Những con đường này giúp cho việc vận chuyển, tiêu thụ mía của bà con nông dân được thông suốt.
Thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định) với 30 hộ dân có đất canh tác ở bên kia ruộng Cạn. Trước kia, con đường từ Hòa Ngãi đi Bàu Làng qua ruộng Cạn nhỏ và lầy lại phải qua suối, đến mùa thu hoạch xe không thể vào tận nơi vận chuyển nông sản, vì thế nông dân buộc phải gánh mía xuống núi tiêu thụ.
|
Nông dân góp công sức mở tuyến đường từ Hòa Ngãi đi Bàu Làng qua ruộng Cạn. |
Ông La Lan Tiến- Trưởng thôn Hòa Ngãi cho biết: "Từ khi phát động xây dựng NTM, vấn đề giao thông được chính quyền và người dân chú ý trước tiên. Chính quyền địa phương đã vận động bà con nhân dân đóng góp công sức, tiền của nâng cấp đường vào ruộng Cạn".
Ông Ma Cột ở thôn Hòa Ngãi cho biết: "Nhà tôi có hơn 1ha mía và 1ha sắn ở trong ruộng Cạn. Khi địa phương phát động là tôi tham gia góp chục ngày công để tu sửa đường, riêng tiền mặt thì góp khoảng 1 triệu đồng".
Chung suy nghĩ như ông Ma Cột, anh Mí Đỏ cũng ở thôn Hòa Ngãi phấn khởi nói: "Con đường mở rộng, nâng cấp, bà con ai cũng mừng. Mía, sắn, vận chuyển dễ dàng, đem lại lợi ích kinh tế cho bà con vì thế gia đình nào có đất trúng đường thì hiến đất không đòi hỏi bồi thường".
Đến thời điểm này, đoạn đường vào ruộng Cạn đã được mở rộng, bằng phẳng, xe cơ giới có thể vào. Toàn bộ chi phí làm đường (trên 100 triệu đồng) đều từ đóng góp của nông dân, bằng đất đai, bằng tiền mặt, công sức.
Cũng như thôn Hòa Ngãi, ở thôn Hòa Bình (xã Sơn Định), phong trào nhân dân góp công sức, tiền của làm đường cũng được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ông Dương Văn Hòa-Trưởng thôn cho biết: "Người dân ở đây đa phần làm nông, chủ yếu là trồng mía, sắn. Vì vậy có được con đường tốt để vận chuyển nông sản là điều bà con ai cũng mong muốn, nên khi có chủ trương sửa và mở rộng tuyến đường từ Hòa Bình đi Cây Bút, họ hưởng ứng rất tích cực".
Theo ông Lê Chí Thạch- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sơn Định, ngoài các tuyến đường trên, nông dân xã Sơn Định đã góp công sức mở các tuyến đường từ thôn Hòa Nghĩa đi Giếng Máng, Hòa Nghĩa đi Dốc Đỏ, Hòa Nghĩa đi Đập Làng để xe công nông có thể đến tận ruộng vận chuyển nông sản. Ông Thạch khẳng định: "Có thể nói, đây là chương trình rất hợp lòng dân. Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đưa Sơn Định trở thành xã NTM đầu tiên của huyện Sơn Hòa".
Phú Yên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.