Hải Dương: Cả làng ra đồng hì hục đào loại cây cảnh này, đem buộc kín cho thương lái chở vào miền Nam

Thi Ngọc Chủ nhật, ngày 23/01/2022 19:01 PM (GMT+7)
Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết nguyên đán khoảng chục ngày là người dân xã Gia Xuyên, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) lại nô nức đào gốc, buộc cây hoa đào tết để cho thương lái chuyển đào miền Nam bán dịp tết.
Bình luận 0

Bí kíp để hoa đào nở đúng tết

Ghi nhận của PV Báo điện tử Dân Việt, tại cánh đồng trồng hoa đào thuộc xã Gia Xuyên, TP Hải Dương, người dân đang hối hả đón đào từ dưới ruộng chuẩn bị đưa đi giao cho khách chơi tết. 

Các loại đào ở đây cũng rất phong phú, gồm đào Bích, đào Bộp, đào Phai và cả đào rừng… cũng được đưa về ghép mắt trồng tại địa phương.

Clip: Bà Vũ Thị Sinh, nông dân trồng đào tết ở xã Gia Xuyên, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đang buộc các cây hoa đào chuẩn bị giao đến khách hàng vận chuyển vào miền Nam tiêu thụ. Video: Thi Ngọc

Điều đặc biệt là, năm nay mùa Đông không lạnh lắm nên nhiều nơi đào nở sớm như Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên. Tuy nhiên, đào ở đây lại đang vào tầm rất đẹp. Các nụ đào mới chỉ chúm chím nhú lên, dự kiến đúng tết sẽ bật ra khoe sắc.

Nhìn những người dân trồng đào tôi có cảm giác như họ là những nghệ nhân thực thụ. Họ nâng niu những tác phẩm của mình một cách rất cẩn trọng. Từ cách đón gốc, buộc cây để làm sao cho hoa không bị rơi rụng, cành khỏi gẫy… Tất cả đều rất tỉ mỉ và chứa đựng bao tâm huyết của người trồng cây.

Hải Dương: Nông dân có bí kíp gì mà hoa đào được vào miền Nam đón tết? - Ảnh 2.

Cây đào được vợ chông bà Sinh trồng 6 năm và bán cho khách với giá 2 triệu đồng. Ảnh: Thi Ngọc

Cũng dễ hiểu thôi vì mỗi gốc đào phải trồng hàng năm trời mới đến vụ thu hoạch. Chưa kể trước đó, có những cây phải thả đến 3,4 năm để gốc to mới bán được giá. Quá trình chăm sóc đào cũng khá vất vả và tốn kém, đòi hỏi người dân phải liên tục và sát sao bên đồng ruộng.

Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Sinh, khoảng 65 tuổi, đội 2, xã Gia Xuyên cho biết, nhà ông bà trồng đào đã nhiều năm nay. Hiện tại ông bà già nên chỉ trồng được 3 sào. 

Mỗi sào trồng khoảng 50-70 gốc tùy theo cây to hay nhỏ. Công việc trồng đào mất khá nhiều thời gian và tốn kém vì năm nay đạm lân đều tăng giá. Ông bà hầu như phải liên tục trên đồng ruộng, bón phân đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật, vun gốc, điều chỉnh nước ra vào…cho phù hợp.

Theo bà Sinh, ngoài việc chăm bón cho đào, kỹ thuật trồng để hoa sai nụ, nở đúng độ là rất quan trọng. Làm thế nào để gốc đào to, cánh hoa dày dặn và thắm thì khách hàng mới ưa chuộng. Một trong những kỹ thuật đó là lúc tiễn đào và thời điểm tuốt lá. 

Tiễn đào là gọt bì đúng độ sâu, độ rộng và đúng thời điểm để tập trung chất dinh dưỡng nuôi gốc cây. Nếu tiễn không đúng kỹ thuật làm cây đau thì lá sẽ rụng sớm dẫn đến việc tuốt lá để hãm hoa không như ý. Ngoài ra, còn phải quan sát và dự đoán thời tiết để có cách hãm đào hợp lý.

"Năm nay đào nhà tôi khá đẹp, nụ dày nhưng cũng chỉ bán với giá vừa phải vì không phải mất công vận chuyển và đi bán. Số đào trên vườn nhà tôi đều đã có khách đặt trước, tết đến là đúng tầm hoa nở rộ rất đẹp. Với một cây đào có tuổi đời 6 năm tôi đang bán cho khách với giá 2 triệu đồng/ cây. So với việc trồng một số hoa màu khác thì trồng đào vẫn hiệu quả hơn cả.", bà Sinh vừa làm vừa vui vẻ nói.

Ô tô xếp hàng dài đưa hoa đào vào miền Nam đón tết

Hòa chung không khí nhộn nhịp của người dân trồng đào trước mùa thu hoạch, trên đường nơi giáp ruộng đào, từng đoàn xe cũng tấp nập xếp thành hàng dài, mỗi xe đều có thùng rất to và rộng để chuẩn bị vận chuyển đào sẵn sàng vào miền Nam đón Tết.

Hải Dương: Nông dân có bí kíp gì mà hoa đào được vào miền Nam đón tết? - Ảnh 3.

Những cây đào rất sai nụ được bó buộc cẩn thận trước chuyến đi xa. Ảnh: Thi Ngọc

Những gốc đào sau khi được bó buộc cẩn thận, đảm bảo an toàn cho chuyến đi xa được người dân chuyển dần lên đường, gần nơi xe ô tô đậu. Phía trên đường có một lực lượng bốc lên xe, sắp xếp rất chuyên nghiệp. Ai nấy đều háo hức và trong mắt ánh lên niềm hy vọng chuẩn bị một mùa xuân tươi vui, no đủ sắp tới gần.

Bà Tăng Thị Dân, thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên, TP Hải Dương cho biết, hầu hết các xe ô tô đỗ ở đây là đợi để đưa đào vào Miền Nam. Bắt đầu từ Đà Nẵng đổ vào tùy theo mối quan hệ của từng nhà. 

Do người dân miền Nam quen chơi đào ở đây bao năm nay nên tuy giá có cao chút nhưng vẫn dễ bán hơn ngoài Bắc. Mỗi chuyến xe chở được khoảng 400-500 gốc đào với mức chi phí khoảng 19 triệu đồng. 

Ngoài ra, chủ đào còn phải thêm chi phí thuê địa điểm bán hàng nên giá đào trong đó khá cao so với ngoài Bắc. Tuy nhiên, do trồng đào đúng kỹ thuật và hiểu sở thích người miền Nam nên năm nào bà Dân cũng theo xe vào trong đó bán và được giá tốt.

"Nhà tôi trồng khoảng 7 sào đào, cứ tầm 20 tháng Chạp âm lịch là chúng tôi vận chuyển vào miền Nam mở bán. Nếu thuận lợi, trừ hết chi phí cũng để ra được vài trăm triệu tùy từng năm. So với các loại hoa màu khác thì tôi thấy trồng đào vẫn hiệu quả nhất", bà Dân nói.

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên thông tin, hiện tại trên địa bàn xã Gia Xuyên có khoảng 160 hộ trồng đào với diện tích khoảng 80 ha.

Hộ trồng nhiều nhất khoảng 2,5 mẫu. Theo ông Tân, người dân địa phương ông có nghề trồng đào khoảng gần 30 năm nay, nhờ điều kiện thổ nhưỡng kết hợp với trình độ kỹ thuật của người dân nên trồng đào mang lại hiệu quả cao so với việc trồng một số hoa màu khác.

Hải Dương: Nông dân có bí kíp gì mà hoa đào được vào miền Nam đón tết? - Ảnh 4.

Người dân hối hả vận chuyển đào lên xe để đưa vào miền Nam. Ảnh: Thi Ngọc

Theo ông Tân, đối tượng khách hàng mà người dân quê ông hướng đến là các khách hàng bậc trung. Thời gian người dân quê ông thu hoạch đào đem bán diễn ra khá nhanh chỉ trong khoảng 3,4 ngày vì còn đem đi nhiều nơi cho kịp tết. Thị trường tiêu thụ là Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng và miền Nam trong đó, miền Nam là chủ yếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem