Mô hình nông nghiệp “2 trong 1” ở tỉnh Bắc Kạn

Trần Quang Thứ bảy, ngày 12/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi dự và chỉ đạo tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn lần thứ V (2020-2025), đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã đi thăm các mô hình sản xuất điển hình của nông dân.
Bình luận 0

Điều chỉnh quy trình chăm sóc

Lần đầu đến thăm mô hình trồng cây ăn quả đặc sản của gia đình ông Bùi Xuân Thu (ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn), người đứng đầu Trung ương Hội NDVN tỏ ra rất lo ngại về việc trồng cây ăn quả của hội viên nông dân của mình tại đây.

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, dù đã trồng cây ăn quả lâu năm nhưng chủ vườn này vẫn chưa có kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây đặc sản phù hợp, nhất là việc để trái quá nhiều trên các cành. Việc này làm cho quả nhỏ, chất lượng kém khó tiêu thụ.

Mô hình nông nghiệp “2 trong 1” ở Bắc Kạn - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng trao đổi với ông Bùi Xuân Thu, nông dân sản xuất giỏi ở Bạch Thông (Bắc Kạn) về kinh nghiệm canh tác cây ăn quả. Ảnh: Trần Quang

Bắc Kạn cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bộ chính sách tái cơ cấu và chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn theo chuỗi... để nâng tầm sản phẩm nông sản nói chung và trái cây nói riêng…".

Đồng chí Thào Xuân Sùng

Để cây ăn quả khỏe và cho trái ngon, chất lượng cao, Chủ tịch Hội NDVN lưu ý ông Thu nói riêng và người dân trồng cây ăn quả ở Bắc Kạn phải điều chỉnh lại chế độ chăm sóc, khai thác quả hợp lý hơn. "Muốn sản phẩm cạnh tranh và "cất cánh" bay xa được, bà con phải canh tác theo đúng quy trình chăm sóc khoa học và bài bản.

Bên cạnh việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc và dùng bẫy sinh học để phòng, trừ sâu bệnh, đồng chí Thào Xuân Sùng góp ý với cán bộ Hội địa phương nên có hỗ trợ, hướng dẫn và chủ vườn cần nghiên cứu trồng xen canh các cây rau, màu, dược liệu dưới tán cây ăn quả vừa giúp tăng thu nhập, vừa hạn chế được cỏ dại và giảm được chi phí nhân công.

Góp ý thêm với lãnh đạo các cấp Hội ND Bắc Kạn, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: Hội ND xã, huyện và tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh rà soát lại các diện tích cây ăn quả, cây đặc sản trên địa bàn để có kế hoạch phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

"Bên cạnh đó, các cấp Hội và các đơn vị liên quan của Bắc Kạn cần sớm phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên để xây dựng, hoàn thiện quy trình, tài liệu kỹ thuật và tập huấn kiến thức sản xuất, chăm sóc cây đặc sản, đặc hữu cho bà con tại địa phương. Đồng thời, chúng ta cũng phải tìm và đưa thêm các cây trồng mới về cho nông dân trên địa bàn sản xuất, canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn"- đồng chí Thào Xuân Sùng nói.

Nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái

Khi đến thăm mô hình sản xuất, chế biến tinh bột nghệ của hợp tác xã Tân Thành ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (TP.Bắc Kạn), đồng chí Thào Xuân Sùng rất vui vì mô hình này đã chủ động chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, giúp nông dân trên địa bàn tiêu thụ được sản phẩm.

Được biết, hiện tại các sản phẩm nghệ nếp của hợp tác xã này đã được tiêu thụ chủ lực tại các tỉnh như: Tỉnh Đăk Lăk, Quảng Ninh, Hà Nội, Sa Pa, Lào Cai, Điện Biên,TP.Hồ Chi Minh... và một số các công ty xuất nhập khẩu. Doanh thu hằng năm của tổ hợp tác Tân Thành đạt trên 5 tỷ đồng. Sản phẩm của hợp tác xã cũng đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ bao bì, mã vạch đầy đủ theo quy định.

Năm 2018, sản phẩm của hợp tác xã Tân Thành được cấp chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc hợp tác xã Tân Thành cho hay: Để ổn định vùng nguyên liệu, năm 2020, hợp tác xã tiếp tục cung ứng nghệ giống cho người dân địa phương để tăng diện tích trồng nghệ, tập huấn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng.

Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đôi bên cùng có lợi, hợp tác xã đã chủ động được nguyên liệu còn bà con nông dân không lo đầu ra sau mỗi vụ sản xuất.

Gợi ý thêm với hợp tác xã Tân Thành, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng, bên cạnh việc năng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ tinh bột nghệ, hợp tác xã Tân Thành cần dựa vào lợi thế của mô hình sản xuất để nghiên cứu tích hợp thêm mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vừa nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp đơn vị tăng thêm thu nhập.

Ông Lý Thái Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: Nhằm tạo bước đột phá trong thực tiễn sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của Bắc Kạn đã phối hợp với các trường đại học, các đơn vị của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai mô hình trồng mới và thâm canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Trong dự án này, tỉnh Bắc Kạn có huyện Na Rì, Bạch Thông và Chợ Đồn được các dự án hỗ trợ triển khai trồng mới, thâm canh và mô hình vườn cây mẹ, vườn ươm nhân giống. Đến nay, nhiều mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao mang lại thu nhập cao cho người dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem