Đó là thực tế đang diễn ra trên nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp ở nước ta, khi hầu hết các loại máy từ cày, bừa, cấy, gặt cho đến máy phơi mà người dân đang sử dụng đều là máy nhập ngoại.
|
Giá máy nông nghiệp sản xuất trong nước thường cao hơn máy nhập khẩu. |
Muốn mua cũng không có
Buổi trình diễn máy cấy ở phường Vạn An, TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) thu hút khá đông nông dân đến xem. Đây là lần đầu tiên, bà con ở đây được tận mắt thấy một chiếc máy hiện đại đến thế. Chỉ có điều chiếc máy cấy đó lại mang một cái tên nước ngoài lạ hoắc “Kubota”.
Lão nông Nguyễn Văn Khỏe vừa xem máy, vừa chỉ trỏ: “Cả đời chúng tôi chỉ biết cấy lúa bằng tay, không biết anh nào nghĩ ra cái máy này mà hiện đại thế”.
Được sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bắc Ninh, Công ty TNHH Kubota Việt Nam đã thực hiện việc trình diễn máy cấy lúa đi sau SPW-48C trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Kỹ sư Trịnh Minh Hiến - người vận hành chiếc máy này cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành trình diễn chiếc máy cấy này ở nhiều địa phương, máy có rất nhiều ưu điểm như cấy nhanh, thẳng hàng, 15 phút cấy xong 1 sào. Tuy nhiên, giá thành nhập khẩu và lắp ráp loại máy này rất lớn, hơn 1 tỷ đồng/chiếc do phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ Nhật Bản”.
Ông Nguyễn Hữu Trượng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm máy cấy lúa và cũng chỉ mới có Công ty Kubota tham gia”. Thực tế, trước đây, Bắc Ninh cũng đã từng thực hiện các mô hình trình diễn máy nông nghiệp nhưng việc này chưa được duy trì thường xuyên, vì không có máy. “Máy nông nghiệp chủ yếu là nhập ngoại, chứ chưa có máy nội để có thể trình diễn và ứng dụng vào trong sản xuất. Thậm chí máy của Kubota cũng là họ… cho mượn” - ông Trượng nhận xét.
Giá cao, chất lượng... thấp
Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch là đơn vị nghiên cứu hàng đầu về máy móc sản xuất nông nghiệp hiện nay. Song chính ông Chu Văn Thiện - Phó Viện trưởng cũng phải thừa nhận: “Sản xuất máy nông nghiệp đang là “vùng trũng” của công nghệ chế tạo máy ở VN. Máy sản xuất trong nước chủng loại nghèo nàn, công nghệ lạc hậu”.
Theo ông Thiện, thị trường máy nông nghiệp nội địa đang thực sự là “miếng mồi” béo bở cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Ông Thiện dẫn chứng, Viện đã chế tạo thành công một hệ thống máy thu gom, đóng kiện, bảo quản và chế biến rơm như máy thu gom, đóng kiện tròn rơm rạ trên đồng liên hợp với máy kéo.
Qua thử nghiệm tại một số cánh đồng ở Hải Dương và ĐBSCL, sản phẩm này đã cho kết quả tương đương với một số loại máy nhập ngoại cùng loại. Tuy nhiên, để đưa vào thực tế rất khó, bởi kinh phí sản xuất các loại máy nông nghiệp tương đối lớn, nên nhiều doanh nghiệp trong nước không dám bỏ tiền đầu tư.
Theo thống kê của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, riêng máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường có đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước.
Nghịch lý trên đã và vẫn đang là bài toán khó cho ngành sản xuất máy nông nghiệp. Chỉ riêng vùng nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 24.000 máy nhưng chưa chắc đã tiêu thụ hết bởi người dân chuộng mua máy Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên nhân do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập 15 - 30%, hiệu quả lại kém hơn.
Theo ông Chu Văn Thiện, để giành lại thị phần, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của người tiêu dùng (nông dân), nhà sản xuất và người làm công tác nghiên cứu. “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều loại máy phù hợp với điều kiện ở nhiều vùng miền trong nước nhưng không có nhà máy sản xuất” - ông Thiện phân trần.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.