Mì ăn liền "Đệ Nhất mì gia" bị cảnh báo ở EU, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị họp gấp để tháo gỡ
P.V
Thứ ba, ngày 08/02/2022 16:01 PM (GMT+7)
Sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam lại bị EU cảnh báo do chứa 2-Chloroethanol. Từ thực tế đó, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) đề xuất với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam xúc tiến cuộc họp trực tuyến giữa 2 bên để tháo gỡ các vấn đề liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Văn phòng SPS Việt Nam vừa có Văn bản số 16/SPS-BNNVN ban hành ngày 7/2/2022 gửi Vụ Khoa học và Công Nghệ (Bộ Công Thương) thông tin về thông báo của Liên minh châu Âu về sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam.
Trong văn bản này, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, tiếp theo thông báo 2021.4233 ngày 9/8/2021 đối với sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu “Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour”, ngày 24/1/2022, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) tiếp tục nhận được từ Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu, số tham chiếu 2022.0428 đối với sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gia”.
Cụ thể, quốc gia thông báo về thông tin sản phẩm là Cộng hòa Liên bang Đức; sản phẩm bị thông báo là mì ăn liền nhãn hiệu “Đệ nhất mì gia” do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (tên tiếng Anh “Acecook Vietnam Joint Stock Company”) sản xuất; địa chỉ: Lô số II-3, Đường số 11, cụm công nghiệp II, khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.
Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu cảnh báo sản phẩm có mối nguy là chứa 2-Chloroethanol ở mức 1,6mg/kg.
Từ thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam báo cáo theo quy định.
Trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cập nhật tình hình thực hiện các cam kết SPS của Hiệp định EVFTA.
Với chức năng là cơ quan đầu mối của Việt Nam về việc thực thi Chương SPS của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị một số nội dung cần thảo luận tại phiên họp lần thứ 2 của Tiểu ban SPS thuộc Ủy ban hỗn hợp thực thi EVFTA như sau:
Phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; việc yêu cầu bổ sung chứng thư (health report) và test report với chỉ tiêu Ethylene oxide đối với các sản phẩm thực phẩm ăn liền nhập khẩu vào EU.
Thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần xuất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền;
Cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS của Hiệp định EVFTA; cập nhật danh sách doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại;.
Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị cơ quan đầu mối phía EU về việc thực thi Chương SPS của EVFTA, tiến hành trao đổi với các cơ quan chức năng EU để sắp xếp một cuộc họp trực tuyến nhằm thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên, thời gian dự kiến: đầu tháng 3/2022.
2-Chloroethanol (2-CE) là chất lỏng không màu, có mùi giống ete dễ chịu, rất dễ hòa tan trong nước. Khác so với Ethylene Oxide (EO), 2-CE không xếp vào nhóm chất gây ung thư.
Trên thực tế, EO và 2-CE là 2 chất hoàn toàn khác nhau. Vì thế, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…) cho rằng cần phải quản lý 2-CE một cách riêng biệt với EO. Tuy nhiên, tại Liên minh châu Âu EU đã gộp giá trị EO và 2-CE thành giá trị tiêu chuẩn chung với hàm lượng cho phép rất thấp (0.02 – 0.1 ppm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.