Mất an toàn trong công trình xây dựng: Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Mất an toàn trong công trình xây dựng: Không để "mất bò mới lo làm chuồng" (bài 2)
Trần Kháng
Thứ sáu, ngày 25/09/2020 07:44 AM (GMT+7)
Hậu quả của nhiều vụ tai nạn liên quan tới thi công xây dựng là đặc biệt nghiêm trọng và nó cho chúng ta thấy công tác đảm bảo thi công tại các công trường xây dựng hiện nay ở Việt Nam đang "có vấn đề", bởi hàng loạt tai nạn thương tâm duy nhất trong thời gian ngắn trở lại đây.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, những vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng đang thi công có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng chưa được thực hiện triệt để.
Đáng nói, trong khi thi công các công trình xây dựng, có không ít những nhà thầu coi công tác bảo đảm an toàn chỉ là thứ yếu nên thực hiện công tác này một cách đối phó và không đúng quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quan tâm, kiểm tra, xử lý… Đến khi có tai nạn xảy ra lại "đá bóng" trách nhiệm cho nhau.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) 6 tháng đầu năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ TNLĐ làm 3.450 người bị nạn. Những địa phương có nhiều người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động là: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đáng chú ý, số người chết liên quan tới lĩnh vực xây dựng chiếm 23,24% tổng số vụ tai nạn và 28,71% tổng số người chết.
Liên quan các quy định pháp luật về công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng, trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng nói chung, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về an toàn trong xây dựng số 18/2014 và kèm theo Thông tư số 14 năm 2014.
Quy chuẩn quy định có các điều: Công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành.
Đối với những công trình xây dựng ngay sát đường giao thông thì phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể. Đơn cử như, trong trường hợp có đường giao thông chạy qua công trường thì phải mở đường khác hoặc có biển báo ở 2 đầu đoạn đường chạy qua công trường để các phương tiện giao thông qua lại, giảm tốc độ. Đối với các đường hào hố phải có rào chắn cao trên 1m hoặc có đèn báo hiệu để người tham gia giao thông nhận biết nguy hiểm và có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tùng, pháp luật cũng quy định, trong quá trình thi công các công trình xây dựng, ngoài việc bảo đảm chất lượng, tiến độ, vệ sinh môi trường thì công tác đảm bảo an toàn pháp luật cũng rất quan trọng. Bởi thực tế đã cho thấy, nếu không thực hiện tốt việc này thì rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, vị luật sư trên cũng thừa nhận, trên thực tế việc xác định cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vụ tai nạn giao thông gây chết người do thi công công trình lại là vấn đề nan giải. Hơn nữa, luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể chứ không phải với pháp nhân (công ty, tổ chức) trong khi tại các công trình việc phân chia trách nhiệm thường không được rõ ràng. Có khá nhiều những vụ tai nạn do nhà thầu xây dựng làm ẩu, vô trách nhiệm gây ra nhưng hầu như những vụ việc trên đều bị "chìm xuồng", chỉ dừng lại ở việc bồi thường dân sự.
Bên cạnh đó, các chế tài xử lý trách nhiệm của từng đối tượng trong việc vi phạm an toàn lao động dường như chưa đủ sức mạnh để răn đe đối với các đơn vị tham gia tổ chức thi công công trình xây dựng, nên tai nạn vẫn thường xảy ra.
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội và các Thành phố lớn thì thường xuyên có các công trình xây dựng ở cạnh đường giao thông. Những vụ tai nạn chết người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thắt chặt hơn công tác quản lý hoạt động xây dựng, đặc biệt là các vấn đề về an toàn lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng thanh tra để giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn, đưa ra các kỳ kiểm tra, đặc biệt đối với các công trình gần đường giao thông, nơi đông dân cư, trường học... chứ để xảy ra rồi mới kiểm tra thì quá muộn.
Hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình thẩm định, giám sát phương án thiết kế đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng bao gồm: Thanh tra của Sở Lao động thương binh và xã hội, cán bộ phụ trách đô thị tại các chính quyền phường, quận, thành phố, các cơ quan giám sát của Sở Xây dựng… Tuy nhiên, vẫn còn những công trình làm theo kiểu "chiếu lệ", "khuất mắt trông coi", các cơ quan quản lý nhà nước thì lỏng lẻo trong việc kiểm tra, giám sát về bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công.
Chia sẻ về vấn đề thi công an toàn tại các công trường xây dựng, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, dưới góc độ một người dân, tôi luôn có cảm giác bất an khi đi qua các công trình xây dựng cao tầng tại Việt Nam. Cần cẩu, giàn giáo, sắt thép, vật liệu xây dựng… có thể lao xuống đầu người dân bất cứ lúc nào và người dân luôn phải đối mặt với những cái chết tức tưởi từ trên trời rơi xuống.
Cũng theo vị luật sư nhận định, sở dĩ những vụ tai nạn liên quan tới xây dựng liên tục tiếp diễn và ngày càng gia tăng là do chính con người. Trong đó, những chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng công trình, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng…
Thực tế, cứ sau mỗi vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, lại sẽ có việc thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động tại công trường. Rõ ràng là chúng ta đã "mất bò mới lo làm chuồng". Sự việc xảy ra rồi, thiệt hại rồi mới thanh tra, kiểm tra và có đôi khi là xử phạt, song rồi đâu lại vào đấy, vì lợi nhuận, vì tiến độ… các vụ tai nạn lao động thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.
"Để xảy ra tình trạng này, không thể không có trách nhiệm từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý xây dựng tại các công trường", luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Đưa ra hướng xử lý, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch Trần Tuấn Anh cho rằng, đối với công trình xây dựng để xảy ra tình trạng mất an toàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì điều đầu tiên cần làm là phải ngay lập tức đình chỉ các hoạt động thi công để cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công rà soát lại một cách thực sự nghiêm túc về điều kiện đảm bảo an toàn lao động đối với cán bộ, công nhân đang thi công tại công trường.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tuấn Anh, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các công trình xây dựng kiểu như thế này để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình thi công tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.