Mất tiền vì dự án trồng rừng ảo

Thứ năm, ngày 22/12/2011 15:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tin vào các văn bản, hợp đồng và lời hứa của các doanh nghiệp, hàng trăm người dân đã nộp tiền để được tham gia dự án trồng rừng tại xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Hậu quả là nhiều người “tiền mất, tật mang”.
Bình luận 0

Muốn tham gia phải nộp tiền

Cuối năm 2010, 7 cựu chiến binh ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, khăn gói đến xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum tham gia Dự án “Trồng rừng sản xuất, bảo vệ đầu nguồn Thủy điện Đăk Pxi” do Xí nghiệp Phú Thịnh (Gia Lai) làm chủ đầu tư. Họ không biết chủ đầu tư mà chỉ thỏa thuận với trung gian là Công ty TNHH Vạn Nguyên Hưng (xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh). Theo đó, các hộ này phải nộp cho Công ty TNHH Vạn Nguyên Hưng 3 triệu đồng/ha trước khi nhận đất, sau đó tự bỏ vốn trồng rừng. Khi có sản phẩm, họ được hưởng lợi 80%, phần còn lại phải nộp cho Xí nghiệp Phú Thịnh.

img
Sau khi các DN thu tiền của người dân, vùng dự án trồng rừng của Xí nghiệp Phú Thịnh bị tranh chấp phức tạp.

Sau khi nộp tiền cho Công ty Vạn Nguyên Hưng, mỗi người từ 15 - 45 triệu đồng, họ chỉ nhận được những... lời hứa giao đất. Ông Đoàn Duy Tâm - 1 trong 7 cựu chiến binh ở thị trấn Sông Đốc cho biết: “Sau cả năm trời lên đây, chúng tôi đã hết sạch tiền bạc, giờ muốn về cũng không được. Bà con ráng ở lại làm thuê kiếm sống qua ngày rồi đòi công ty phải giao đất, hoặc trả lại số tiền đã thu”.

Ngoài nhóm ông Tâm, hiện ở các tiểu khu 268, 271, 272 thuộc xã Đăk Hà có hơn 100 hộ khác đến từ các tỉnh Điện Biên, Bắc Giang, Đăk Nông, Kiên Giang, Cà Mau... đang “sống dở, chết dở”. Có tình trạng cùng một mảnh đất, các doanh nghiệp thu tiền của nhiều người dân, dẫn đến tranh chấp giữa các hộ. Ông Lê Văn Trữ đến từ Đăk Nông cho biết: “Chúng tôi được giao đất quá xấu, đòi lại tiền thì các công ty chỉ sang đất của người khác, có mảnh đất 5 - 7 người giành nhau”.

Công an vào cuộc

Theo tìm hiểu của PV, năm 2008, Xí nghiệp Phú Thịnh (Gia Lai) được UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định cho thuê 1.600ha đất lâm nghiệp tại các tiểu khu 268, 271, 272 xã Đăk Hà để trồng rừng sản xuất, bảo vệ đầu nguồn Thủy điện Đăk Pxi. Có được quyết định này, Phú Thịnh đã ký hợp đồng đầu tư với Công ty TNHH Quảng Tân ở Kon Tum, Công ty Quảng Tân lại hợp đồng tiếp với Công ty TNHH Ngọc Hà (Kon Tum), HTX Hội Cựu chiến binh Phú Thành (Kiên Giang), Công ty TNHH Vạn Nguyên Hưng (TP.Hồ Chí Minh)... Các doanh nghiệp này cũng không trồng rừng, mà lôi kéo nhiều người dân bỏ vốn tham gia, thống nhất thu phí 3 triệu đồng/ha.

Liên quan đến việc HTX Hội Cựu chiến binh Phú Thành và các công ty Quảng Tân, Ngọc Hà, Vạn Nguyên Hưng thu tiền của người dân, UBND tỉnh giao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm.

Cuối năm 2011, nhiều nạn nhân gửi đơn tố cáo các doanh nghiệp lợi dụng Dự án “Trồng rừng sản xuất, bảo vệ đầu nguồn Thủy điện Đăk Pxi” để lừa đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum đã vào cuộc. Sau khi kiểm tra tại nhiều vị trí mà không thấy rừng, đặc biệt 600ha tại tiểu khu 671 và tiểu khu 672 mà Xí nghiệp Phú Thịnh báo cáo đã trồng xong năm 2009 - 2010 cũng không có rừng, cơ quan chức năng kết luận dự án không hiệu quả.

Tại cuộc họp ngày 17.11, ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum - đã yêu cầu Xí nghiệp Phú Thịnh chấm dứt hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Quảng Tân, phối hợp với Công ty Quảng Tân và các doanh nghiệp khác giải quyết hậu quả do việc liên doanh, liên kết gây ra.

Đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân đã vỡ mộng, chỉ mong đòi được tiền để hồi hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem