“Miếng bánh” của nông dân

Thứ sáu, ngày 21/03/2014 08:46 AM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc đến yêu cầu “cần có chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo để làm sao mỗi lao động nông nghiệp làm ra lương thực, thực phẩm nuôi vài ba chục người như ở những nước phát triển”.
Bình luận 0
Trong một bài viết về 5 năm thực hiện nghị quyết tam nông, Chủ tịch Quốc hội cũng không quên nhiệm vụ: “Phải tổ chức sản xuất hiện đại, tiên tiến, khoa học, liên kết, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, tăng sản lượng và giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để thu nhập và đời sống nông dân ngày một cao hơn”. Xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã lo lắng cho nông nghiệp và quan tâm đến nông dân.

Nhưng để “miếng bánh ngon” không mãi là “bánh vẽ”, có lẽ, còn phải có thêm một yêu cầu, rằng những người thực thi phải làm thật.

“Miếng bánh ngon” là cách mà người ta vui mừng khi nhìn thấy con số “Hơn 180 doanh nghiệp (DN) đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Triển lãm chăn nuôi quốc tế tại TP.HCM” với những hứa hẹn “các dự án đầu tư ở Việt Nam”.

Báo chí, dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang nhắc đến các từ “cơ hội để tăng sức cạnh tranh”, “DN chăn nuôi nội chỉ chiếm 30%, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ vì vậy nếu hút được vốn ngoại vào chăn nuôi là hết sức cần thiết”.

Nhưng chúng ta có gì trong tay áo để biến cơ hội thành lợi thế, chứ không phải để lâm vào cảnh “chỉ chờ chết hay làm thuê cho DN ngoại”?

Có một con số đã được nhắc tới khi ngành chăn nuôi ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam lại chỉ chiếm được có 30% thị phần hiện tại.

Nhưng đằng sau 70% còn lại không chỉ là sự thống trị mà đó là bi kịch của sự lệ thuộc, cũng là bi kịch lớn nhất của nông dân khi từ vai trò những ông chủ, họ trở thành người làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình, ngay trên chuồng trại của mình, ngay trên lưng con gà, con heo và ngay bằng giọt mồ hôi trên vai áo.

Người ta cứ trách nông dân làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, khiến năng suất chăn nuôi thấp trong khi giá thành lại cao. Nhưng nông dân đã bao giờ có gì để cạnh tranh đâu.

Và rõ ràng, người ta không thể tay không đón nguồn vốn ngoại được cho là sẽ “ồ ạt đổ vào chăn nuôi” sau TPP.

Cũng mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm.

Nhưng vay được hay không lại là một chuyện khác. Cũng như tiền chỉ là một trong vô vàn các yếu tố để làm nên mấy chữ “tăng tính cạnh tranh”. Mong là ngay trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, Chủ tịch Quốc hội sẽ hỏi lại những người có trách nhiệm xem họ đã làm gì!
Anh Đào (Anh Đào)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem