây là nguyên nhân khiến nhập siêu tăng mạnh.
Ông Lê Đăng Doanh hiến kế: Đã đến lúc Nhà nước phải đánh thuế thật cao với nhóm mặt hàng này. Hiện quy định của WTO không cấm ta đánh thuế cao, mà quan trọng là Chính phủ có thực thi biện pháp này hay không, hoặc chí ít có thể sử dụng các biện pháp khác mà không vi phạm quy định của WTO như tạo thủ tục hành chính thuế, hải quan khắt khe hơn đối với các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
TS Nguyễn Minh Phong đề nghị, các bộ ngành chức năng có thể đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn môi trường, hay các biện pháp khác như hạn chế ngoại tệ, hạn chế cho vay để nhập khẩu hàng xa xỉ không cần thiết: “Với việc gia nhập WTO, nhiều mặt hàng của nước ngoài sẽ được cắt giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi để tràn về VN nhiều hơn nữa” - ông Phong lo ngại.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.