Miền Tây làm lúa vụ thu đông, từ bấp bênh thành vụ ăn chắc

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 15/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Nhờ đồng ruộng được khép kín, hệ thống đê bao khá an toàn, không lo bị ảnh hưởng của lũ ở cuối vụ nên từ chỗ sản xuất bấp bênh, vài năm trở lại đây, vụ lúa thu đông trở thành vụ ăn chắc ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

Vụ lúa thu đông, từ bấp bênh sang ăn chắc - Ảnh 1.

Nông dân Cần Thơ chăm sóc lúa thu đông. Ảnh: T.L

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp trong năm 2020 phải sản xuất 43,5 triệu tấn lúa. Để đạt được mục tiêu này, mũi sản xuất lương thực cực kỳ quan trọng. 

Vì vậy, Bộ chỉ đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương, thống nhất phương án để tăng diện tích sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL lên trên 800.000ha.

Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ lúa thu đông 2020, tỉnh có kế hoạch xuống giống 38.500ha, tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm như: Vị Thủy (12.600ha), Phụng Hiệp (7.700ha), Châu Thành A (7.000ha)… 

Trong khi đó, chỉ tiêu mà Bộ NNPTNT giao cho tỉnh Hậu Giang là 40.000ha. Vì vậy, các huyện, thị, thành của tỉnh Hậu Giang đã tích cực chỉ đạo xuống giống thu đông tăng thêm 1.500ha.

Tại tỉnh Kiên Giang, kế hoạch xuống giống lúa thu đông của tỉnh là 72.000ha, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt gần 4,4 triệu tấn. Cá biệt, một số địa phương của tỉnh Kiên Giang đã xuống giống lúa thu đông vượt khá xa về diện tích so với kế hoạch đề ra.

Tương tự, nông dân TP.Cần Thơ đã xuống giống được 66.587ha diện tích lúa thu đông, đạt 104% so với kế hoạch và tăng 3.637ha so với cùng kỳ. Hiện nhiều trà lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. 

Nông dân được khuyến cáo sản xuất các giống lúa dài có chất lượng cao nhằm cuối vụ dễ tiêu thụ. Các giống lúa gieo sạ trong vụ này chủ yếu gồm: OM5451, IR50404, OM4218, Ðài Thơm 8, OM380, Jasmine 85, nếp và một số giống khác…

Theo đánh giá của Sở NNPTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa thu đông năm nay gặp nhiều thuận lợi do sâu bệnh giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đồng ruộng được khép kín, hệ thống đê bao khá an toàn nên không lo lũ cuối vụ. 

Tại An Giang, vụ thu đông còn được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc trong năm. Tỉnh cũng khuyến cáo nông dân xuống giống ở những ô bao đảm bảo an toàn; 80% giống lúa là các giống chất lượng cao.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 5 đến tháng 10/2020 tại khu vực Nam Bộ thời gian tới xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Cụ thể, xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau đến đầu tháng 5/2020 về sau đều sẽ giảm. 

Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam Bộ, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9. Về thực tiễn sản xuất cho thấy khoảng thời gian giãn cách từ vụ hè thu sang vụ đông xuân 2020-2021 tương đối dài tại các tỉnh thượng nguồn và vùng giữa - bao gồm Hậu Giang, tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho sản xuất vụ lúa thu đông 2020.

Bên cạnh đó theo Cục Trồng trọt, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa có lợi cho nông dân, khả năng xuất khẩu tốt. Qua thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, năm nay có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão trong đó có 5-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nên các địa phương và nông dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chỉ đạo kế hoạch sản xuất.

Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân thắng lợi cả về diện tích, năng suất và giá trị, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khuyến cáo, các địa phương cần tập trung sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và giảm gieo cấy các giống lúa có phẩm cấp gạo trung bình; giảm gieo sạ, sử dụng máy cấy và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ và dịch hại để có biện pháp chủ động ứng phó; sử dụng những giống lúa có khả năng chống chịu rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, giống ngắn ngày tại những vùng có nguy cơ bị lũ.

Cần khuyến cáo nông dân xuống giống lúa đúng kế hoạch, tạo điều kiện để kết thúc nhanh, gọn, thuận lợi cho các vụ sản xuất sau; đẩy mạnh việc nhân rộng và xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao; xây dựng các cánh đồng lớn theo hướng hợp tác liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem