Miệng hôi do đâu?

Thứ sáu, ngày 15/04/2011 20:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông thường, hễ mười người có vấn đề với hơi thở thì tới hơn phân nửa nghĩ ngay đến nguyên nhân thật gần, đến lý do đâu đó đang núp kín trong vùng răng miệng.
Bình luận 0
img

Chữa hoài không hết vì định kiến

Tất nhiên hơi thở khó trong lành nếu răng không sạch sau bữa ăn, nếu viêm nha chu thường xuyên. Không sai là răng đứng hàng đầu trên bảng danh sách thủ phạm, nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng. Bằng chứng là không thiếu người chịu khó đến nha sĩ nhiều lần, nhưng vẫn khổ tâm mỗi lần phải mở miệng.

Số còn lại thường kết tội cho dạ dày vì tiêu hóa trục trặc sao đó nên uế khí dội ngược lên trên. Không sai nhưng cũng chưa chính xác. Đừng quên là hôi miệng do nguyên nhân ở dạ dày, như trong hội chứng trào ngược, trên thực tế chiếm tỷ lệ rất thấp, thậm chí đứng sau bệnh bội nhiễm vùng lân cận như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa… Đây cũng là điểm đáng lưu ý vì nếu các căn bệnh này không được điều trị đến nơi đến chốn thì miệng nếu không hôi mới lạ!

Đáng tiếc nếu chuyện gì cũng vơ đũa cả nắm rồi đổ tội cho vi khuẩn trong miệng. Cũng như người đời, vi khuẩn trong vùng hầu họng, cũng có loại tốt loại xấu. Có nhiều chủng loại vi khuẩn sống trên lưỡi tuy cũng có tên nghe ghê ghê nhưng hữu ích nhờ công năng ngăn chặn các loại “tà” khuẩn.

Nếu vì lý do nào đó mà phe "chính phái" bị đánh tả tơi do một số thói quen xấu của gia chủ, như kéo hơi vào quá thường bằng đường miệng vì nhai kẹo cao su, vì nói nhiều, nói trong khi ăn, lạm dụng thuốc kháng sinh và nhất là hút thuốc, thì lực lượng vi khuẩn phe ta không còn đủ sức trấn áp thành phần nấm mốc bao giờ cũng có sẵn trong miệng và chực chờ từng cơ hội.

Đừng nghe hai tiếng vi khuẩn rồi ghê, phản ứng lên men của nấm mốc mới thực sự là nguyên nhân gây hôi miệng vừa ác liệt về mùi xú uế, vừa khó chữa! Đáng nói hơn nữa là nhiều người chưa biết hậu cứ kín đáo của đám nấm mốc chuyên nghề thừa nước đục thả câu là vùng đáy lưỡi. Đánh răng nhiều lần trong ngày, dùng chỉ chải khe răng đúng y lời dạy của nha sĩ mà quên vùng này thì tiền mất tật mang là cái chắc!

Giải pháp trong tầm tay

Đừng bao giờ quên ăn sáng để mượn nước bọt kéo sạch rác rến trong miệng, Nhưng cũng đừng quên đánh răng thật sạch sau đó.

Muốn khử nấm mốc sống ký sinh trong vùng hầu họng lại tương đối đơn giản. Theo lời khuyên của Hiệp hội Nha sĩ ở CHLB Đức nên nhớ:

- Mỗi ngày 2 lần sáng tối dùng cây cạo lưỡi làm sạch vùng đáy lưỡi một cách nhẹ nhàng.

- Tránh lạm dụng các loại thuốc súc miệng có tính kháng khuẩn vì hễ diệt khuẩn thì nấm mốc lợi dụng thời cơ.

- Uống nước cho đủ trong ngày vì nấm mốc chỉ đợi thiếu nước bọt là thừa nước đục thả câu.

- Nhai ngay chút ngò rí sau khi ăn các món nặng mùi như tỏi, hành, mắm, sầu riêng…

- Súc miệng cho sạch sau khi uống cà phê.

- Súc miệng mỗi sáng với một muỗng canh dầu ăn nếu hay viêm họng để mượn phương pháp của y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda làm phương tiện thanh trùng vùng hầu họng.

- Súc miệng mỗi tối với nước trà pha chút tinh dầu cây thuốc, loại nào cũng được, loại nào dùng xong thấy dễ chịu.

Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Thường khi chạy quanh để rồi trở về chỗ rất gần. Nhiều khi giải pháp của vấn đề tưởng chừng nhiêu khê lại đơn giản, lắm khi rất gần trong tầm tay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem