Trong danh sách 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy hử truyện, Lãng tử Yến Thanh là đầu lĩnh thứ 36 – cuối cùng trong nhóm Thiên Cương, được sao Thiên Xảo tinh chiếu mạng.
Yến Thanh trong Thủy Hử truyện
Yến Thanh xuất hiện lần đầu tiên ở hồi thứ 60, trạc 20 tuổi, dưới ngòi bút của Thi Nại Am là một thanh niên dung mạo tuấn tú, cao hơn 6 thước (cỡ 1m9 ngày nay), da trắng, môi đỏ, lông mày lưỡi kiếm, lại có tài thổi tiêu đàn hát.
Lãng tử Yến Thanh, mỹ nam toàn diện nhất Thủy Hử.
Yến Thanh sinh tại tại phủ Đại Danh, thành Bắc Kinh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm Yến Thanh lên 13 tuổi một thân một mình lưu lạc đến vùng Hà Bắc, thì gặp được Ngọc kì Lân Lư Tuấn Nghĩa. Nghĩa, dù là 1 trong “Tam kiệt Hà Bắc” nhưng lúc ấy đã bị triều đình phế chức sau thất bại ở trận chiến với quân Liêu, nên đành lui về quê nhà làm một viên ngoại bình thường.
Nghĩa thấy Thanh lanh lợi, lễ phép lại dung mạo hơn người, sau khi nghe chuyện thương lắm, nhận về làm gia nhân trong nhà. Tiếng là chủ tớ, nhưng Nghĩa đối đãi với Thanh chẳng khác nào con ruột. Bản thân Yến Thanh vì thế mà nhất mực trung thành với Nghĩa.
Sau khi cùng Lư Tuấn Nghĩa gia nhập Lương Sơn Bạc, Yến Thanh được phân ngôi thứ 36, là một trong 10 đầu lĩnh bộ quân (cùng với Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lưu Đường, Lý Quỳ, Lôi Hoành, Dương Hùng, Thạch Tú, Giải Trân, Giải Bảo).
Yến Thanh cầm kì thi họa, môn nào cũng xuất sắc.
Việc Yến Thanh, lên Lương Sơn đã muộn, tuổi đời thuộc loại ít nhất trong số 108 người, lại chưa lập được công lao lớn ngoài việc giúp Lư Tuấn Nghĩa bắt được Sử văn Cung ở trận đánh Tăng đầu thị báo thù cho Tiều Cái, được xếp thứ 36 khi phân định ngôi thứ đầu lĩnh Lương Sơn, gây ra sự khó hiểu với nhiều thế hệ người đọc Thủy Hử sau này.
Phải tới phần “Hậu Thủy Hử”, khi Thi Nại Am và La Quán Trung dành nhiều chương hồi để miêu tả tài trí và võ nghệ tuyệt luân của Yến Thanh, cùng những đóng góp lớn lao của “Lãng tử” trong việc hoàn thành kế hoạch “nhận chiêu an từ triều đình” của đại ca Tống Giang, rồi vô số chiến công trong các trận đánh dẹp giặc Liêu, Điền Hổ, Phương Lạp… đa số mới có được cái nhìn rõ nét và sâu sắc về nhân vật này.
Mê tung quyền của Yến Thanh
Khi ấy, một Yến Thanh toàn diện nhất mới thực sự rõ ràng. Bên cạnh hình ảnh một chuẩn soái ca, cầm kì thi họa xuất sắc, là một Yến Thanh võ nghệ toàn tài. Không chỉ cực giỏi trong việc sử thương, đánh gậy, Yến Thanh còn là tay thiện xạ trong việc dùng nỏ. Ngay cả chiếc mũ rộng vành mà Yến Thanh hay đội cũng là thứ “phi tiêu” ám toán mà mỹ nam này thường sử dụng trong các trận giao chiến.
Yến Thanh, trong Thủy Hử, còn là một tay nỏ thiện xạ.
Nhưng kĩ nghệ khiến Yến Thanh được coi là đệ nhất trong nhóm đầu lĩnh bộ binh chính là món võ Yến Thanh quyền. Thời thiếu niên lưu lạc, Yến Thanh được một vị sư của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam truyền dạy bài quyền “Mê Tông La Hán”. Sau khi về với Lư Tuấn Nghĩa, Yến Thanh tập trung luyện thạo “Mê Tông La Hán” đồng thời phát triển bài quyền này thành sở học của riêng mình. Chính là Mê tung quyền, hay còn được biết tới với cái tên Yến Thanh Quyền.
Mê (迷) có nghĩa là biến ảo (không để lại dấu vết), tung (蹤) có nghĩa là dấu vết, dấu chân, dịch là “những bước chân kỳ ảo”. Đặc điểm của Yến Thanh quyền là nhẹ nhàng mau lẹ, thi triển phiêu dật (nhàn hạ thoải mái), trọng công phu trọng khéo léo, đủ cả cứng mềm. Môn quyền này về cơ bản được tích hợp giữa phong cách của các loại quyền thuật Bắc Thiếu Lâm pha trộn với phong cách quyền thuật của Đạo gia như Nội gia quyền và Bát Quái chưởng.
Về thủ pháp thì chủ yếu là móc, ôm, ngắt, vuốt, bọc, vồ, gác, ép, chú trọng kỹ pháp cầm nã. Về thoái pháp (bộ pháp: tấn pháp - cước pháp) chủ yếu là đá, điểm, móc, treo, quấn, quét, cắt, hất cả đến khều âm cước xé giữa hai chân, liên hoàn dậm, tránh chân (đóa tử cước) biểu thị yêu cầu tập trung vào một điểm mà đề cập tới cả tám phương.
Nhưng “kĩ nghệ” số 1 của Yến Thanh là “Mê Tung quyền”.
Trong quyền quyết nói: "Thấy cứng rụt tay về, về tay vào tay lén, tay lén mà ngắt tay, ngắt tay vào ôm tay". Thế quyền tuy nghiêm ngặt mà vẫn chuyên chú tính uyển chuyển của Bắc Thiếu Lâm và phong thái tiêu diêu nhàn nhã của Đạo gia.
Đệ nhất Võ gia Lương Sơn
Trong Thủy Hử, Yến Thanh thường “bắt cặp”với Lý Quỳ trong những lần được đại ca Tống Giang giao đi trinh sát, do thám tình hình địch. Và điều này không hề ngẫu nhiên. Ngoài việc tính cách thâm trầm, sâu sắc của Yến Thanh sẽ bổ trợ cho cái sự hữu dũng vô mưu của Lý Quỳ còn là bởi trong tất thảy các huynh đệ Lương Sơn, người “Trâu đen” khoái nhất là Yến Thanh mà người gã ngại nhất cũng là Yến Thanh.
Bởi Lý Quỳ dù sức khỏe vô địch, sử đôi búa nặng hơn tạ đánh đông dẹp bắc chẳng sợ hiểm nguy nhưng chỉ là tay “trẻ nít” khi đối mặt với “Yến Thanh quyền”. Ngay ở Chương 2, hồi 73 trong “Thủy hử truyện”, Thi Nại Am – La Quán Trung đã có những đoạn viết về việc Yến Thanh chỉ dùng một đòn, nắm lấy đai lưng Lý Quỳ mà vật “Trâu đen” ngã chổng vó.
Yến Thanh từng nhiều lần khiến Lý Quỳ đo ván vì tài quyền siêu hạng của mình.
Xét về quyền thuật, nếu Yến Thanh không nhận ngôi nhất trong nhóm đầu lĩnh Lương Sơn thì cũng chẳng vị anh hùng nào dám chiếm phần hơn so với “Lãng tử”. Các tác gia của “Thủy Hử truyện” dành nhiều ưu ái cho Yến Thanh bởi chàng thực sự là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc, là vị anh hùng dân gian trong cuộc khởi nghĩa của nông dân Sơn Đông thời Bắc Tống, nổi tiếng với môn võ Yến Thanh quyền.
Cái kết của Yến Thanh trong “Thủy hử truyện” cũng khác đa số các vị anh hùng còn sống sót sau trận chiến Phương Lạp. Sau khi không khuyên được Lư Tuấn Nghĩa nộp trả quan bằng tìm nơi yên tĩnh mà sống nốt phần đời còn lại tự do tự tại, Yến Thanh đã để lại một bức thư cáo biệt Tống Giang và các huynh đệ, rồi lẳng lặng ra đi.
Mối tình đẹp Yến Thanh – Lý Sư Sư trong Thủy Hử.
"Nay xét mình mệnh bạc thân hèn, không kham đặng sự trọng dụng của triều đình. Tiểu đệ xin được lui về làm kẻ dân thường, an cư nơi sơn dã. Tiểu đệ vẫn muốn đến lạy chào cáo biệt chủ tướng, nhưng nghĩ rằng chủ tướng coi trọng nghĩa khí, không để cho tiểu đệ ra đi, chỉ còn cách phải lẻn đi trong đêm vắng".
Có nhiều truyền thuyết về Yến Thanh sau đó. Từ chuyện chàng tìm gặp Lý Sư Sư rồi hai người cùng nhau về vùng thôn dã sống cuộc đời hạnh phúc đến già. Hay chuyện, Yến Thanh một mình ngao du sơn thủy, đến tuổi trung niên thì trở lại vùng Sơn Đông mở lò võ truyền dạy môn Yến Thanh quyền trong dân gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.