Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?

Thứ sáu, ngày 29/03/2024 05:29 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm giá cà xuống thấp, thêm vào đó bệnh xoăn lá khiến năng suất đạt thấp, diện tích trồng cà pháo ở Con Cuông (Nghệ An) giảm mạnh. Tuy nhiên, vụ cà năm 2024, giá bán tăng vọt khiến nhiều hộ dân không khỏi tiếc nuối.
Bình luận 0
Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 1.

Diện tích trồng cà pháo tím ở Con Cuông. Ảnh: T.P

Giá cà pháo tăng

Trồng 11 sào cà, chị Nguyễn Thị Tuyết là hộ có diện tích trồng cà nhiều nhất ở Chi Khê. Chị rất phấn khởi khi năm nay, giá cà từ đầu vụ đến nay luôn neo ở mức cao: “Lúc cà cho thu hoạch bói đầu vụ, giá cà từ 15.000-17.000 đồng/kg; có thời điểm lên đến 20.000 đồng/kg. Đang rộ mùa thu hoạch, giá cà ở mức 9.000-10.000 đồng/kg (cao gấp 2-3 lần) so với cùng thời điểm này các năm 2022, 2023”.

Theo chị Tuyết, so với trồng ngô thì cây cà vẫn cho thu nhập khá hơn nhiều lần. Theo tính toán, mỗi sào cà, chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm cho thu hoạch 10 tháng, mỗi tháng 3-4 lứa, mỗi lứa 1,5 -2 tạ. Với giá cà bình quân khoảng 5.000- 7.000 đồng/kg thì cũng cho doanh thu khoảng 40 triệu đồng/sào, trừ chi phí vẫn còn có lãi khoảng 20 triệu đồng/sào.

“Trồng cà chi phí ban đầu khá cao, công đầu tư chăm sóc lớn nhưng ưu điểm lớn nhất là cho thu hoạch rải đều quanh năm. Hơn nữa, giá cả có khi chạm đáy nhưng cũng có khi tăng vọt. Nên lứa này bù lứa khác, trồng cà vẫn cho thu nhập cao hơn cả”, chị Tuyết cho biết.

Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 2.

Bệnh xoăn lá và nấm khiến năng suất cà pháo giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Phúc

Do đó, hiện nay, ở xã Chi Khê, có nhiều hộ vẫn duy trì diện tích trồng cà lớn. Cụ thể như các hộ chị Nguyễn Thị Tuyết (11 sào), Cao Thị Thuỷ (6 sào), Nguyễn Thị Vân (10 sào), Lê Thị Thanh (8 sào)… Giá cà tăng cao, người trồng cà rất phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, một hộ trồng cà ở xã Bồng Khê (Con Cuông) cho biết: “Trong khoảng 4 năm lại nay thì năm nay, giá cà neo ở mức cao nhất, ổn định từ đầu vụ thu hoạch đến giờ. Với mức giá này thì người trồng có lãi khá dù cà mất mùa”.

Nguyên nhân khiến giá cà pháo tím năm nay tăng cao là do diện tích trồng cà giảm mạnh. So với những năm 2022 trở về trước thì hiện diện tích cà ở các địa phương giảm khoảng 60%. Cụ thể: xã Chi Khê hiện còn 21ha (giảm gần 20ha so với trước), xã Bồng Khê chỉ còn 12ha, giảm (23ha so với trước), xã Yên Khê hiện chỉ còn khoảng 1ha…

Theo ông Trần Văn Lập - công chức nông nghiệp xã Bồng Khê, bắt đầu từ năm 2017, xã bắt đầu trồng thí điểm cây cà pháo hàng hoá theo đề án sản xuất rau sạch theo hướng chuẩn VietGAP của huyện Con Cuông.

Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 3.

Hiện nay, cà pháo đang vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: T.P

Lúc cao điểm, diện tích trồng cà pháo toàn xã lên đến 40ha. Không chỉ mở rộng diện tích, chuyển đổi từ cây màu kém hiệu quả sang trồng cà, các hộ trồng cà còn đầu tư phủ ni-lon để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cho cà.

Mặc dù chi phí đầu tư lớn hơn so với phương pháp thường nhưng lại duy trì được độ ẩm cho đất nên không phải tưới nước, sạch cỏ, khả năng chống chịu sâu bệnh cao vì thế cà cho năng suất cao hơn và chất lượng quả đẹp hơn. Những năm đầu, cà được mùa, được giá, có những hộ thu về 30 – 40 triệu đồng/sào/vụ.

Thế nhưng, liên tiếp từ năm 2019-2023, cà pháo liên tục rớt giá, có năm xuống còn 2.000 -3.000 đồng/kg khiến người dân thua lỗ, việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Do đó, từ năm 2022 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Bồng Khê giảm diện tích trồng cà pháo, có những hộ chuyển hẳn diện tích trồng cà sang trồng mía.

Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 4.

Năm nay, cà tím được thu mua với giá cao, hiện 10.000 đồng/kg. Ảnh: T.P

“Vụ cà 2023-2024, toàn xã chỉ còn 12ha, với 30 hộ trồng, giảm 2/3 so với các năm trước. Nguyên nhân là do nhiều năm liền giá cà giảm mạnh, kèm theo đó, bệnh nấm và xoăn lá khiến năng suất cà giảm. Trong khi đó, cây mía được nhà máy hỗ trợ giống, cho vay phân bón trả chậm và bao tiêu sản phẩm nên nhiều hộ đã chuyển sang trồng mía”, ông Trần Lập công chức nông nghiệp xã Bồng Khê cho biết thêm.

Mặt khác, 2 năm gần đây, cà mắc bệnh nấm gây xoăn lá, hiện chưa có thuốc đặc trị khiến cây cà sinh trưởng kém, ra hoa và đậu quả thấp. Năng suất cà chỉ bằng 50% so với trước.

“Bệnh nấm, xoăn lá hiện chưa có thuốc đặc trị đã khiến năng suất cà giảm hơn một nửa. Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng cực đoan khiến cây cà chết yểu nhiều nên sản lượng giảm mạnh. Trước đây, 1 lứa cà như vậy thu hái được khoảng 3-4 tạ, thì nay cao lắm cũng chỉ được 1,5-2 tạ/lứa, năng suất đạt khoảng 24-25 tấn/ha”, chị Nguyễn Thị Vân, một hộ trồng cà ở xã Chi Khê cho biết.

Diện tích trồng cà giảm, năng suất giảm, sản lượng ít nên nguồn cung ra thị trường giảm khiến cà neo giá cao, ổn định từ đầu vụ đến nay. Do đó, cà “mất mùa được giá”, người dân vẫn có lãi, dễ tiêu thụ hơn các năm trước.

Mặc dù giá cả không ổn định và thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nhưng theo các hộ trồng cà, giá cà ở thời điểm này có thể thấp nhưng ở lứa sau lại tăng cao và ngược lại. Tính thu nhập trung bình thì cây cà vẫn cho hiệu quả kinh tế hơn cây ngô, cây sắn.

Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 6.

Người dân chủ động cây giống, tiết kiệm chi phí và quản lý dịch bệnh tốt hơn. Ảnh: T.P

Nâng giá trị cây cà pháo

Kinh nghiệm của những hộ trồng cà lâu năm là khi xuống giống, phải xen kẽ để không ồ ạt thu hái cùng lúc, vừa khó tìm kiếm đầu ra, vừa phải thuê nhân công thu hái nên tốn thêm chi phí.

Thứ nữa, nếu đầu tư phủ ni-lon và bạt nhựa chống cỏ sẽ hạn chế được công chăm sóc, tăng năng suất, giảm phun thuốc trừ sâu. Đồng thời, quá trình trồng phải bám đồng để tỉa lá để cà thoáng, cho quả nhiều. Đặc tính cây cà là thời gian ra quả, thu hoạch kéo dài nên phải bón thúc phân chuồng thường xuyên để nuôi cây, nuôi quả.

Mất mùa, lại bị dịch bệnh, nhưng vì sao người dân trồng cà pháo ở Nghệ An vẫn cứ vui như tết?- Ảnh 7.

Người dân mong muốn xây dựng thương hiệu và chế biến các sản phẩm từ cà pháo để nâng cao giá trị kinh tế cho cây cà. Ảnh: T.P

Về đầu ra, theo các hộ dân, cà pháo chủ yếu tiêu thụ nội địa, người dân Con Cuông chủ yếu bán cho thương lái tại các chợ trên địa bàn là chính. Do đó, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Điều mong muốn của nông dân hiện nay là được kết nối, tiêu thụ sản phẩm; cây cà pháo tím được xây dựng thương hiệu và chế biến thành các sản phẩm hàng hoá như: Cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay… để nâng giá trị cây cà. 

Thanh Phúc (baonghean.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem