Máy bay không người lái lượn xè xè trên "cánh đồng không bước chân", dân Bắc Ninh nói câu bất ngờ
Máy bay không người lái lượn xè xè trên "cánh đồng không bước chân", nông dân Bắc Ninh nói điều bất ngờ
N.Hoa
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 09:28 AM (GMT+7)
Đứng trên đầu bờ đợi mang những mẻ thóc mới về nhà, anh Vũ Mạnh Khởi xã Xuân Lai không giấu được niềm vui khi thấy năng suất lúa đạt, vượt dự kiến. Gia đình anh được chọn áp dụng thí điểm triển khai chương trình “Cánh đồng không bước chân” ứng dụng thiết bị bay không người lái-máy bay không người lái (Drone)...
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, từ vụ mùa năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phối hợp với các xã, thị trấn triển khai mô hình “Cánh đồng không bước chân” thực hiện cơ giới hoá đồng bộ tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch lúa…bước đầu, mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái tại cánh đồng xã xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Đứng trên đầu bờ đợi mang những mẻ thóc mới về nhà, anh Vũ Mạnh Khởi xã Xuân Lai không giấu được niềm vui khi thấy năng suất lúa đạt và vượt dự kiến.
Anh Khởi cho biết: “ Vụ mùa này, gia đình tôi được chọn áp dụng thí điểm triển khai chương trình “Cánh đồng không bước chân” ứng dụng thiết bị bay không người lái-máy bay không người lái (Drone) thực hiện cơ giới đồng bộ từ gieo thẳng, bón phân, phun thuốc BVTV. Nhờ đó, dù sản xuất hơn 20ha lúa nhưng những người nông dân như chúng tôi cảm thấy thuận lợi và đỡ vất vả hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống...”.
Vụ mùa năm 2022, Phòng NNPTNT huyện Gia Bình phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Công ty Cổ phần công nghệ Nhà Xanh triển khai chương trình “Cánh đồng không bước chân” tại các xã Xuân Lai, Nhân Thắng, Đại Bái, Lãng Ngâm, Đông Cứu và thị trấn Gia Bình với tổng diện tích hơn 161 ha.
Chương trình ứng dụng thiết bị bay không người lái thực hiện cơ giới đồng bộ từ gieo thẳng (áp dụng một loại giống trên một vùng 5ha trở lên) với các giống: Khang dân 18, Q5, PD 2, Nếp 97; bón phân; phun thuốc BVTV sử dụng các loại vật tư theo danh mục cho phép của Sở NNPTNT tỉnh.
Ngoài được UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc hóa học phòng trừ rầy lưng trắng cho mạ mùa, lúa gieo thẳng, 50% giá giống lúa năng suất, chất lượng cao, Huyện Gia Bình tiếp tục hỗ trợ 25% giá giống lúa năng suất quy mô từ 3 ha trở lên; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha quy vùng sản xuất tập trung từ 5ha trở lên sử dụng 1 giống lúa cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình cánh đồng không bước chân (tổng số hơn 619 triệu đồng).
Ngoài ra một số xã, thị trấn hỗ trợ giá lúa năng suất, chất lượng cao… đã tạo động lực tích cực để nhân dân tiếp thu vào sản xuất.
Năng suất lúa trên diện tích áp dụng chương trình “Cánh đồng không bước chân” đạt hơn 94 tạ/ha.
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới sử dụng thiết bị bay không người lái trong gieo cấy, bón phân và phun thuốc BVTV đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa so với phương pháp truyền thống, giúp giảm sức lao động nặng nhọc trong sản xuất.
Nếu như phương pháp truyền thống chi phí gieo cấy là 400.000đ/sào thì với việc sử dụng Drone chi phí với 35.000đ/sào giảm tới 365.000đ/sào, mật độ lúa đồng đều, giảm công tỉa dặm.
Trong khâu bón phân, việc sử dụng Drone với chi phí tương đương nhưng đã giảm được công lao động và khâu phun thuốc BVTV với việc áp dụng thiết bị Drone không ảnh hưởng sức khỏe con người, chi phí thấp, giảm lượng thuốc bảo vệ cho mỗi lần phun.
Lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt 94,5 tạ/ ha, (tăng gần 20 tạ/ ha). Qua sơ bộ hạch toán kinh tế cho thấy gieo cấy theo phương pháp sử dụng thiết bị bay không người lái hiệu quả kinh tế đạt 911.000 đồng/sào cao hơn 441.000 đồng/sào tương ứng cho lợi nhuận cao hơn 12.250.000đồng/ha so với phương pháp truyền thống.
Ông Phạm Công Quyện, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đánh giá: “Chương trình “Cánh đồng không bước chân” qua vụ đầu triển khai nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giảm bớt công lao động nặng nhọc, độc hại, giảm chi phí sản xuất, do vậy rất phù hợp trong điều kiện thiếu hụt lao động làm nông nghiệp như hiện nay.
Đặc biệt khi triển khai mô hình gắn với đưa các giống lúa năng xuất, chất lượng cao vào canh tác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi trong thực hiện tích tụ ruộng đất trên địa bàn. Từ mô hình sản xuất vụ mùa năm nay, các ngành chức năng của huyện sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng tại các xã, hướng tới hình thành các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo phương thức hàng hoá”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.