Mẩu giấy cổ "Tin Mừng của vợ Chúa Jesus" không phải đồ giả

Chủ nhật, ngày 13/04/2014 11:14 AM (GMT+7)
Một mẩu giấy papyrus được gọi là "Tin Mừng của vợ Chúa Jesus" từng gây chấn động khi một giáo sư sử học Khoa Thần học đại học Harvard công bố năm 2012 nay được các nhà khoa học thử nghiệm và kết luận có nguồn gốc cổ đại, không phải đồ giả mạo thời nay.
Bình luận 0
Báo New York Times ngày 10.4 cho biết các giáo sư cơ điện, hoá học và sinh học của các Đại học Columbia, Harvard và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã phân tích mẩu giấy papyrus và mực viết trên giấy này kỹ lưỡng và kết luận chúng có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 8.

Những nội dung của mẩu giấy này đã dấy lên những hoài nghi, tranh cãi chẳng khác nào lúc cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci ra đời, khi trên giấy ghi rằng "Chúa Jesus nói với họ: "Vợ tôi...", và "cô ấy sẽ có thể làm môn đệ của tôi". Đây là những điều chưa từng được Kinh Thánh ghi lại từ trước đến nay.

Mẩu giấy papyrus “Tin Mừng của vợ Chúa Jesus” gây tranh cãi - Ảnh: Đại học Harvard
Mẩu giấy papyrus “Tin Mừng của vợ Chúa Jesus” gây tranh cãi - Ảnh: Đại học Harvard

Giáo sư Karen L. King, người công bố mẩu giấy này hồi năm 2012, nói bà rất nghiêm túc tiếp thu ý kiến của nhiều người cho rằng mẩu giấy và nội dung trên là giả mạo, nhưng theo bà “Khi bạn có tất cả các bằng chứng đều chỉ theo một hướng, đó không hẳn là 100%, nhưng lịch sử cũng không phải là nơi mà 100% là điều phổ biến”.

Giáo sư King đã giới thiệu mẩu giấy này (4 x 8 cm) tại Đại hội Công giáo Ai Cập ở Rome (Ý) vào tháng 9.2012, và đã nhận hàng loạt chỉ trích như nội dung gây tranh cãi, các ký tự lem luốc đáng ngờ, ngữ pháp nghèo nàn, nguồn gốc không chắc chắn, mực in không được thử nghiệm v.v.

Và tờ báo của Vatican kết luận đó là đồ giả.

Mẩu giấy "Vợ của Chúa Jesus" sau đó được phân tích tại Đại học Columbia, bằng kỹ thuật vi quang phổ Raman để xác định thành phần hóa học của mực. Giáo sư James T. Yardley, chuyên về kỹ thuật điện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mực than đen trên mẩu giấy này "hoàn toàn phù hợp với 35 hoặc 40 bản thảo mà chúng tôi từng thấy", có niên đại từ năm 400 trước Công nguyên đến năm 700 hoặc 800 sau Công nguyên.

Một phân tích ở viện MIT cũng cho kết quả tương tự.

Giáo sư King nói mẩu giấy này không chứng minh rằng Chúa Jesus có vợ, mà gợi ý rằng các tín đồ của ông từ xưa đã viết về khả năng này.

Trong tiểu thuyết của Dan Brown, Mật mã Da Vinci có lập luận về bức tranh nổi tiếng "Bữa tiệc ly" của Leonardo da Vinci, cho thấy Mary Magdalene ngồi bên tay phải của Chúa Jesus, một dấu hiệu cho rằng cô là vợ của ông.

Tuy vậy, những người tán thành với nội dung trong mẩu giấy này đều đồng ý rằng ngay cả khi nó là thật, thì những dòng chữ đó đã không được viết trong nhiều thế kỷ sau khi Chúa Jesus chết.

Có ý kiến lại hoài nghi và bác bỏ kết quả nói trên. Chuyên san nghiên cứu Thần học của Harvard, nơi đăng kết quả chấn động này ngày 10.4 cũng đăng kèm luận cứ bác bỏ của giáo sư Leo Depuydt chuyên về Ai Cập cổ đại (Đại học Brown).

Ông Depuydt viết rằng nội dung của mẩu giấy có nhiều sai sót về mặt ngữ pháp mà một người Công giáo Ai Cập bản địa không thể mắc phải. Còn mực in thì ông nói rằng một thợ rèn có thể dễ dàng tạo ra bằng cách trộn bồ hóng của đèn cầy và dầu, và một sinh viên năm nhất môn Công giáo Ai Cập cũng có thể viết được bằng một cây bút bằng sậy!
Thanh Niên (Theo Thanh Niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem